Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Nặm Păm một tháng sau trận lũ lịch sử

Còn người còn làm ra của, thôi coi như ông giời thử thách mình - qua những ngày lũ lịch sử đau thương, người dân Nặm Păm (Sơn La) vẫn giữ suy nghĩ lạc quan, hướng về phía trước.

Nặm Păm một tháng sau trận lũ lịch sử

Học sinh bắt đầu đến trường để chuẩn bị cho năm học mới. Những con đường sình lầy bùn đất trở thành chốn vui chơi nô đùa của đám trẻ dân tộc người Thái một tháng sau cơn lũ lịch sử ập xuống ở xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La).

Gian nan đường vào nhà

Đêm 2/8, một cơn lũ bất ngờ đổ xuống bắt đầu từ bản Huổi Sói nhanh chóng lan xuống các bản khác thuộc xã Nặm Păm nhấn nhìm và cuốn trôi đi hàng trăm ngôi nhà. Nhiều người trắng tay chỉ sau một đêm.

Trong số 54 hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa, 6 hộ bị thiệt hại nặng nề nhất đã được ưu tiên xây nhà tạm trị giá 80 triệu đồng/căn.

Những ngôi nhà tạm này được xây dựng trên một quả đồi đối diện với UBND xã. Để về nhà, người dân phải băng qua con suối, có chỗ nước ngập quá đầu gối. Đây là con đường độc đạo nên họ không còn cách nào khác.

Ký ức kinh hoàng

Khu nhà tạm nằm cheo leo trên một quả đồi, đường đi còn nhiều sỏi đá. Có đoạn ngập cả bàn chân người.

Nhà chị Tòng Thị Quán chỉ rộng hơn 40 m2 nhưng thênh thang khi chỉ còn ba mẹ con sống với nhau. Tiếng suối chảy ầm ì đêm đêm khiến người phụ nữ sinh năm 1994 ở Bản Hốc lại càng nghĩ về đêm ác mộng đầy xót xa một tháng trước.

“Cả nhà đang ngủ thì chồng tôi hô 'Lũ ngập nhà rồi, bế con chạy đi'. Tôi ôm chầm lấy hai đứa lao ra khỏi nhà, còn anh ấy không chạy kịp nên đã bị lũ cuốn trôi, đến nay vẫn chưa tìm thấy”, chị Quán nghẹn ngào.

Một nách hai con, một đứa 3 tuổi, một đứa vừa lên 2, người thiếu phụ với vành khăn trắng vẫn mang hy vọng mong manh về ngày đoàn tụ với chồng.

Nam Pam mot thang sau tran lu lich su anh 7

Cách mấy bước chân là nhà chị Quàng Thị Bật (bản Hốc) bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và tài sản. Đau đớn hơn, chồng và người con trai học lớp 9 bị lũ cuốn đến nay vẫn chưa tìm được thi thể. Chị đã từng phải cấp cứu ở trạm xá vì không chịu nổi sự thật này.

Một tháng trôi qua, mỗi khi đứng trước di ảnh của hai người đàn ông trong gia đình, nước mắt chị Bật lại trào ra.

Những gia đình bị thiệt hại ít (không bị thiệt hại về người) hiện vẫn ở trong các lán dựng tạm ven đường. Lán được dựng bằng những thanh gỗ còn sót lại sau cơn lũ, các nhu yếu phẩm được nhận hỗ trợ.

Chị Tòng Thị Loan (bản Piệng) kể: “Hôm đó nhà tôi đi làm ma cho bà nội nên không ai ở nhà. Đêm mưa to quá, chồng tôi sốt ruột mới bảo về xem nhà cửa thì lũ cuốn hết, may sao còn người”.

Ngồi sụp xuống trước căn lều, anh Hươi buồn bã: “Tôi mới dựng được một ngôi nhà cấp 4 được nửa năm ngay cạnh suối, còn chưa kịp trả nợ, vậy mà…”

Với người dân tộc thiểu số, thu nhập từ lao động chủ yếu là nghề nông, không biết đến bao giờ anh Hươi mới trả xong 200 triệu tiền vay để xây nhà.

Khẽ nheo mắt vì cái nắng Tây Bắc, anh Lò Văn Lò hỏi: “Liệu lũ còn về không nhỉ? Còn ít lúa chỉ sợ mất hết”.

Cuộc sống mới

Khoảng một tuần sau cơn lũ lịch sử, nước bắt đầu rút, nhịp sống dần trở lại bình thường. Học sinh bắt đầu đến trường để chuẩn bị cho năm học mới.

Những con đường sình lầy bùn đất trở thành chốn vui chơi nô đùa của những đứa trẻ dân tộc người Thái. Chúng vẫn ra mé suối chơi, dường như đã quên đi phần nào hậu quả của thiên tai.

Những người phải đi sơ tán tập trung tại nhà văn hóa nay cũng dựng tạm cho mình được căn lều. Điện đã về bản sau một tháng trời chìm trong bóng tối.

Một tháng sau cơn lũ trùng với dịp Tết Độc lập, người dân vẫn mổ trâu mổ bò để ăn mừng. Lũ thì lũ chứ nhưng cũng qua rồi, giờ lại cày cuốc thôi chứ biết làm sao - đó là tâm sự của hầu hết người dân trong bản.

"Còn người thì còn làm ra được của, thôi coi như ông giời thử thách mình" - suy nghĩ giản đơn như chính con người Tây Bắc về trận lũ ấy khiến người bi quan cũng thấy ấm lòng.

Nam Pam mot thang sau tran lu lich su anh 20

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm