Không có từ ngữ đao to búa lớn nào dành cho Rafa sau chức vô địch US Open 2017. Mọi thứ diễn ra cứ như mặt trời mọc hướng đông và lặn hướng tây.
Một trận chung kết không lấy gì làm lôi cuốn người xem. Với những tín đồ làng banh nỉ, giải US Open 2017 sớm hạ màn khi Roger Federer gác vợt trước Juan Martin del Potro ở tứ kết và Rafa vượt qua chính "Tòa tháp Tandil" (biệt danh Del Potro) sau đó.
Khoảnh khắc Nadal đả bại tay vợt người Argentina, người ta thấy trước chức vô địch sớm gọi tên ai. Nhưng vòng quay tennis vẫn phải chuyển động. Một giải đấu luôn có khởi đầu và kết thúc.
Trận chung kết US Open giữa Rafa và Kevin Anderson vì thế cứ diễn ra, mặc cho diễn biến rất nhàm chán. Nadal không đối mặt bất cứ break-point nào. Bên kia lưới, Anderson chỉ mang thân hình khổng lồ, còn tầm vóc tennis tỷ lệ nghịch với Nadal
Rafa bỏ túi danh hiệu Grand Slam thứ 16 như điều hiển nhiên. So với những lần "cắn cúp" trước, giải US Open 2017 nhàn hạ rất nhiều. Thật vậy, ngôi sao xứ bò tót trên hành trình tiến đến trận chung kết không đối mặt với tay vợt nào trong top 20 thế giới. Ngay cả đối thủ ở chung kết chỉ sắm vai hạt giống 28.
Nhìn cách Rafa lên ngôi trên đất New York (Mỹ), khó có thể dành chữ "thuyết phục" cho anh. Đấy là bề nổi. Còn bề chìm lại khác. Người ta không ca tụng tay vợt người Tây Ban Nha tất cả chỉ vì một lý do: Hễ còn Roger Federer, tình yêu không bao giờ tìm đến trọn vẹn với Nadal, dù cho có chiến thắng đi nữa.
Tình cảm là thứ rất khó giải thích. Đôi khi đã vươn tới vinh quang, kẻ chiến thắng chưa chắc lấy được xúc cảm ngọt ngào nhất từ khán giả. Giải đấu nào có Federer, Rafa chắc chắn không được yêu trọn vẹn. Khán giả cuồng nhiệt hơn mỗi lần FedEx giành điểm và ít lại khi điều đó thuộc về Nadal.
Hạ màn US Open 2017, tờ Newsday đặt ra câu hỏi: Liệu Rafa đã là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời? Nói có, điều này sẽ rất hài hước. Rafa vẫn kém FedEx 3 Grand Slam và chừng nào chưa thể vượt qua được kỷ lục đó, tay vợt người Tây Ban Nha không bao giờ có thể vĩ đại hơn kình địch của mình.
Báo Newsday tiếp tục nhắc lại kịch bản Nadal và Federer chưa bao giờ đụng độ tại US Open. Như một cách chơi chữ đầy thâm thúy, chỉ khi Rafa hạ được Federer trên hành trình tới chức vô địch, anh mới được nhìn nhận. Làm sao một điều phi lý như vậy lại có thể xuất hiện?
Không ai giải thích được, bởi tình cảm người hâm mộ đã gắn sâu vào một lập luận khó thay đổi. Như một chân lý, Federer luôn là vua, dù thất bại đi nữa. Còn Nadal chưa bao giờ có được một chỗ đứng mang hương vị ngọt ngào trọn vẹn trong tim người hâm mộ.
Đó là sự khác biệt rất lớn mà không chỉ ở US Open 2017 mới xuất hiện. Suốt nhiều năm qua, Federer tự tạo cho mình sự chuẩn mực của thứ tennis không tỳ vết, hiện thân cho một quý ngài lịch lãm. Đã là quý ngài lịch lãm, Federer luôn mang đến thứ tennis cống hiến và hoa mỹ.
Còn Rafa hễ ra sân luôn để lại dấu ấn là sự lì lợm, tàn nhẫn trong phong cách thi đấu và một cái đầu sặc mùi toan tính. Khác biệt giữa Federer và Nadal cũng khiến người yêu, kẻ ghét cả hai tay vợt trở nên rành mạch hơn. Khái niệm bất công đầy khó hiểu theo đó xuất hiện.
