Nâng “số”
Đại Cathay với nét mặt không chút biểu cảm tuyên bố sẽ cho Năm Cam giữ tiền phân phát “chợ búa” hằng ngày cho “anh em”. Năm Cam do dự, về vai vế giang hồ còn kém cả hàng đàn em cấp thấp của Đại Cathay, việc giữ tiền sòng vượt ngoài khả năng của mình.
Trước kia mọi chuyện tiền bạc ở sòng, Đại Cathay giao cho một đệ tử khác, nhưng người được Đại tin tưởng ấy hai lần bạo gan lấy tiền xâu của cả sòng đi đánh bạc và đã biến mất. Năm Cam trả lời: “Dạ em chỉ sợ em làm không được việc rồi mấy anh buồn!”.
Đại xua tay, giọng tin tưởng: “Có gì mà không được, ở đây còn có anh Bảy Xi mà”.
Năm Cam làm y lệnh của Đại Cathay, việc đó giúp gã tích luỹ được toàn bộ phương pháp tổ chức một sòng bạc có qui mô và cách chi tiêu của nó.
Đại Cathay không ghé sòng thường xuyên, suốt ngày rong ruổi trên chiếc Ford Falcon mới cáu cạnh, đến tất cả các sòng bạc khác để thu tiền hụi chết.
Do phải giữ tiền sòng, không tham gia những cuộc chinh phạt của Đại Cathay nhằm mục đích thâu tóm toàn bộ địa bàn Sài Gòn về một mối, nhưng Năm Cam cũng biết được khá tường tận họat động của đàn anh và tất cả đã gieo vào đầu hắn tư tưởng bá chủ giang hồ.
Bài học đối nhân xử thế
Đại Cathay có vợ tên Tân, con gái rượu của hãng đồ gỗ Đông Nhan, vừa có học vừa đẹp cách mặn mà. Ngoài Tân, Đại Cathay còn cặp bồ với Kim Ó, một cô gái trong “động”, nhan sắc thuộc hàng đẹp hiếm có trong giới “bán phấn buôn hương” Sài Gòn.
Năm Cam cũng vậy, vốn là người đa tình, hiếu sắc, thấy Đại Cathay với những quyền lợi có thể thấy rõ là gái đẹp, tiền bạc và sự cung phụng của mọi người xung quanh, Năm Cam cảm thấy thèm muốn địa vị giang hồ tầm cỡ như Đại Cathay, hoặc Tín Mã Nàm, còn gọi là Mã Thầu Dậu đang làm bá chủ sòng bạc lớn ở Đại Thế Giới.
Khu Đại Thế Giới trong Chợ Lớn, nay là Trung tâm Văn hóa quận 5, ngay ngã ba Trần Hưng Đạo - Trần Phú là nơi tướng cướp Bảy Viễn hùng cứ một thời rồi đến Tín Mã Nàm từ giữa thập niên 1960. Thấy Đại Thế Giới trong tay Tín Mã Nàm tiền vô như nước, Đại Cathay bàn với Lâm “chín ngón” cách thu phục sòng bạc này.
Lâm “chín ngón” mồ côi cha. Năm 1954, Lâm theo mẹ và bố dượng di cư vào Nam, sống ở Sài Gòn, học chương trình Pháp tại trường trung học Tabert. Năm 1957, Lâm bị bố dượng đuổi khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống lang thang, giao du thành phần sống ngoài vòng pháp luật, trở thành du đảng, đàn em Đại Cathay. Dưới trướng Đại Cathay còn có anh em Cái - Thế, từng cát cứ khu vực từ đường Lê Lai dọc qua ngã tư Quốc tế đến khu Dân Sinh trước khi đầu quân dưới trướng Đại CaThay cùng tham gia việc chiếm sòng bạc.
