Cùng sát cánh với Cục Điều tra Liên bang và Cục An ninh Nội địa Mỹ lần đầu tiên thực hiện một chuyên án liên quốc gia lớn; tiếp nhận và thụ lý vụ án cướp tàu chở dầu Việt Nam trên eo biển Singapore; triệt phá loại hình băng nhóm tội phạm giang hồ mới câu kết với các đường dây ma túy trong vụ Nhật "khùng"… là những chuyên án để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng dư luận, xứng đáng được đúc kết thành những chuyên đề để tuyên truyền kinh nghiệm nội bộ.
Phá âm mưu giết người ở nước ngoài
Ngày 13/3/2014, Tòa án Seattle đã tuyên bản án 14 năm tù giam và 5 năm quản chế, tịch thu 10.000 USD tiền mặt đối với Việt kiều Mỹ Nguyễn Văn Long với 2 tội danh: Âm mưu giết người ở nước ngoài và Xúi giục người khác phạm tội.
Đây là sự kết thúc của vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi lần đầu tiên, Bộ Công an Việt Nam, Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa (HIS) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cùng sát cánh trong một chuyên án lớn… với những tình tiết nghẹt thở như một bộ phim hình sự.
Vụ Việt kiều thuê sát thủ giết người thân ở Việt Nam đánh dấu sự hợp tác hiệu quả giữa Bộ Công an Việt Nam với FBI và HIS. |
Điều đặc biệt nguy hiểm và gây phẫn nộ, là những người Nguyễn Văn Long cần "xử" chính là cháu ruột và 7 người thân trong gia đình của vợ y. Long sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đôla để thuê các sát thủ bên Mỹ tìm kiếm các "đối tác giết người" ở Việt Nam. Thậm chí Long còn tuyên bố thưởng thêm, với điều kiện chỉ trả tiền khi các mục tiêu đã thực sự bị sát hại.
Nhưng Nguyễn Văn Long không biết, "sát thủ" mà y trực tiếp liên hệ tại Seattle chính là người của HIS. Trong quá trình điều tra những băng đảng buôn bán chất gây nghiện ở Seattle, HIS đã "cấy" được một người có khả năng nói tiếng Việt thành thạo. Nhân vật có mật danh "UC" này được HIS tuyển dụng từ tháng 5/2005, làm việc trực tiếp dưới sự điều hành của M. Hardin, đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
Nhận được yêu cầu hợp tác và thông tin sơ bộ từ phía Mỹ, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm đã giao cho Cục Cảnh sát hình sự, cơ quan phía Nam (C45B, Bộ Công an) trực tiếp chỉ đạo điều tra. Phòng 5 là đơn vị trinh sát được lãnh đạo C45B lựa chọn cho Chuyên án.
Toàn bộ các trinh sát thiện chiến đều được huy động. 2 trinh sát được lệnh vào vai 2 "sát thủ", Tùng "sẹo" và Phi "đen", là "đối tác" phía Việt Nam của "sát thủ" bên Mỹ, có nhiệm vụ chờ đợi "người đưa tin" liên lạc. Cánh quân còn lại, với tốc độ nhanh nhất, thực hiện xác minh toàn bộ thân nhân của đối tượng Nguyễn Văn Long và những người có mối quan hệ họ hàng với y, đặc biệt lưu tâm là những bà con họ hàng phía bên vợ.
Điều khó khăn đối với các trinh sát của C45B là Nguyễn Văn Long không chỉ đơn thuần đặt ra yêu cầu giết người rồi phó mặc hoàn toàn cho các "sát thủ". Long trực tiếp điều khiển người cháu của mình là Văn Xuân Khuê (trú tại Vũng Tàu) đóng vai "người đưa đường", đồng thời giám sát trực tiếp các "sát thủ" tại Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, để xóa sạch mọi dấu vết về hành vi phạm tội, ngày 22/6/2012, Nguyễn Văn Long khi được được "UC" bố trí gặp "đối tác" là một sát thủ (do đặc vụ FBI Khanh Tang vào vai) tại một quán Starbucks, Nguyễn Văn Long đã thay đổi kế hoạch bằng cách yêu cầu sát thủ ra tay với "người đưa đường" trước, sau đó mới ra tay với các mục tiêu khác.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đeo bám, các trinh sát bắt gọn Văn Xuân Khuê, các nạn nhân được đảm bảo an toàn. Toàn bộ những chứng cứ chi tiết và đầy đủ mà các trinh sát C45B thu được đã khiến Nguyễn Văn Long không thể chối cãi trước Tòa án Mỹ, phải cúi đầu nhận tội.
