hành trình xuyên việt |
Ấp ủ một chuyến đi dài từ lâu nên ngay sau đám cưới, Đức An gợi ý vợ cùng thực hiện chuyến phượt xuyên Việt, vừa để khám phá các vùng đất mới, vừa tạo thêm những kỷ niệm gắn bó bên nhau.
Nhận được cái gật đầu của "đối phương", Đức An cùng vợ Kim Trang nhanh chóng hiện thực hóa mong muốn ấy với hành trình trải qua 21 ngày (từ 8/4 đến 27/4) rong ruổi khắp các miền đất nước theo tuyến đường: Sài Gòn - Vũng Tàu - Lagi - Phan Thiết - Mũi Né - Bàu Trắng - Nha Trang - Phú Yên - Quy Nhơn - Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình - Ninh Bình - Hạ Long - Hà Nội.
Hành trình được thực hiện trên chiếc xe máy thân quen với tổng kinh phí cho chuyến đi khoảng 30 triệu đồng. Trong đó, khoảng 7 triệu đồng chi cho việc sửa và kiểm tra xe, mua đồ bảo hộ và các vật dụng cần thiết trước khi lên đường. Quá trình chuẩn bị cũng đem lại cho cặp vợ chồng trẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ bởi sự hào hứng xen lẫn tò mò về hành trình sắp tới.
Dưới đây là chia sẻ của Kim Trang gửi tới Zing.vn về những cảm nhận và sự thay đổi trong quan niệm về du lịch của cô sau chuyến đi ý nghĩa này.
Lý do lựa chọn hành trình TP.HCM - Hà Nội
Đây là chuyến đi phượt dài ngày đầu tiên của tôi. Trước đây, tôi có vài chuyến đi ngắn, khoảng hơn 100 km với nhóm bạn đại học. Phượt xuyên Việt lần này có thể xem như chuyến đi trăng mật của 2 vợ chồng tôi bởi hành trình thực hiện khi cả hai vừa hoàn thành lễ cưới.
Trước đó, khi còn yêu nhau, cả hai có nhiều cơ hội tới với các tỉnh miền Tây. Để dịp đi chơi trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn, chúng tôi cùng nhau thảo luận và chọn chặng đường đi từ TP.HCM tới Hà Nội để khám phá thêm về Việt Nam.
Chuyến đi thay đổi hoàn toàn định nghĩa phượt bấy lâu nay
Trước đây, tôi thường chọn xe khách hoặc máy bay là phương tiện di chuyển chính cho những chuyến du lịch, bởi cho rằng xe máy khá nguy hiểm, mất thời gian và ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, sau chuyến đi này, tôi thấy việc di chuyển bằng xe máy rất thú vị.
Nếu như trước đó, tôi lên ôtô, máy bay, ngủ một giấc là tới nơi cần đến, thì lần này, trên từng cung đường đi qua, tôi có cơ hội ngắm nhìn và thưởng thức bất cứ thứ gì mình muốn, bởi hoàn toàn chủ động với phương tiện.
Chọn phương tiện là xe máy giúp tôi làm chủ hoàn toàn hành trình của mình. Nếu du lịch bằng xe khách hay máy bay, bạn có thể ngủ trên suốt đoạn đường di chuyển, và hành trình khám phá có thể chỉ bắt đầu khi bạn check-in khách sạn xong xuôi và bắt đầu ra phố.
Nhưng phượt xe máy thì khác. Bạn có thể thu hết mọi thứ vào tầm mắt trong suốt chặng đường di chuyển của mình. Tôi đã phải liên tục thốt lên “wow...wow” trong suốt hành trình khi lướt trên những cung đường biển tuyệt đẹp từ Phan Thiết ra đến Quy Nhơn, những đoạn đường cát trắng tinh ở Phan Rí, những cánh đồng lúa vàng rực rỡ ở Phú Yên hay đoạn đường đèo Hải Vân đầy mê hoặc…
Đi xe máy mệt ư? Mệt thì có thể nghỉ bất cứ khi nào mình muốn. Hai vợ chồng hoàn toàn có thể dừng lại trên dải cát nhỏ ven biển miền Trung, tấp vào những quán ăn vặt, đặc sản Đà Nẵng... bất cứ nơi nào để có thể ghi lại dấu ấn, khoảnh khắc của mình, những nơi mà nếu đi xe khách, chắc không bao giờ tôi có cơ hội cảm nhận vẻ đẹp ấy.
Nó là một thứ cảm giác gì đó rất khác, khi hiện tại bạn đang đứng tại đây, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà trước đây bạn chỉ thấy qua phim ảnh. Tôi cảm thấy điều đó rất tuyệt. Thực sự, chuyến đi đã thay đổi hoàn toàn định nghĩa chữ “phượt” trong tôi bấy lâu nay.
Di chuyển và thưởng thức ẩm thực
Trước chuyến đi, chúng tôi đã bỏ khá nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng và lên kế hoạch cụ thể về hành trình, những điểm nên đa số mỗi điểm đặt chân tới đều không làm tôi thất vọng.
Tuy nhiên, dù "nghiên cứu" kỹ thế nào, cả hai cũng không tránh khỏi nhiều lần bị lạc đường và "mua đường" vòng vì theo chỉ dẫn của google map.
