Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ quyết đưa tập đoàn tội phạm toàn cầu ở FIFA ra ánh sáng

Cục điều tra Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ muốn làm trong sạch bộ máy FIFA, nhằm đem lại công bằng cho các quốc gia thành viên của tổ chức này.

Theo CNN, vấn nạn tham nhũng của quan chức FIFA không quá xa lạ với người hâm mộ bóng đá. Tuy nhiên, vẫn có những người ngạc nhiên sau vụ một số thành viên của cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới bị bắt ngày 27/5 tại Zurich, Thụy Sỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra bản cáo trạng với 47 tội danh dành cho 14 người có liên quan tại tòa án liên bang ở Brooklyn. Hầu hết những người bị bắt đều dính líu đến các hoạt động gian lận, lừa đảo, tham nhũng, hối lộ và rửa tiền.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Loretta Lynch, vấn đề nghiêm trọng nhất nằm ở chi phí gian lận. Bà thậm chí đã ví các quan chức bóng đá kết hợp với những người khác để tạo ra một “tập đoàn tội phạm toàn cầu”. Bà Lynch khẳng định, người phạm tội nặng nhất có thể chịu án tù lên tới 20 năm.

Phó chủ tịch và 5 quan chức FIFA bị bắt vì nhận hối lộ

Sáu quan chức FIFA, trong đó có Phó chủ tịch Jeffrey Webb, bị bắt giữ sau cuộc đột kích tại một khách sạn ở Zurich, Thụy Sỹ.

“Chúng tôi đang rút thẻ đỏ dành cho FIFA”

Bà Lynch cho rằng làm rõ chân tướng của những kẻ phạm tội không phải là công việc dễ dàng. Hành vi phạm tội của các quan chức FIFA có từ rất lâu, trong những năm thập niên 1990. Giám đốc FBI, James Comey và Trưởng phòng điều tra tội phạm IRS, Richard Weber cũng có quan điểm tương tự.

Cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới đang trở thành mục tiêu điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: Telesurtv.
Các quan chức FIFA bị cáo buộc nhận hối lộ với tổng số tiền lên tới 150 triệu đô la Mỹ. Đổi lại, họ phải làm mọi cách để quảng bá hình ảnh qua phương tiện truyền thông và quyền tiếp thị cho các giải đấu bóng đá. Nó được xem như tiền lại quả cho quốc gia giành quyền đăng cai World Cup. Chuyện này diễn ra suốt 24 năm qua.

“Đây thực sự là World Cup của những trò gian lận. Và hôm nay, chúng tôi đang phạt FIFA một tấm thẻ đỏ”, Trưởng phòng điều tra tội phạm IRS Richard Weber tuyên bố.

Tại sao Mỹ lại “xuống tay” với FIFA?

Giám đốc FBI, James Comey cho biết: “Lòng tham của một số quan chức biến chất ở FIFA tạo ra các sân chơi thiếu công bằng trong môn thể thao vua. Những khoản thanh toán bưng bít, bất hợp pháp, tiền lại quả và hối lộ đã trở thành một hình thức kinh doanh của tổ chức này”.

Trong khi đó, luật sư Kelly Currie khẳng định bản cáo trạng chỉ là sự khởi đầu. Các điều tra viên đang nỗ lực đưa bóng đá toàn cầu thoát khỏi vấn nạn tham nhũng.

Chris Eaton, cựu lãnh đạo an ninh tại FIFA chia sẻ: “Chúng tôi không đủ thẩm quyền để phán xét, hay tạo ra hành động mang tính toàn cầu như Mỹ đang làm hôm nay. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một cơ quan quyền lực ra tay chống lại một tổ chức thiếu minh bạch như FIFA”.

Stan Collymore, cựu tuyển thủ Anh, cho rằng Washington tham gia vào hoạt động kinh doanh của FIFA là tin vui dành cho người hâm mộ túc cầu. Cựu sao Liverpool không phải người đầu tiên ủng hộ Washington làm rõ bê bối ở cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới.

Dẫn độ nghi phạm về Mỹ và những vụ liên quan

Theo bà Loretta Lynch, những nghi phạm sẽ được dẫn độ về Mỹ để tiện điều tra. Bởi phần lớn cuộc hối lộ thường diễn ra trong các cuộc họp tại xứ sở cờ hoa. Thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ, họ sẽ nắm rõ hoạt động hối lộ và tài liệu liên quan đến tài chính của các quan chức FIFA.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Loretta Lynch cho rằng các hoạt động hối lộ diễn ra ở cả cuộc bầu cử chủ tịch FIFA 2011 và World Cup 2010. Ảnh: Mashable.

“Nhìn chung, những nghi phạm thường giao dịch thông qua các ngân hàng tại Mỹ. Họ nhận hối lộ để quyết định xem ai sẽ là người nắm giữ bản quyền truyền hình, cơ quan nào sẽ đứng ra tổ chức trận đấu, và ai là người vận hành các hoạt động bóng đá trên toàn cầu”, bà Lynch nói.

