Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm học mới ở ngôi trường 'tí hon'

Từ khi thành lập đến nay, năm nhiều nhất điểm trường này cũng chỉ được 19 học sinh, năm nay còn 18. Dù vậy, việc giảng dạy vẫn được duy trì để học sinh không bị thất học.

Năm học mới ở ngôi trường 'tí hon'

Từ khi thành lập đến nay, năm nhiều nhất điểm trường này cũng chỉ được 19 học sinh, năm nay còn 18. Dù vậy, việc giảng dạy vẫn được duy trì để học sinh không bị thất học.

Đó là điểm trường tiểu học ở ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng - Tây Ninh, nằm sát đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Từ thời chiến tranh đến nay, người dân Tây Ninh đã quen gọi ấp này là A8.

Không bỏ học

Con đường dẫn vào A8 đất bụi mịt mù, chạy ngoằn ngoèo giữa cánh đồng, ôm sát những cột mốc biên giới. Chúng tôi đến điểm trường A8 khi thầy và trò nơi đây đã bắt đầu năm học mới được hơn một tuần.

Năm nào học sinh A8 cũng bắt đầu năm học mới sớm để “trừ hao” cho những ngày lũ lớn. Bên trong các lớp học nhỏ xíu đang vang tiếng ê a đọc bài. A8 là điểm trường phụ của Trường tiểu học Hưng Mỹ. Từ khi thành lập điểm trường cách đây hơn 13 năm, đến nay năm học có đông học sinh nhất cũng chỉ 19 em.

Năm học này, A8 chỉ còn 4 lớp với 18 học sinh. So với năm ngoái, số học sinh đã giảm đi một em. Học sinh giảm không phải vì bỏ học, mà vì năm nay cả ấp không có em nào đến độ tuổi đi học lớp 1.

Tất cả thầy và trò của lớp 5 - lớp có sĩ số lớn nhất tại điểm trường A8.

Đông nhất là lớp 5 có đến... 6 học sinh. Lớp 4 chỉ có hai học sinh. Lớp 2 và lớp 3 khá hơn với mỗi lớp năm học sinh. Các lớp “nhỏ xíu” này cũng vừa bầu xong ban cán sự lớp. Riêng lớp 4 có hai học sinh, việc bầu ban cán sự lớp rất nhanh gọn. Bạn Hồ Ngọc Mỹ làm lớp trưởng, còn bạn Nguyễn Thị Nhật Lan làm lớp phó.

Hỏi ra mới biết A8 rộng hơn 400 ha nhưng chỉ có 87 hộ dân sinh sống rải rác nên số trẻ trong độ tuổi đi học không nhiều. Dù vậy, do A8 khá biệt lập với bên ngoài nên Phòng GD-ĐT Trảng Bàng quyết duy trì điểm trường này để học sinh vùng biên không phải thất học. Và không phải vì có ít học sinh mà việc giảng dạy được tổ chức sơ sài. Cũng như các lớp học bình thường khác, các thầy vẫn lên lớp đúng giờ giấc, dạy đúng quy định của ngành: 23 tiết/tuần.

Thầy hiệu trưởng Hồ Văn Nguy cho biết: “Các thầy soạn giáo án, kiểm tra, chấm bài... rất tốt, mỗi khi về nhà, các thầy đã tranh thủ soạn giáo án bằng máy vi tính”.

Thầy Nguyễn Bé Anh, chủ nhiệm lớp 3, tâm sự: “Chúng tôi không được để học sinh nào bỏ học. Chỉ cần lớp nào ở đây có một em bỏ học thôi là lớp đó sẽ lập kỷ lục về tỉ lệ học sinh bỏ học trong cả tỉnh, có khi là trong cả nước, vì lớp có hai em mà bỏ học một thì tỉ lệ đã lên tới 50% rồi còn gì... Nhưng học trò ở đây ngoan lắm, có em nghỉ học vài hôm, thầy đến nhà dỗ, hôm sau em lại đến lớp”. Và thực tế nhiều năm qua A8 không có học sinh nào bỏ học.

