Chiến thắng của bản lĩnh
Để dùng một từ nói về chiến thắng lịch sử của Nadal đêm qua, thì từ đó là bản lĩnh. Chưa khi nào, Djokovic bước vào Gland Slam đất nện với 1 sự tự tin lớn đến thế. Một tuần trước khi Roland Garros khởi tranh, anh ngược dòng đánh bại Nadal ở Rome Master.
Nadal thi đấu bản lĩnh trong trận chung kết Roland Garros 2014. |
Set 1 kết thúc với chiến thắng chóng vánh dành cho Nole, dường như ai cũng nghĩ anh sẽ lần đầu xưng vương ở Philippe Chatrier. Nhưng đó cũng là lúc Nadal bừng tỉnh và thể hiện bản lĩnh của 1 nhà vô địch. Anh trở lại đầy mạnh mẽ ở set 2, dù đã có lúc tưởng chừng số 1 thế giới bị tâm lý, khi anh giành break nhưng lại mất ngay sau đó. Tuy nhiên, Nadal vẫn xuất sắc kết thúc set đấu ở game mà Nole cầm giao bóng.
Kể từ đó, trận đấu thuộc về Rafa, cũng có những thời điểm Nole gây ra không ít khó dễ cho nhà vô địch. Tuy nhiên, bản lĩnh cùng niềm tin tuyệt đối vào bản thân biến Nadal trở nên không thể đánh bại. Sự tự tin của anh thể hiện trong từng pha ghi điểm, khi mà điểm rơi của bóng thường nằm ở dây hoặc vạch cuối sân. Mọi đường tấn công của Djokovic nhanh chóng bị đáp trả bằng những cú passing cực hiểm hóc. Bóng cận chân hay bỏ nhỏ, Nadal đều xử lý vô cùng tỉnh táo. Điều đó làm Nole rối trí và đánh mất mình, anh nôn nóng và dần mất kiểm soát. Từ cuối set 3, hầu hết mọi pha dứt điểm của số 2 thế giới đều đưa bóng ra ngoài hoặc rúc lưới.
Nadal rất bản lĩnh ở thời khắc quyết định. Tất cả 3 set thắng, anh đều có set point ở những game giao bóng của đối thủ. Điều này tạo đà tâm lý rất thuận lợi cho anh ở những set sau, khi anh luôn là người dẫn trước, đẩy đối thủ vào thế bám đuổi. Chiến thắng cuối cùng đến với Nadal theo một cách ít ai ngờ, khi Nole mắc lỗi kép. Hệ quả của sức ép tâm lý quá nặng nề.
Chiến thắng nhờ sự linh hoạt
"Ông vua đất nện" lần thứ 9 lên ngôi tại Paris. |
Vinh quang thứ 9 ở Paris còn cho thấy Nadal đầy linh hoạt, khi anh liên tục thay đổi lối đánh ở từng thời điểm. Sau set 1 thất bại, "Vua đất nện" chuyển mình dữ dội ở set sau. Thay vì giao bóng xoáy, Nadal mạnh dạn sử dụng lối giao bóng mạnh gây bất ngờ cho đối phương. Những thông số về giao bóng không hề biết nói dối. Giao bóng 1 của Nadal là 84% so với 82% của Novak, bóng 1 ăn điểm là 61% so với 59%, bóng 2 ăn điểm là 50% so vói 36%. Sự vượt trội không đáng kể nhưng trong 1 trận chung kết, như thế là đủ để tạo ra khác biệt.
Không chỉ mạnh dạn thay đổi phương pháp giao bóng, Rafa còn chủ động tấn công hơn, bằng chứng là số điểm winner anh giành được 44 so với 43 của Djokovic. Dù chỉ hơn 1 điểm winner nhưng với tay vợt thường ăn điểm nhờ sai lầm của đối thủ như Nadal, nó lại là 1chiến thắng. Đặc biệt khi đối thủ của anh là siêu sao trong trả giao bóng.
Số lần passing ăn điểm của Rafa cũng vượt trội 51 so với 41. Như thường lệ, Nadal luôn là người mắc lỗi ít hơn đối thủ, 38 lần đánh bóng hỏng của anh không là gì so với 49 lần tự ném đi cơ hội của Nole. Một trận đấu mà người hâm mộ được chứng kiến 1 Nadal đầy mạnh mẽ khi tấn công và vẫn lỳ lợm trong phòng thủ.
Chiến thắng này mang lại rất nhiều điều cho Rafael Nadal. Một lần nữa, anh dõng dạc tuyên bố “chủ quyển” không thể xâm phạm ở Roland Garros. Suốt 10 năm qua, chưa ai có thể đánh bại được "Vua đất nện" khi anh sung mãn nhất, thất bại năm 2009 trước Sorderling đến khi Nadal gặp chấn thương đầu gối và tự thua.
Kỷ lục 4 lần liên tiếp vô địch Roland Garros của huyền thoại Bjorn Borg đã bị xô đổ. Nadal trở thành tay vợt đầu tiên 9 lần lên ngôi tại một giải Grand Slam. Quan trọng hơn, giờ đây anh đã san bằng kỷ lục 14 Grand Slam của Pete Sampras. Và đang trên đường thách thức kỷ lục mọi thời đại 17 Grand Slam của Roger Federer.
Giờ thì không ai có thể nói Rafa đã hết thời nữa rồi. Mặt sân đất nện vẫn là của anh, và nó ngày càng bền vững, đế chế này không biết đến bao giờ sẽ sụp đổ? Ngả mũ thán phục anh, "Vua đất nện" Rafael Nadal.