Còn nhớ khi Federer hạ Nadal để vô địch Australian Open 2017, hàng loạt cựu danh thủ lên tiếng ca ngợi "Tàu tốc hành". Franco Baresi dùng từ "oai nghiêm" để ca ngợi Federer. Còn chân sút Michy Batshuayi cũng không giấu được cảm xúc, anh gọi ngôi sao 36 tuổi là "huyền thoại với sự kỳ vĩ".
Trái ngược với Federer, Nadal không nhận được nhiều cảm tình như vậy. Các phương tiện truyền thông giật tít ngắn gọn "Nadal có danh hiệu US Open thứ 3" hoặc" "Rafa lên ngôi tại Mỹ". Nội dung nhiều bài viết giống nhau. Họ nói Anderson thua vì kém tầm đẳng cấp, không tương xứng với Rafa.
Với Federer, mỗi lần gặt hái được thành tựu nào to, người ta lập tức phân tích đủ mọi "bề chìm", từ hành trình có được vinh quang, để tô vẽ thêm cho chiến tích ấy. Như tại Australian Open 2017, Federer không được đánh giá cao vẫn vượt qua nhiều tên tuổi như Berdych, Nishikori, Wawrinka và Nadal.
Huyền thoại sống làng banh nỉ nhờ đó đã vĩ đại lại càng vĩ đại hơn. Còn Nadal, đối thủ của anh tại US Open 2017 toàn những tay vợt làng nhàng. Ở chung kết, Kevin Anderson chơi không tồi, tuy nhiên đẳng cấp hoàn toàn không thể so với Nadal.
Fox Sports Asia mới đâybình luận US Open 2017 là danh hiệu dễ dàng nhất Nadal có được. Họ dẫn chứng sân chơi này kém phần cam go khi Murray, Djokovic, Wawrinka, Raonic và Nishikori không tham dự. Rồi ở nhánh đấu của mình, Rafa gặp may nhờ Dimitrov, Goffin và Berdych bị knock-out từ sớm.
Truyền thông nói về Nadal như thế, bộc lộ rõ một sự bất công phi lý cho người chiến thắng. Tất cả vì Federer, ngôi sao đã thu hút mọi cảm tình của khán giả. Có thể Rafa lên ngôi không thuyết phục như các giải đấu trước, tuy nhiên đỉnh cao của những môn thể thao là gọi tên kẻ chiến thắng chung cuộc.
Tại Mỹ, Nadal lấy cúp US Open 2017, dù vẻ vang hay không, vẫn là nhà vô địch chung cuộc. Phát biểu sau trận đấu, Rafa không nhắc gì đến Federer hay cách đối xử của truyền thông. Anh mô tả năm 2017 thật sự rất kỳ diệu. Đây là mùa giải chứng kiến Nadal đi qua bóng tối để trở lại vị trí số 1 thế giới.
Cuộc tái thiết ở tuổi 31 của Nadal đến từ giải Australian Open 2017 hồi đầu năm. Anh dự giải với rất nhiều hoài nghi, cảm xúc trái chiều. "Làm sao mình có thể thi đấu tốt?", "thành tích tốt nhất sẽ gặt hái được là gì?", "Liệu còn cơ hội nào cho mình ở sân chơi này"... hàng loạt câu hỏi hiện ra trong suy nghĩ Rafa.
Từ một tay vợt luôn đứng trên đỉnh cao thế giới, Rafa trải qua hơn 2 năm ác mộng. Anh thi đấu sa sút từ sau giải Roland Garros 2014, không giành được Grand Slam nào suốt 10 giải đấu lớn tiếp theo. Rồi chấn thương xảy đến, cái cổ tay bị đau đến chứng viêm ruột thừa, làm sự dẻo dai mất đi.
Ngày trước, Rafa chỉ thua mỗi Federer, Djokovic hay cùng lắm Murray. Nhưng từ sau Roland Garros 2014, đến cả những tay vợt làng nhàng như Kyrgios, Klizan hay Feliciano Lopez cũng có thể gây khó khăn. Thứ hạng Nadal giảm dần. Sau bị đánh bật khỏi top 3 là rớt xuống tận hạng 10 vào tháng 6/2015.
