Xuân Bính Thân về, NSND Ngọc Giàu không khỏi bồi hồi khi nhớ đến vai diễn "Tề Tiên đại thánh" cách đây 12 năm.
Hết mình cho vai diễn
Theo NSND Ngọc Giàu, khỉ là con thứ 9 trong 12 con thuộc Thập nhị địa chi. Loài khỉ có nhiều đặc tính giống người. Chúng thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác, sống từng đoàn, thông minh hơn các loài vật khác.
“Căn cứ theo Niên lịch Cổ truyền Á Đông, năm Bính Thân 2016 thuộc hành Hỏa. Năm Thân tức khỉ cũng là khởi. Nhiều người vào năm Thân muốn xem các vở hài kịch về Tề Thiên đại thánh để nhắc nhở rằng sự nhanh nhẹn, thông minh, vui tính sẽ giúp vượt qua sự nóng nảy, căng thẳng dễ dẫn đến phiền lụy trong cuộc sống" - NSND Ngọc Giàu cho biết.
NSND Ngọc Giàu trong vai Tề Thiên đại thánh để hóa thân vào vai diễn này, bà phải học nhào lộn, võ thuật. |
NSND Ngọc Giàu nhấn mạnh bà nghiên cứu rất kỹ về Tề Thiên đại thánh khi hóa thân thành vai này trong vở kịch 12 năm trước. Nhờ vậy, bà biết rõ từng loại, như khỉ đột là khỉ có vóc dáng lớn, khỉ lọ nồi là loài có đầu màu đen, khỉ bạc má là loài có gò má màu trắng...
"Trong nghề hát, để hóa thân vào vai diễn khó, nghệ sĩ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, tìm đủ phương cách ứng biến. Từng chặng đường cam go đó, chúng tôi nỗ lực đúc kết thêm nhiều bài học kinh nghiệm để truyền lại cho lớp diễn viên trẻ tiếp nối” - NSND Ngọc Giàu nói. Ngoài tìm hiểu kỹ về loài khỉ, bà còn xem lại phim Tây Du ký để học hỏi cách hóa thân nhân vật và sau đó là quá trình luyện tập không kém phần vất vả về nhào lộn, võ thuật.
NSND Ngọc Giàu và NS hài Bé Mập (vai Trư Bát Giới). |
Thời điểm đó, NSND Ngọc Giàu còn trẻ nên những động tác nhảy múa còn nhanh nhẹn, uyển chuyển. Hiện bà đã lớn tuổi, khó có thể tái hiện những động tác này.
NSND Ngọc Giàu kể: “Theo sử sách viết lại, ngày trước, vùng Thiên Hòa Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc có một rừng lê gọi là Ngọc Căn lê, trái lê trị được các bệnh nhiệt uất, can thận và ho kinh niên. Rừng lê có rất nhiều khỉ, chúng ăn hết trái. Nhờ ăn Ngọc Căn lê nên thịt khỉ nơi đây rất ngon, chữa được bệnh loạn óc, tê liệt... Dân chúng trong vùng tìm đủ cách bảo vệ rừng lê nhưng không có kết quả, bởi giống khỉ nơi đây có ba xoáy, tinh khôn, né tránh thợ săn và bẫy rập một cách tài tình.
Tuy nhiên, chúng cũng không thoát khỏi việc bị bắt và tạo thành món ăn tàn nhẫn vào thời Từ Hy Thái Hậu có tên là não hầu (óc khỉ). Khi viết đến ca cảnh ấy, cố soạn giả - NSND Viễn Châu khéo léo nhắc đến món ăn này để vai Tề Thiên của tôi có tác động xã hội hơn, lên án việc săn bắn, phá hoại đời sống thiên nhiên - nguyên nhân gây nên tình trạng tận diệt động vật quý hiếm. Tề Thiên đã ra tay dẹp trừ những kẻ săn trộm, diệt chủng loài khỉ”.
Và nỗi nhớ ngày Xuân
Chuyện về loài khỉ có rất nhiều trong các tích, tuồng: Tây Du ký, Bạch Viên Tôn Các... mà cứ đến năm khỉ lại được tái hiện phục vụ khán giả. Với NSND Ngọc Giàu, lần hóa thân vai Tề Thiên đó thật sự là một kỷ niệm đẹp.
Bà nhớ mãi ngày 29 tháng chạp một năm cũ, chợ Tết Thủ Thiêm tấp nập ghe xuồng. Trên một chiếc ghe có chở một chú khỉ, lũ trẻ trong xóm chạy ùa theo coi và chọc khiến nó bỏ trốn.
"Đời sống khi ấy quá khốn khó, phương tiện giao thông lại thiếu thốn. Có đứa trẻ nào cỡ tuổi của tôi lúc ấy mà được nhìn thấy con khỉ tận mắt nên mỗi động tác của nó cứ làm bọn trẻ cười mãi. Và khi diễn vai Tề Thiên, tôi đã hình dung lại động tác tinh nghịch của con khỉ trong ký ức tuổi thơ của mình. Tuổi thơ đẹp có cha, có má và các anh chị bên cạnh" - NSND Ngọc Giàu thổ lộ.
Năm hết, Xuân về, nhiều cảm xúc bâng khuâng, nữ nghệ sĩ này không chỉ nhớ về vai diễn mình từng thể hiện mà còn nhớ lắm bóng dáng đấng sinh thành. “Tôi nhớ dáng cha quanh năm lầm lũi. Cha thường dùng chiếc áo vải màu xanh sờn vai nhưng vẫn còn đẹp nhất trong đống áo cũ để mặc Tết. Cha bảo nhìn các con tung tăng áo mới là vui sướng lắm. Có năm, đến ngày 29 tháng Chạp, cha mẹ vẫn chưa lo được cho các con đồ mới, ông cứ trầm tư bên ngọn đèn dầu rồi thẻ thọt với vợ rằng cố mua áo mới cho con" - NSND Ngọc Giàu kể.
NSND Ngọc Giàu. |
Nổi tiếng trên sân khấu cải lương, NSND Ngọc Giàu lấn sân sang kịch nói, tham gia cả chính kịch rồi hài kịch và vẫn chinh phục được khán giả, điều đó khiến bà rất tự hào.
Dẫu vậy, với NSND Ngọc Giàu, việc diễn kịch, đóng phim truyền hình vẫn không bằng sàn diễn cải lương. Trong các vai diễn cải lương từng diễn, bà thương vô cùng vai bà Hai Hương trong vở Đời cô Lựu. Nhân vật này đã mang đến cho bà bài học sâu sắc: “Gieo hạt lành sẽ gặt trái ngọt”. Cải lương thời xưa thường hay và đi vào lòng người bởi kịch bản hay, nội dung sâu sắc, vai diễn phụ cũng có đất tung hoành.
"Tôi cảm thấy nhớ câu thơ từng đọc ở đâu đó: “Người ta có rất nhiều nơi để đến/ Chỉ có một nơi thân thiết để quay về”. Cải lương chính là nơi chốn mà tôi phải quay về” - NSND Ngọc Giàu xúc động.