Tuy nhiên, dạy học lớp quá nhỏ cũng có chút khó khăn. Thầy Trần Văn Nguyên, chủ nhiệm lớp 2, chia sẻ: “Lớp chỉ có vài em nên mình không thể áp dụng phương pháp chia tổ, thảo luận nhóm... Ít học sinh quá nên lớp cũng khó tạo không khí học tập sôi nổi, nhưng được cái là mình có điều kiện kèm sát các em”.

Rưng rưng A8

Bên ngoài lớp học, chúng tôi bắt gặp một cô bé cứ thấp thỏm ngóng vào lớp. Hỏi ra mới biết em là Trần Thị Bé Nhi, 5 tuổi. Cô bé theo chị đi học, đang đói bụng, ngóng chị dắt về ăn cơm.

Tan học, hai cô chị Trần Như Ý (lớp 5) và Trần Thị Kim Chi (lớp 2) cùng em dắt díu nhau đi bộ về nhà dưới trời nắng chang chang. Về đến nhà, Như Ý lục nồi cơm nguội, xới ra hai tô cơm, chan nước tương rồi đưa cho hai em. “Ngày nào các con cũng ăn cơm với nước tương à?”. Như Ý trả lời: “Lâu lâu có tiền mẹ mới mua đồ ăn, còn không thì tụi con ăn cơm với nước tương”.

Như Ý kể tiếp: “Hễ mẹ đi làm, tụi con đi học dắt bé út theo, sợ em ở nhà một mình té xuống kênh”. “Ba con đâu?”. Như Ý quệt nước mắt: “Năm ngoái ba con đi làm gặp trời mưa bị sét đánh chết rồi”. Kim Chi thấy chị khóc, bỏ tô cơm khóc theo. Bé Nhi chưa hiểu chuyện, vẫn xúc cơm ăn ngon lành. Trên bức vách đất lở lói của căn nhà xiêu vẹo được dán đầy giấy khen của hai chị em Như Ý, Kim Chi.

Anh Hồ Văn Dột, công an xã phụ trách ấp Phước Mỹ, cho biết: “Người dân A8 chỉ có nghề làm ruộng hoặc đi làm mướn. Phần lớn học sinh đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Vậy nên việc học của các em gần như giao trọn cho các thầy”.

Thầy Trần Chí Linh, người đã gắn bó 12 năm với điểm trường này, kể lại: “Khi mới vào, mình không tưởng tượng được ở đây khó khăn như vậy. Đường rất xấu, điện không có, nước sạch không có. Nước giếng ở đây nhiễm phèn nặng đến mức áo trắng giặt vài lần là đổi sang màu vàng ngay. Thầy trò phải ra hố bom gần trường múc nước mưa lên để nấu”.

Những hố bom thời chiến tranh khoét sâu vào lòng đất A8 đã trở thành những “túi” chứa nước mưa. Người dân múc nước hố bom về nấu ăn, còn nước giếng phèn chỉ để tắm giặt. Nhưng lo nhất là mỗi khi có người trong ấp đau bệnh. Trạm xá xã cách điểm trường hơn 10 km, đường đi gian nan, ai đau ốm vào ban đêm thì đành cắn răng chịu đựng.

Thầy trò bị ốm cũng chỉ mua tạm vài viên thuốc ở tiệm tạp hóa để “uống cho qua chuyện”. Cũng chính vì môi trường khắc nghiệt như vậy nên thầy hiệu trưởng không phân công giáo viên nữ vào A8. Đã nhiều lần thầy Linh suy nghĩ đến việc chuyển công tác. Nhưng thầy cứ lần lữa mãi rồi cuối cùng vẫn ở lại, vì “nhìn vào mắt học trò, không bỏ mà đi được”.

100% khá giỏi

 

Ở những lớp học nhỏ xíu này, mấy năm qua đều có trên 50% học sinh đạt danh hiệu khá, giỏi. Riêng lớp 4 có hai học sinh (do thầy Mai Thanh Sang chủ nhiệm) đạt tỷ lệ khá, giỏi đến... 100%. Năm học này các thầy đã “hạ quyết tâm” giữ vững tỷ lệ ấy.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm