Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mỹ Tâm là hiện tượng hiếm gặp'

"Tâm không trộn lẫn và không dễ bắt chước chút nào. Khuyết điểm duy nhất của Tâm là hát cả những thứ không đáng hát.", nhạc sĩ Quốc Bảo đã nhận xét về cô ca sĩ như thế.

''Mỹ Tâm là hiện tượng hiếm gặp''

"Tâm không trộn lẫn và không dễ bắt chước chút nào. Khuyết điểm duy nhất của Tâm là hát cả những thứ không đáng hát.", nhạc sĩ Quốc Bảo đã nhận xét về cô ca sĩ như thế.

>>Mỹ Tâm: ''Ngày ấy'' là để ''bây giờ''
>>Mỹ Tâm ngất xỉu vì thương nhớ Huỳnh Phúc Điền
>>Mỹ Tâm ''chạm trán'' Cẩm Ly

Mùa mưa năm 2000, tôi để ý đến cái tên Mỹ Tâm lần đầu qua một bài báo ngắn. Nếu tôi nhớ đúng, thì đấy là vào một chiều mưa bị trói chân ở quán cà phê, tôi buồn tay giở trang báo ai đó vứt lại...

Cơ duyên

Nhạc sĩ Quốc Bảo

Thời điểm đó, tôi không hào hứng lắm với “những nhân tố mới” và thậm chí dị ứng với chuyện độc quyền ca sĩ mới.

Bài báo đưa tin một ca sĩ trẻ tên Mỹ Tâm (khi ấy mười chín tuổi) vừa hết độc quyền với Vafaco và đang tìm kiếm con đường độc lập. Trời xui đất khiến thế nào, chắc là vì đang ngán ngẩm do cơn mưa (!), tôi gọi điện cho Hồng Ngọc hỏi cách liên lạc Tâm – hai cô đều là “lính” của anh Chánh Trực – trung tâm Ca nhạc nhẹ. Lại nói chuyện với anh Từ Huy và được biết anh vừa giao cho đồng hương Mỹ Tâm thu âm “Quê hương tuổi thơ tôi” anh viết về quê nhà Đà Nẵng.

Hẹn Tâm ở phòng thu của Trần Thanh Tùng, tôi có nửa giờ trò chuyện với cô gái có dáng người thô ráp như vận động viên điền kinh, giọng thổ ngữ khoẻ khoắn, đầy phương ngữ miền Trung và nghe cô hát. Sau đó, tôi viết một bài giới thiệu nhỏ về Tâm trên báo, đề nghị làm cho cô một ít bài demo và mối quan hệ thân tình nảy nở nhanh chóng.

Tâm không mắc “bệnh nhắng”

Điều “phân biệt” Tâm với các ca sĩ trẻ khác, cùng thời hoặc sau cô, là không nhắng lên vì những dự định khổng lồ. Cả trong phát biểu với báo giới, lẫn trò chuyện hàng ngày, tôi thấy cô chưa bao giờ bộc lộ sự sốt ruột phải làm điều này điều nọ, hay bộc lộ cơn huyễn tưởng về một chiến lược xoay chuyển mặt bằng âm nhạc, hoặc những quyết tâm cháy bỏng phải có một lượng người hâm mộ đông đảo.

Cô cứ sống hồn nhiên vui vẻ: sẵn sàng nhận lời đi ăn lẩu dê khuya với anh em Nguyễn Hà – Quang Huy, hào hứng chạy từ tầng mười chung cư Nguyễn Thái Bình qua hàng trăm bậc cầu thang mòn vẹt để uống với tôi một ly cà phê, bỏ cả buổi chiều ở nhà tôi xem năm bảy đĩa music video, thức trắng cả đêm viết mấy lá thư cho bạn bè rồi lụi hụi ra bưu điện gửi, chờ đợi mấy tiếng đồng hồ nhường những người khách khác để thu một bản demo…

Tâm không cáu kỉnh, không lên gân, không bất mãn, không mặc cảm. Chính cái tâm thế không – làm – gì – cả, không – là – ai – cả đã giúp Tâm tích tụ năng lượng tốt và nhanh hơn những người khác, để rồi bùng nổ là phải chấn động – điều sẽ xảy đến hai năm sau.

Lúc nào cũng vênh váo siêu sao, đi đâu cũng bầu đoàn thê tử thì hỏng (Phương Thanh đã cho tôi biết kinh nghiệm là fans không thích ca sĩ đi xe hơi, bởi họ cảm thấy bị ngăn cách), mà bình dân quần đùi may ô thì tự mình biến mình thành người – không – mặt. Tâm đứng được giữa hai thái cực, chọn cho mình một con đường ở giữa hết sức thăng bằng, tỉnh táo và nhẹ nhõm.

Biết lượng sức mình

Sẵn có những tố chất như vậy, mà Tâm còn mất hai năm. Hai năm vô danh lâu có khi bằng cả đời. Tôi đưa Tâm ra Hà Nội hát đầu năm 2001, chẳng ai quan tâm. Cuối năm đó, ở chương trình “Như một loài chia tay” (Nhà hát Thành phố, tưởng niệm Trịnh Công Sơn), tôi đã đem uy tín mình ra bảo chứng cho cô; và trước phản đối gay gắt của nhiều người (nhạc sĩ Thanh Tùng chẳng hạn), tôi còn đến mức buộc phải gây sức ép “các vị có thể chọn một biên tập khác” để Tâm có được chỗ đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, bên cạnh đàn anh đàn chị chuyên nghiệp.

Mất hai năm để những “Mãi yêu”, “To Love You More”, “Tóc nâu môi trầm” thâm nhập vào người hâm mộ ở những sân khấu Cadillac Club, M-Saigon, M&Tôi. Mất hai năm để Tâm đủ can đảm vượt qua nỗi sợ (không hề mơ hồ chút nào) khi phải cạnh tranh với những bóng dáng Hồng Ngọc, Hiền Thục, Thu Phương.

Giọng Tâm đặc biệt, không u uẩn như Hồ Ngọc Hà, không tinh tế như Trần Thu Hà, mà nằm giữa chúng: dễ nghe, gần gũi, ít dùng giọng pha (để lên những nốt cao), bồi âm (Harmonics) phong phú và đầy cảm xúc.

Đường Tâm đi không mới lạ, song ít va vấp. Có vẻ như cô không bao giờ thôi tâm niệm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, dù năm nay cô đã hăm tám, nhỏ nhít gì nữa. Vì sao Tâm thành công được khi trải dài qua nhiều phong cách, hết disco lại tàu, hết rock sang R&B rồi dance? – Có người hỏi tôi. Với tôi, Tâm chỉ có một phong cách thôi: dễ nghe, phù hợp với tai nghe của công chúng từng lúc, mà lại luôn thể hiện điều đó một cách hợp lý nhất. Không phải mài cho nhỏ bớt cưa sừng làm nghé. Không tội vạ gì phải đeo mười chín cái vòng tay cho thành rocker. Hoặc lăn lê bò toài dưới gót mấy anh vũ công để làm công chúa teen. Tâm vừa phải, cái gì cũng vừa phải, lúc nào cũng đúng con đường ở giữa mà bước.

Tâm là hiện tượng hiếm gặp, không trộn lẫn và không dễ bắt chước chút nào. Khuyết điểm duy nhất của Tâm là hát cả những thứ không đáng hát. Hẳn cũng là do bị cuốn theo quán tính của nghề!

Theo Bưu điện Việt Nam

Theo Đẹp

Bạn có thể quan tâm