Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia, vào cuối tháng 3 và tháng 4, không khí lạnh sẽ vẫn ảnh hưởng tới khu vực phía bắc, với cường độ và tần suất giảm dần.
Dông sét, mưa đá xảy ra diện rộng
Trao đổi với Zing.vn, TS Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo hạn vừa hạn dài (thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia) cho hay tình trạng mưa đá, dông lốc xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ trong thời gian vừa qua là khá sớm.
TS Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo hạn vừa hạn dài. Ảnh: Trà My. |
Hiện tượng này xuất hiện với tần suất nhiều hơn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 ở miền Bắc, khi thời tiết chuyển sang mùa hè. Ở miền Trung, mưa đá, dông lốc sẽ tập trung vào khoảng tháng 4-5, trước khi mùa mưa bắt đầu.
"Hiện chúng tôi xác định dựa trên số liệu trung bình hàng năm, bởi chỉ có thể dự báo chính xác dông lốc, mưa đá trước từ 30 phút đến 1 tiếng thôi", ông Lâm chia sẻ.
Về tình trạng nắng nóng ở Nam Bộ, ông Lâm cho biết khoảng ngày 14-17/3, nhiệt độ giảm nhẹ, còn khoảng 32-33 độ C. Song, người dân ở đây sẽ vẫn phải chịu cảnh nắng nóng khắc nghiệt, kéo dài đến cuối tháng 4. Sau đó là thời điểm cần đề phòng mưa dông, tố lốc.
Mưa đá xảy ra ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang vào sáng 4/3. Ảnh: Minh Đức. |
Nhìn chung, tháng 4-5, các hiện tương dông, sét, tố lốc, mưa đá sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Nam Bộ tiếp tục đón mưa rào trái mùa, bão sớm trên Biển Đông
Bên cạnh đó, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa mưa có thể đến sớm hơn so với mọi năm. Đặc biệt, Nam Bộ vẫn tiếp tục xuất hiện mưa rào trái mùa. Từ cuối tháng 4, lượng mưa có xu hướng tăng dần. Đáng lưu ý là tổng lượng mưa của tháng 4 và tháng 5 có thể xấp xỉ hoặc cao so với trung bình các năm từ 15 đến 30%. Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, lượng mưa không thay đổi nhiều.
Dự báo mùa bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2018, cơ quan khí tượng cho rằng hiện tượng này sẽ đến sớm trên khu vực Biển Đông. Số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương hoặc có thể nhiều hơn so với mọi năm.
Số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể sẽ tương đương với năm 2017. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong 3 tháng, mực nước trên thượng nguồn hệ thống sông Đà nhiều hơn trung bình các năm; trong khi đó, trên sông Lô, sông Thao và hạ lưu sông Hồng lại thấp hơn. Lượng dòng chảy trên các sông từ Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, bắc Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, các sông khác ở mức tương đương và cao hơn. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2017. Xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ vẫn duy trì ở mức độ như hiện nay.
Hiện tượng La Nina được dự báo sẽ duy trì trạng thái từ nay cho tới tháng 5 với xác suất khoảng 60-70%. Sau đó, theo các dự báo mới nhất trạng thái ENSO sẽ chuyển dần về pha trung tính từ khoảng giữa 2018.
ENSO để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina. El Nino là hiện tượng bề mặt nước biển ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương nóng lên bất thường, kéo dài 8-12 tháng và xuất hiện theo chu kỳ 3-4 năm. La Nina là hiện tượng bề mặt nước biển ở khu vực trên lạnh bất thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.