Điều tra vụ cướp tàu chở dầu Sunrise 689
Vào lúc 3 giờ sáng ngày 3/10/2014, tàu chở dầu Sunrise 689 vừa rời khỏi hải phận Singapore bị một nhóm người lạ mặt, trang bị súng và dao găm đi trên 2 xuồng cao tốc cập mạn tấn công khiến 2 thủy thủ đoàn bị thương và cướp đi khoảng 1.500 tấn dầu. Toàn bộ 3 hệ thống radar và định vị trên tàu đều bị phá, cáp tín hiệu nối từ trên boong xuống phòng chỉ huy bị cắt, bo mạch bị hủy, khiến các thủy thủ chỉ có thể liên lạc về Việt Nam thông qua một chiếc điện thoại di động còn giấu được.
Vụ cướp tàu Sunrise 689 chứng tỏ lực lượng cảnh sát hình sự Việt Nam sẽ phải liên tục đối diện với những loại hình tội phạm mới, xuyên quốc gia và đa quốc gia. |
Khi về đến được vùng biển Việt Nam an toàn, qua khám nghiệm sơ bộ, cơ quan chức năng cho biết hệ thống SSAS (Ship Security Alert System-Hệ thống báo động an ninh tàu biển) đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Đây là một hệ thống kết nối qua vệ tinh với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn chỉ với một thao tác: nhấn nút.
Không chỉ vậy, toàn bộ hệ thống micro ghi âm trong buồng lái cũng bị cắt tháo toàn bộ, USB lưu dữ liệu trong hộp đen cũng bị tháo. Hệ thống camera quan sát toàn bộ hầm hàng cũng bị khống chế, ổ cứng bị tháo đem đi.
Điều gây áp lực cho các trinh sát và điều tra viên của C45B khi thụ lý vụ án được Cảnh sát Biển và Biên phòng bàn giao lại, là một luồng dư luận không nhỏ khi đó hướng sự hoài nghi vào chính thủy thủ đoàn. Luồng dư luận này cho rằng thủy thủ đoàn đã cấu kết với nhau, tạo dựng vụ cướp, tạo dựng hiện trường giả để chiếm đoạt số lượng dầu có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đáng mừng là tại thời điểm tiếp cận (ngày 11/10/2014), "hộp đen" của tàu, hay còn gọi là khối PDU (Protected Data Unit-Khối dữ liệu được bảo vệ) trên Sunrise 689 vẫn còn nguyên. Thách thức lớn nhất đối với điều tra viên khi phân tích dữ liệu điện tử trong "hộp đen" là dữ liệu sẽ không giữ nguyên định dạng đầu vào.
Quy trình đọc dữ liệu khó có thể can thiệp bởi bên thứ 3, với lý do quy trình mã hóa rất phức tạp của phần mềm chuyên dụng. Trong khi đó, theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, một chuẩn thống nhất về định dạng dữ liệu của hệ thống "hộp đen" chưa được đề cập tới. Hậu quả là các nhà sản xuất hộp đen đã tung ra vô vàn cách tiếp cận và phương pháp khác nhau.
Không những vậy, trên mỗi con tàu có nhiều hệ thống cảm biến khác nhau được lắp đặt. Kết quả là có nhiều dạng tín hiệu điện tử được lưu trữ và phát lại trong cùng một hệ thống "hộp đen". Điều này yêu cầu rất nhiều phiên bản phần mềm được sử dụng để đọc dữ liệu.
Một vấn đề nữa cũng có thể gây khó khăn cho Cơ quan điều tra, là "hộp đen" lưu trữ một số lượng dữ liệu khổng lồ. Không những thế, nó còn được ghi nhận dưới nhiều định dạng khác nhau, bởi nhiều phương tiện khác nhau. Điều này đòi hỏi các điều tra viên phải chọn trong "mớ hỗn độn" ấy những dữ liệu nào có ích cho cuộc điều tra, phải tạo một bộ lọc để lựa lấy những thông tin cần thiết nhất.
Sau một quá trình trinh sát và điều tra kĩ càng, lãnh đạo C45 đã khẳng định: "Có căn cứ xác định tàu Sunrise 689 bị cướp trên vùng biển quốc tế trong hành trình nhận hàng từ Singapore về Việt Nam". Khẳng định đó của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, đã khiến 18 thành viên thủy thủ đoàn và hàng trăm thân nhân của họ thở phào nhẹ nhõm. Kể từ ngày thoát khỏi băng cướp biển và liên lạc được với gia đình, họ luôn sống trong một thứ áp lực vô hình, khi nhiều luồng dư luận không tin vào chuyện chiếc tàu dầu bị cướp.
Lãnh đạo C45 cũng cho biết, khi có kết quả giám định về nội dung thông tin lưu trữ trong hộp đen vẫn được bảo toàn nguyên vẹn từ phía Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải), C45 sẽ tiến hành khởi tố vụ án về hành vi Cướp tài sản để tiến hành điều tra.
Trong quá trình điều tra, C45 sẽ phối hợp với Trung tâm Chia sẻ thông tin (ISC) nằm trong ReCAAP (Hiệp định Hợp tác khu vực về chống Cướp biển và Cướp có vũ trang tại châu Á), có trụ sở tại Singapore, để điều tra các nhóm cướp biển hoạt động trong khu vực để xác định thủ phạm.
Triệt xóa băng nhóm Nhật "khùng"
Sau hơn 3 tháng tiến hành công tác theo dõi, trinh sát, ngày 21/10/2014, Cục triệt phá băng nhóm tội phạm do Trần Hoàng Nhật (tức Nhật "khùng", 36 tuổi, trú tại đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM). Băng nhóm nguy hiểm do ông trùm có sở thích dùng… lựu đạn cầm đầu chuyên tổ chức cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cho vay nặng lãi, tàng trữ, mua bán trái phép ma túy, vũ khí quân dụng, tổ chức cá độ…
Chuyên án triệt phá băng nhóm Nhật “khùng” ghi nhận loại hình tội phạm giang hồ biến tướng câu kết chặt chẽ với các đường dây ma túy khắp cả nước. |
Sau khi mãn hạn tù, Nhật "khùng" không còn hoạt động tại địa bàn Bình Dương mà chuyển sâu vào trong địa bàn TP HCM. Cùng với một "anh già" khác, Nhật "khùng" quy tụ hàng chục đàn em thực hiện các hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cá độ bóng đá… trên địa bàn quận 6, huyện Hóc Môn, quận Gò Vấp và quận 12.
Nguy hiểm hơn, Nhật "khùng" còn thò tay vào "thị trường" mua bán trái phép chất ma túy và vũ khí quân dụng. Với hàng "nóng" là khẩu súng Colt lúc nào cũng giắt trong người, sẵn sàng va chạm, lượng đàn em đông đảo và khát vọng mở rộng địa bàn… Nhật "khùng" bắt đầu vươn bàn tay sâu vào việc chiếm lĩnh "thị trường ngầm" cung cấp ma túy trong các quán bar và sàn nhảy.
Theo thông tin từ ban chuyên án, băng nhóm tội phạm buôn bán trái phép ma túy và vũ khí "nóng" do Nhật "khùng" cầm đầu có mối quan hệ chằng chịt và mật thiết với nhiều đường dây tội phạm khác trên địa bàn TP HCM.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45 Bộ Công an cho rằng, lợi dụng kẽ hở của việc kiểm soát an ninh hàng không nội địa, băng nhóm Nhật "khùng" còn vận chuyển heroin từ TP HCM ra Hải Phòng và vận chuyển ma túy tổng hợp theo chiều ngược lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, ban chuyên án đã thu giữ 13 khẩu súng các loại (2 khẩu K59 và 12 viên đạn, 5 khẩu rulo, 1 khẩu súng bút, còn lại là súng hoa cải), khoảng 2,3kg ma túy tổng hợp, hơn 1 tỷ đồng tiền mặt, 14.000 USD và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động mua bán ma túy và vũ khí…
Đã hơn nửa năm, kể từ thời điểm những trinh sát đầu tiên được tung ra theo dõi và thu thập chứng cứ của băng nhóm Nhật "khùng", bộ máy của C45B và các đơn vị nghiệp vụ phối hợp luôn hoạt động trong tình trạng hết công suất. Đặc biệt, kể từ mốc thời gian 21/10 cho tới nay (thời điểm tiến hành bắt giữ Nhật "khùng"), toàn bộ cán bộ chiến sĩ của C45B đã "chạy" với công suất 200%.
Nói 200%, là bởi thông tin Nhật "khùng" bị bắt giữ đã gây rúng động không nhỏ trong giới giang hồ TP HCM, đặc biệt là những băng nhóm khác đã cấu kết với Nhật "khùng" trong các hành vi phạm tội, đặc biệt khi liên quan đến việc mua bán trái phép ma túy và vũ khí quân dụng.
Giáp Ngọ là một năm đầy dấu ấn của những người lính trinh sát Cục cảnh sát hình sự, cơ quan phía Nam (C45B, Bộ Công an).