Bà Lynch cho biết thêm, trong số các hoạt động phạm pháp liên quan đến hối lộ còn có cuộc bầu cử chủ tịch FIFA 2011 và quyền đăng cai World Cup 2010.

“Khoảng năm 2004, FIFA bắt đầu tổ chức bầu chọn nước chủ nhà đăng cai World Cup 2010. Cơ hội được trao cho Nam Phi. Đây là lần đầu tiên giải đấu diễn ra tại châu Phi. Nhưng với sự kiện lịch sử này, quan chức FIFA và những người khác vẫn dính líu đến hoạt động tham nhũng”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khẳng định.

Sau tuyên bố của bà Lynch, Liên đoàn bóng đá Nam Phi cho rằng đó là những cáo buộc thiếu căn cứ và hứa sẽ làm rõ mọi chuyện. Người phát ngôn Dominic Chimhavi nhấn mạnh: “Những cá nhân đưa World Cup tới Nam Phi đều là những người cao cả. Công đó thuộc về cố Tổng thống Nelson Mandela và cựu Tổng thống Thabo Mbeki. Quá trình giành quyền đăng cai của Nam Phi không hề phạm pháp”.

Những người bị bắt

Có 14 người bị bắt giữ ngày 27/5, trong đó có 7 quan chức FIFA. Theo bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, Jeffrey Webb - Phó chủ tịch, thành viên Ủy ban điều hành FIFA - là người mắc nhiều tội danh nhất, 17 tội. Các thành viên khác của FIFA mắc ít tội hơn.

14 người bị bắt vì nghi dính líu đến hoạt động phạm pháp của FIFA.

Một số quan chức thuộc Liên đoàn tại Nam Mỹ và khu vực Caribbe hay cựu thành viên của FIFA cũng có tên trong danh sách bị dẫn độ sang Mỹ. Ngoài ra, những doanh nhân người Argentina như Alejandro Burzaco, Hugo Jinkis và Mariano Jinkis cũng tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp của FIFA.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter không nằm trong số những người bị bắt. Tuy nhiên, người đàn ông 79 tuổi vẫn nằm trong danh sách bị điều tra. “Tôi chưa bình luận về chuyện của ông Blatter”, bà Lynch trả lời khi phóng viên hỏi Sepp Blatter có nằm trong diện tình nghi.

Trong khi đó, Chủ tịch Blatter cho biết ông rất hoan nghênh việc Mỹ và chính quyền Thụy Sỹ bắt tay làm rõ các hoạt động phạm pháp của một số quan chức FIFA. Ông nói: “Những hành vi sai trái như vậy không có chỗ trong bóng đá. Chúng tôi hy vọng, cơ quan điều tra sẽ loại bỏ những người biến chất ra khỏi môn thể thao vua”.

Triều đại 17 năm của Blatter tại FIFA có nguy cơ sụp đổ

Sau khi 7 nhân vật cấp cao của Liên đoàn bóng đá thế giới bị bắt, ông Sepp Blatter khó thắng lần thứ năm liên tiếp tại đại hội FIFA bầu chủ tịch cho nhiệm kỳ mới.

Cuộc bầu cử FIFA có nguy cơ bị hoãn

Sau khi FBI, Bộ Tư pháp Mỹ và chính quyền Thụy Sỹ bắt giữ một số quan chức FIFA bị nghi phạm pháp, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho biết thành viên Hiệp hội dự định không tham gia cuộc họp thượng đỉnh của FIFA diễn ra ngày 29/5. Thay vào đó, UEFA kêu gọi FIFA hoãn cuộc bầu cử chủ tịch.

Cuộc bầu cử chủ tịch FIFA có thể bị hoãn lại. Ảnh: Si.

Ông Walter De Gregorio, người phát ngôn của FIFA cũng ủng hộ việc làm trong sạch bộ máy của FIFA trước cuộc bầu cử. “Những cuộc điều tra rất tốt cho FIFA. Nó không những vực lại hình ảnh, danh tiếng cho FIFA, mà còn giúp cơ quan này giải quyết những mâu thuẫn suốt 4 năm qua”.

Tuy nhiên, Hoàng tử Ali bin Al Hussein của Jordan, đối thủ của Sepp Blatter trong cuộc đua tới chiếc ghế Chủ tịch FIFA nhiệm kỳ tới lại muốn đẩy nhanh cuộc bầu cử.

Ông nói: “Chúng tôi không thể để cuộc khủng hoảng tiếp diễn. FIFA cần người lãnh đạo để cai trị, hướng dẫn và bảo vệ các hiệp hội thành viên. Những nhà lãnh đạo cần nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác. Họ phải nhanh chóng vực dậy niềm tin từ hàng trăm triệu người hâm mộ trên toàn thế giới”.

 

UEFA kêu gọi hoãn bầu cử chủ tịch FIFA

Số quan chức FIFA và những người liên quan nằm trong danh sách bị điều tra của FBI lên tới 14 người.

Tiểu Minh

Bạn có thể quan tâm