Tay xách giỏ hàng, thuần thục đi đến từng quầy thực phẩm, đồ dùng trong siêu thị, Nguyễn Tự Minh Tân (16 tuổi) nhanh tay lựa các món đồ ghi trong tờ giấy đem theo.
Thanh toán, sắp xếp xong xuôi, Tân khẩn trương di chuyển đến từng địa chỉ trong danh sách đã nhận, giao cho người cần.
Từ khi TP.HCM, cụ thể là phường 2, quận Bình Thạnh nơi Tân sinh sống, triển khai việc đi chợ hộ, đây dần trở thành công việc quen thuộc với nam sinh 16 tuổi. Cậu là một trong các tình nguyện viên tham gia hoạt động đi chợ hộ tại địa bàn phường.
Minh Tân tham gia hoạt động đi chợ hộ người dân phường 2, quận Bình Thạnh. |
Trước đó, Tân cũng xung phong trực chốt kiểm soát dịch hay tham gia hỗ trợ các chương trình tình nguyện khác tại địa phương.
Từ 6/9, bắt đầu năm học mới đồng nghĩa với việc phải học online vào buổi chiều, nam sinh lớp 11 Trung tâm GDNN - GDTX quận Bình Thạnh chỉ còn có thể đi chợ hộ vào buổi sáng.
Vào thứ 6, thứ 7 và chủ nhật được nghỉ, Tân vẫn tham gia nguyên ngày.
9h mỗi sáng, Tân và các tình nguyện viên tập hợp, tiếp nhận nhận danh sách đồ người dân yêu cầu, đi siêu thị mua rồi giao đến tận nhà.
Để kịp vào học online lúc 13h, nam sinh cố gắng hoàn thành công việc trước 12h30. Đến tối, cậu tranh thủ hoàn thành bài tập để hôm sau tiếp tục hành trình.
"Có hôm về sát giờ học, mình đành ăn tạm gì đó nhanh rồi lên lớp. Mấy hôm đầu chưa quen việc, mình cũng lúng túng, sau nắm bắt được nhịp thì việc phân chia thời gian ổn hơn", Tân nói với Zing.
Mỗi buổi sáng như vậy, các tình nguyện viên như Tân có thể hoàn thành gần 50 đơn hàng hay lên tới 100 đơn nếu đi cả ngày. Thời gian đầu, gia đình Tân cũng lo lắng, sợ con ảnh hưởng việc học. Song khi thấy sự quyết tâm của con trai và ý nghĩa của hoạt động tình nguyện, phụ huynh Tân bị thuyết phục và chuyển sang động viên, cổ vũ.
Nam sinh tham gia nhiều hoạt động tình nguyện ở địa phương. |
"Mình cố gắng cân bằng việc học và đi tình nguyện. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, mình hy vọng có thể góp chút sức vào công cuộc chống dịch của thành phố. Thời gian tới, nếu lịch học dày hơn, mình mới cân nhắc việc tạm ngừng".
Đối với Tân, việc đi chợ hộ nghe đơn giản song cần nhiều sự cẩn thận, tỉ mỉ để tránh nhầm lẫn các đơn. Những lúc món đồ người dân cần mua đã hết hoặc không còn đủ số lượng, cậu phải gọi điện trước trao đổi, thống nhất cách xử lý.
"Dù vậy, đôi khi mình vẫn bị người dân phàn nàn, thậm chí gọi lại trách mắng. Có lúc, mình phải đợi 15-20 phút trước cửa nhà, người dân mới ra nhận đồ".
Bên cạnh những tình huống khó khăn, các tình nguyện viên đi chợ hộ như Tân cảm thấy ấm lòng, được tiếp thêm động lực khi nhận những lời cảm ơn chân thành từ người dân.
"Hoạt động này cũng giúp mình quen thêm nhiều người bạn mới chung chí hướng. Bọn mình hẹn khi tình hình ổn định sẽ cùng nhau đi chơi, đi ăn thỏa thích".