Hết lần này đến lần khác, Nadal thất bại rồi lại đứng lên và trở lại. Càng lớn tuổi, sự ngờ vực cho anh lại tăng dần sau mỗi trận thua. Ai đó lo ngại thể lực sung mãn của Rafa sẽ không thể duy trì sự nghiệp được lâu. Nhưng ở tuổi 31, Nadal đã đập tan mọi sự chỉ trích và chứng tỏ anh vẫn chưa thể dừng lại.
Chính ý chí của Rafa làm thay đổi số phận. "Chưa bao giờ bản thân cho phép tôi dừng lại. Khi thua một trận đấu, đó là vì đối thủ đã chơi hay hơn, không phải vì tôi đã tự thua. Luôn có điều gì đó thôi thúc tôi tiến lên. Bản thân biết mình sẽ làm gì để cải thiện mọi thứ", Nadal nói với Telegraph vào năm 2015.
Trên sân, phong cách của Rafa rất tàn nhẫn. Anh thích giằng co với đối thủ đến khi kẻ bên kia kiệt sức rồi tung đòn quyết định lấy điểm. Chính sự xù xì đó khiến người xem không mấy thích thú. Họ yêu Federer bởi thứ tennis hoa mỹ, ngẫu hứng và toàn diện nhiều hơn Rafa.
Song, tính cách làm nên số phận và cả lối chơi. Cái máu lửa chảy trong huyết quản Rafa không phải lúc nào cũng tiêu cực. Nó giúp anh chinh phục mọi thử thách, đánh bại sự khắc nghiệt số phận. Nếu Rafa không mạnh mẽ, anh có lẽ đã lui về hậu trường, quản lý học viện cho nhàn nhã.
Không nói chắc ít người biết Rafa từng tâm sự với phóng viên Tây Ban Nha thế này sau khi đánh bại Gael Monfils để vào tứ kết Australian Open 2017: “Tendré que ser agresivo. Si no estaré muerto” (Tôi phải giành kết quả tích cực. Nếu không, tôi sẽ chết mất).
Nếu so sánh sân đấu như chiến trường, thì Nadal giống một chiến binh. Ở đó chỉ có hai khái niệm, chiến thắng hoặc thất bại, sống sót hoặc gục ngã. Với suy nghĩ đó, Rafa như được thôi thúc nhiều hơn. Tinh thần của anh cũng mạnh mẽ, lì lợm và ngoan cường.
Những thất bại trong 2 năm qua không làm Rafa gục ngã, nó mang đến cho anh nhiều bài học. Rafa hiểu rõ điều đó để từng bước chinh phục chiến thắng đầy ấn tượng. “Sin épica no hay paraíso” (không có sử thi anh hùng, sẽ không có thiên đường), Nadal thuộc lòng quan niệm ấy.
Bí quyết của Nadal cũng rất đơn giản: “Tôi sống có kỷ luật, dám thay đổi và biết rõ điều mình sẽ làm tiếp theo. Bản thân cũng sống cho hiện tại, sẵn sàng xử lý khó khăn khi chúng tới". Thắng cũng nhiều, thua cũng không ít. Và sau mỗi thất bại, Rafa lại tự tìm cho mình bài học để khôn ngoan hơn.
Trên New York Times, nhà báo Christopher Clarey nhìn thấy sự thay đổi kinh ngạc trong lối chơi Rafa. Anh không chỉ biết "chôn chân" ở cuối sân, Nadal giờ đây mở rộng hai biên để tung những cú thuận và trái tay đầy uy lực. Anh biết điều bóng sát với Anderson để khai thác triệt sự vụng về của tay vợt này.
Cái hay và thông minh của một tay vợt già rơ như Rafa nằm ở đó. Anh không chỉ biết trông cậy vào những màn giằng co dài hơi. Thi triển tốc độ, những cú đánh xoáy và khả năng di chuyển linh hoạt, Nadal lúc này pha trộn những điều đó vào lối chơi. Nhiều lúc, anh còn xử lý rất mạo hiểm.