Bên cạnh đường đi, tôi nghĩ ăn uống cũng là vấn đề khá quan trọng trong hành trình của mỗi người, bất kể đi đâu. Cả hai cũng đã cùng nhau tìm hiểu những địa chỉ ăn uống nổi tiếng ở những nơi mình đến.
Tuy nhiên, cũng có vài lần bị thất bại, đó là các món chúng tôi ăn không quen hoặc gọi lên nhiều ăn không hết. Kinh nghiệm là mình nên gọi từ từ vài món, ăn xong rồi gọi thêm nếu chưa no.
Địa điểm yêu thích nhất
Mỗi điểm dừng chân đều mang lại sự thú vị và những cảm nhận khác nhau. Nhưng có lẽ vì tính cách và sở thích với những gì bình dị, nhẹ nhàng, tôi đặc biệt thích vẻ đẹp của Hội An, Ninh Bình và Hà Nội.
Vừa đến Hội An, tôi đã cảm thấy yêu mến rồi. Phố cổ ban ngày yên bình nhưng chiều tối rất tấp nập và nhộn nhịp. Tràng An - Ninh Bình khiến tôi choáng ngợp trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp. Hà Nội cũng có nét sôi động như Sài Gòn nhưng vẫn giữ được chút gì đó cổ kính.
Đó là 3 địa điểm tôi thích nhất và có thể sẽ quay lại trong tương lai.
Sự hợp tác, tương trợ “ăn ý” của bạn đồng hành
Một trong những điều quan trọng góp phần làm nên "thành công" của mỗi chuyến đi là bạn đồng hành ăn ý. Với chúng tôi, đây là chuyến đi rất dài, 2 vợ chồng cũng phải cố gắng nhiều trong việc "kiềm chế cảm xúc". Bởi dù đã bàn luận kỹ từ trước, chuyến đi cũng không tránh khỏi những bất đồng quan điểm.
Để khắc phục xích mích không đáng có, chúng tôi đã phân chia rõ ràng công việc, những thứ cần chuẩn bị để g giải quyết nhanh hơn.
Trong phần di chuyển và chọn cung đường, chồng tôi toàn quyền quyết định vì anh ấy cầm lái. Đôi khi, anh cũng chọn sai, đi đường vòng mệt. Chắc chắn, mỗi người con gái khi rơi vào tình huống này đều có chút bực mình.
Mỗi lần như vậy, tôi lại tự nhủ phải xua tan cảm xúc tiêu cực ấy đi bởi ngay từ đầu, mình đã tin tưởng giao phó cho anh ấy. Bù lại, anh cũng nhường quyền quyết định các khoản ăn uống, ngủ nghỉ cho tôi. Tôi nghĩ rằng nếu phân công cụ thể và biết được trách nhiệm của mình như vậy, cả hai sẽ tránh được tối đa những cãi vã không đáng có.
Thêm vào đó, những chuyến đi xa sẽ lấy đi rất nhiều sức lực. Vậy nên, trước khi quyết định đi chơi dài ngày, bạn nên chú trọng vấn đề sức khỏe. Trong quá trình di chuyển, tôi và chồng cũng chú ý nghỉ ngơi mỗi khi thấy mệt.
Thật may mắn khi trong suốt chuyến đi 2 vợ chồng vẫn giữ được sức khỏe tốt. Tôi lo ăn uống đúng bữa, ngủ đủ giấc để có tinh thần thoải mái nhất trong mỗi ngày di chuyển. Còn chồng thì luôn động viên tôi mỗi khi tôi đau nhức hay thấy mệt mỏi.
Và cuối cùng, 2 vợ chồng đã hoàn thành chuyến đi một cách tuyệt vời.
Muốn lên kế hoạch cho một chuyến đi như thế, các cặp đôi cần chuẩn bị những gì?
Lời khuyên thì tôi cũng chỉ rút ra từ kinh nghiệm của bản thân. Đó là:
- Quan trọng nhất là bạn phải kiểm tra xe thật kỹ trước khi đi để tránh rủi ro.
- Chuẩn bị đồ bảo hộ đầy đủ: Mũ bảo hiểm, áo khoác chống nắng, kính mát, giày, thuốc uống mang theo phòng khi đau bụng, cảm cúm...
- Hành lý mang theo càng tối giản càng tốt.
- Tìm hiểu và lên kế hoạch lộ trình trước khi đi. Ăn uống và nghỉ ngơi bạn có thể tìm hiểu sau khi bạn đã đến điểm dừng chân. Tuy nhiên, tôi vẫn ưu tiên tìm hiểu trước để chủ động.
- Bạn không nên mang theo quá nhiều tiền mặt. Hãy cầm thẻ, khi nào cần thì rút.
- Trang bị một vài kiến thức cứu hộ cần thiết.
- Bạn cần phải chuẩn bị tâm lý rằng sẽ có những rủi ro xảy đến trong chuyến đi và bạn phải phối hợp để cùng nhau giải quyết.
- Cuối cùng, hãy ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc để có sức khỏe thật tốt trước và trong khi du lịch.