Hai chiếc xe du lịch cùng mấy chục xe gắn máy hiệu Goebel, Push, Brumi, Ishia chở đôi, phóng như bay trên đường rồi đồng loạt dừng lại trước cổng Đại Thế Giới. Tất cả nhào xuống xe, kẻ rút đao, người xách kiếm, móc côn, lưỡi lê xông vào hỗn chiến. Trong vụ này, lưỡi kiếm bén ngọt tiện đứt lìa ngón tay cái của Lâm. Biệt danh Lâm “chín ngón” ra đời từ đó.
Lâm được Đại Cathay đối xử như em út trong nhà, tuy nhiên trong một lần bị Đại Cathay trách phạt mà Lâm đã dứt áo ra đi. Chuyện là Phong “khùng” (em cùng mẹ khác cha của Đại Cathay) rủ Lâm lấy chiếc Lambretta mới toanh của Đại đi chơi. Lâm chạy quờ qụang vì tới cữ dùng thuốc phiện, đụng vào xe taxi móp tấm chắn. Dù đã khuya, cả hai đem tấm chắn đến một tiệm sơn sửa để cấp tốc phục hồi nguyên trạng. Đại Cathay có công việc cần đến xe lúc sáng sớm.
Không thấy xe, Đại Cathay gọi Lâm và Phong tra hỏi. Lâm “chín ngón” tái mặt: “Dạ tụi em lỡ đụng xe, đang sửa ngoài tiệm”. Đại Cathay cho mỗi đứa mấy bạt tai.
Uất ức vì bị xử như một tên đàn em tép riu, Lâm bỏ đi. Sau khi bỏ băng Đại Cathay, Lâm bị bắt vì đi cướp. Năm 1966, người này phải đi trại tập trung ngoài đảo Phú Phú Quốc vì tội Trộm cắp, Cưỡng đọat tài sản, Giết người. Và cuối năm 1967, ông ta được thả về.
Thấy cách cư xử với đàn em tâm phúc như vậy của Đại, Năm Cam ngạc nhiên, bởi Đại Cathay vốn rất thương những người sống “đầu đường xó chợ” vốn cùng cảnh ngộ trước đây của ông trùm, thường cho tiền người sống vất vưởng, không cần biết đó là kẻ nghiện ngập, hay là tên trộm cắp. Chứng tỏ mình là trùm giang hồ nghĩa hiệp, mỗi lần sắp xâm lấn lãnh địa nào, Đại đến thu phục nhân tâm trước rồi mới bàn chuyện bảo kê. Và khi Đại đã muốn là trời muốn, chủ sòng nào từ chối sự bảo kê của Đại, coi như không còn đất dung thân.
Nhưng với những đàn em thân tín vào sinh ra tử vì sự nghiệp của ông trùm như Lâm mà cũng bị đối xử cũng chẳng bằng những kẻ lang thang ngoài đường. Cách cư xử ấy của Đại Cathay khiến Năm Cam bảo với Bảy Xi: “Nếu ở cương vị của anh Đại Cathay, tui sẽ có cách xử sự khác để buộc chân đàn em phải hết lòng vì mình. Anh Đại đã dạy cho tui bài học nếu sau này tui là ông trùm”.
“Chui” vào vào quân ngũ trốn bài trừ du đãng
Tướng Nguyễn Ngọc Loan, dáng vẻ khô khốc, khó gần, lè phè trong bộ quân phục xanh ô liu bộ binh rộng thùng thình, không đeo lon cấp bậc, không huy hiệu binh chủng được mô tả là nhân vật có quyền lực số hai, chỉ đứng sau một vị tướng trong Bộ Tư lệnh Không quân. Nhân vật này khét tiếng có máu lạnh.
Cờ bạc nở rộ; phạm pháp hình sự gia tăng theo cấp số nhân; côn đồ, du đãng nổi lên khắp nơi, Nguyễn Ngọc Loan tuyên bố: “Phải lấy độc trị độc”. Trung tâm bài trừ du đãng được thành lập, Nguyễn Ngọc Loan giao Đại úy Trần Kim Chi và một số sĩ quan cấp úy nổi tiếng gan góc của binh chủng Lôi Hổ điều hành chiến dịch bài trừ du đãng, toàn quyền hành động, bắt cả dân sự lẫn lính tráng dính dáng đến du đãng, côn đồ.
Các tầng biệt giam dưới hầm trong dãy trại giam Pháp để lại gần cầu Băng Ky được tu sửa lại. Tòa biệt thự cổ chia ra làm nhiều phòng hỏi cung, tra tấn, cách ly. Đám côn đồ tập tành làm du đãng bị lùa thành bầy, đứng xếp cứng hàng lớp sau song sắt các trại giam. Du đãng có số má tan tác, trốn dạt ra ngọai ô.
Trung tâm bài trừ du đãng do Nguyễn Ngọc Loan đẻ ra với ngón đòn lấy độc trị độc được xem là giải pháp tối ưu trong mắt giới cầm quyền Sài Gòn. Quyền lực trong tay, y biến cảnh sát quốc gia Sài Gòn thành một thực thể sát khí, sẵn sàng nghiền nát mọi chướng ngại vật trên đường đi của chính quyền đệ nhị cộng hòa.
Tất nhiên, “con mồi” số 1 được nhắm đến lúc đó không ai khác chính là Đại Cathay - trùm du đãng Sài Gòn. Nhận tận tay giấy triệu tập, Đại hỏi viên Đại úy: “Ông Loan mời tôi hay triệu tập bắt tôi. Nếu ông Loan bắt tôi do tôi không cộng tác với ông ấy thì đưa còng số 8 vô đây, còn nếu mời thì 30 phút nữa tôi sẽ có mặt tại Tổng Nha cảnh sát”.
Đúng hẹn, Đại Cathay lái xe tới Tổng nha. Anh ta dừng xe trước cổng, tháo van xì hơi hết bốn bánh xe, rú ga chạy vào cổng. Mùi cao su cháy khét lẹt, bụi bay mù mịt. Tướng Loan ra cửa đón Đại Cathay, hỏi: “Xe bị sao thế?” Đại trả lời đầy ẩn ý: “Xe tôi chạy bằng niềng với vỏ không à, không có ruột đâu”. Nghe vậy, tướng Loan nhếch mép cười thâm hiểm.
Sau đó, hầu hết những tay giang hồ có tên tuổi đều sa lưới, trong đó cả Đại Cathay và Bảy Xi, Ba gà, Tám Lâu, Đực “bà Tiều”, Tín Mã Nàm, Xú Bả Sứng, Hổi Phoòng, Lâm “chín ngón”, Hải “sún” cùng hàng loạt du đãng có số má khác bị bắt. Sau đó, một cuộc đào tẩu khỏi trại giam đưa Đại Cathay vượt ngục vào bờ biển tỉnh Kiên Giang nhưng trong lúc trốn chạy lại lọt vào trận địa phục kích của quân thám báo Cộng Hòa nên tử mạng.
Năm Cam chỉ mới được Đại Cathay giao giữ tiền bạc trong một thời gian ngắn nên y tạm thời nằm ngoài “tâm bão” và không bị bắt đi cải tạo. Năm Cam lên vùng Gia Định và xin vào cảnh sát, đây sẽ là tấm bình phong tốt nhất cho những kẻ giang hồ như y không bị dòm ngó. Nhưng muốn vào cảnh sát không thể thiếu điều kiện tiên quyết là tiền.
Thật không may, khi mọi chuyện tưởng đã ổn, lý lịch tư pháp của Năm Cam với một lần ở tù do giết người làm tiêu tan hy vọng trở thành cảnh sát. Suy đi tính lại, y tìm con đường khác khả dĩ hơn. Lý Văn Chung, lực sĩ bơi lội của quân đội, là trung sĩ quân vận nhận lời giúp Năm Cam trở thành lính quân vận bằng số tiền lót tay không nhỏ.
Hợp thức hóa việc ở lại Sài Gòn, Năm Cam được đưa vào toán vận động viên bơi lội của Cục Quân vận với tay bơi lội số một miền Nam là Phan Hữu Dõng.