Trận chung kết, Nadal có 30 điểm winner, chỉ mắc 11 lỗi và giành 16/16 điểm lên lưới. Xuyên suốt ba set đấu, không khi nào tay vợt người Tây Ban Nha để Anderson rảnh tay, buộc đối thủ di chuyển suốt. Nadal cũng khéo léo gài bóng sao cho đối thủ tự tạo cơ hội cho anh tung ra những cú thuận tay ăn điểm.
"Rafa thật sự tạo ra thế trận khiến tôi khó xử lý tốt. Cảm giác lúc nào anh ấy cũng dồn ép mình bằng những pha trả giao bóng. Tôi nghĩ Rafa hôm nay đọc vị rất tốt khả năng giao bóng của tôi", Kevin Anderson thốt lên.
Những nhà nghiên cứu từng chứng minh càng lớn tuổi và gặt hái nhiều thành tựu to lớn, người ta lại khó thay đổi bản thân hơn. Nhưng Nadal ngoại lệ. Không khi nào anh bước vào phòng họp báo sau những trận đấu ở Grand Slam mà không thốt lên bản thân sẽ cố gắng thi đấu để hoàn thiện mình.
Cựu HLV của Federer là Paul Annacone nói rằng: "Trong suốt thời gian dài, chúng ta đã tự hỏi tới bao giờ thì kỷ nguyên của Federer và Nadal kết thúc. Sẽ thật trống vắng khi mà quần vợt thế giới không còn nhìn thấy Federer và Nadal thi đấu nữa".
Chủ tịch ATP, Chris Kermode trả lời phỏng vấn tờ New York Times: “Federer và Nadal đã trở thành những biểu tượng của thể thao thế giới chứ không chỉ ở môn quần vợt. Nhưng sự nghiệp thi đấu của cả hai không thể vĩnh cửu. Người hâm mộ sẽ rất nhớ Federer và Nadal nhưng thời gian rồi sẽ phôi phai”.
Thế giới đã thay đổi rất nhiều, nhưng Nadal và Federer vẫn thể hiện đẳng cấp tuyệt vời. Mùa giải 2017 được thiết kế riêng cho hai huyền thoại này, họ chia nhau những danh hiệu Grand Slam cao quý. Mọi nghi ngờ đều bị xóa tan, cái gọi là kỷ nguyên Federer-Nadal kết thúc đang trở nên vô nghĩa.
Năm 2017, Federer vô địch Australian Open và Wimbledon, còn Nadal lấy cúp Roland Garros và US Open. Thứ tennis của họ vẫn còn chứa đựng rất nhiều điều vi diệu, mang đến cảm xúc dạt dào cho người xem. Rafa và FedEx giờ hơn 30 tuổi, tuy nhiên họ chưa một lần chia sẻ kế hoạch giải nghệ.
Với người hâm mộ, miễn Rafa và FedEx cầm vợt, đó sẽ giống như điều tốt đẹp nhất còn sót lại. Ai cũng cần Rafa và Federer, ngay cả chính những tay vợt này. Rafa cần Federer để hoàn thiện hơn cho những chiến tích thêm phần vĩ đại và ngược lại. Thế giới cần Rafa và Federer.
Và sau cùng, hãy cám ơn vì họ còn cầm vợt. Federer là hiện thân cho cây trường sinh bất tử, một biểu tượng của cái đẹp trong quần vợt. Với Nadal, anh trở thành hình mẫu lý tưởng cho ý chí ngoan cường, một nguồn cảm hứng cho những ai lỡ thất bại muốn tìm lại ánh sáng trong cuộc sống.
Mặc cho Rafa luôn phải chịu bất công trong việc giành lấy cảm tình của khán giả , tuy nhiên cuộc sống luôn như thế. Có những thứ rất bất công không thể giải thích. Nadal hiểu điều điều. Và anh cũng không câu nệ chuyện được yêu nhiều hay ít. Mỗi lần ra sân, Rafa sẽ lại nỗ lực hơn vì bản thân và khán giả.
Và khi ấy, kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất của tennis thế giới lại được tiếp tục như Rafa và FedEx đã gây dựng gần một thập kỷ qua.