Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh bị cắt bỏ tinh hoàn vì đau nhưng ngại nói cha mẹ

Vì e ngại, nam sinh giấu kín việc mình bị đau tinh hoàn với cha mẹ. Đến khi nhập viện, bộ phận này đã bị hoại tử, không bảo tồn được.

Nam sinh phải cắt bỏ tinh hoàn sau 2 ngày đau nhưng giấu bố mẹ. Ảnh minh họa: Freepik.

Em P.N.M. (15 tuổi, Đồng Nai) được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 do vùng bìu sưng to. Trước đó, nam sinh có hiện tượng đau vùng kín nhưng giấu bố mẹ vì ngại. Chỉ đến khi bìu ngày càng sưng to, đau không giảm, M. mới kể với gia đình và được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 kiểm tra.

Tại đây, em được chẩn đoán xoắn tinh hoàn, phải phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên, do thời gian xoắn đã lâu, tinh hoàn đã hoại tử, bác sĩ buộc phải cắt bỏ.

Nhiều trường hợp đau lòng vì vào viện muộn

Từ trường hợp của M., TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết những ca bệnh tương tự nếu được xử trí cấp cứu sớm, khả năng giữ lại được tinh hoàn là 100%. Tuy nhiên, điều đáng buồn là đa số trường hợp xoắn tinh hoàn đến viện đều muộn sau 24 giờ. Càng đến bệnh viện muộn, tỷ lệ giữ được tinh hoàn càng thấp.

Trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận điều trị cho gần 20 trường hợp xoắn tinh hoàn. Các trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất trong giai đoạn chu sinh và tuổi dậy thì. Thời gian gần đây, trẻ bị xoắn tinh hoàn đến bệnh viện điều trị thường gặp ở tuổi dậy thì.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, khoa từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi xoắn tinh hoàn sau 24 giờ mới vào viện. Lúc này, tinh hoàn đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ.

"Khi nghe con mình phải cắt mất tinh hoàn, người làm cha mẹ nào cũng rất đau lòng. Điều đau lòng hơn là họ không ngờ nếu phát hiện và đưa trẻ vào viện sớm, tinh hoàn của con có thể điều trị và hồi phục hoàn toàn", bác sĩ Đức cho hay.

Theo bác sĩ, trẻ bị xoắn tinh hoàn thường hay đau vào ban đêm. Không ít cha mẹ cho rằng việc vào viện buổi đêm bất tiện, gắng chờ đến mai mới đưa con đi khám mà không biết rằng việc này vô tình làm mất "thời gian vàng" điều trị của trẻ.

Theo một nghiên cứu, bệnh nhân xoắn tinh hoàn được phát hiện sớm và điều trị trong 6 giờ đầu có tỷ lệ hồi phục chức năng tinh hoàn hầu như là 100%. Nếu phát hiện và điều trị trong khoảng 6-12 giờ, tỷ lệ này giảm còn 50%.

Nếu người bệnh đến trong khoảng 12-24 giờ, tỷ lệ hồi phục chỉ còn 20%. Trường hợp bệnh nhân vào viện sau 24 giờ trở lên sẽ không cứu được tinh hoàn.

xoan tinh hoan anh 1

Xoắn tinh hoàn là cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp, thời gian vàng để bảo tồn tinh hoàn là trước 6 giờ khi khởi phát triệu chứng. Ảnh: Pexels.

Dấu hiệu dễ nhầm lẫn

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Nguyễn Ngọc Tú, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, đau tinh hoàn đây là vùng nhạy cảm, các em thường có tâm lý ngại ngùng, che giấu, không nói sớm cho phụ huynh biết để đưa đi khám sớm.

Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị xoắn tinh hoàn như đau bìu một bên đột ngột và dữ dội, thường xuất hiện vào ban đêm, sưng đỏ bìu, buồn nôn và nôn, có thể kèm đau vùng bụng thấp. Trẻ bị xoắn tinh hoàn có thể thức dậy vì đau bìu lúc nửa đêm hoặc sáng sớm.

Một số trẻ có triệu chứng không điển hình như đau bụng hạ vị lệch trái hoặc phải trước, rồi sau đó mới xuất hiện triệu chứng đau bìu.

Vì vậy, khi con than phiền đau nửa bụng dưới, cha mẹ nên quan sát hoặc hỏi trẻ có đau bìu cùng bên hay không, tránh bỏ sót tình trạng xoắn tinh hoàn ở giai đoạn sớm.

Trong cấp cứu xoắn tinh hoàn, người bệnh và bác sĩ luôn chạy đua với thời gian để tìm kiếm cơ hội cứu người bệnh. Thời gian vàng để cứu sống tinh hoàn là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát tình trạng xoắn của thừng tinh.

Với những trường hợp đã mất một bên tinh hoàn, phụ huynh nên tránh cho trẻ chơi các môn thể thao có tính đối kháng như đá banh, tập võ để phòng nguy cơ chấn thương, làm dập vỡ tinh hoàn còn lại.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã cắt một bên tinh hoàn cần tái khám thường xuyên để được theo dõi các chức năng của tinh hoàn còn lại. Trong trường hợp suy giảm nội tiết tố, người bệnh cần được kịp thời điều trị để tránh các biến chứng và ảnh hưởng tâm lý về sau.

Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Nhà xuất bản Công Thương liên kết công ty Cổ phần Sách Thái Hà Books) tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng dự kiến trao vào đầu tháng 10.

4 biểu hiện của sốt virus và cách xử trí đúng

Nắng nóng kèm theo những ngày mưa dài gần đây khiến virus gây bệnh phát triển mạnh. Cùng với đó, số bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp có thể gia tăng, nhất là bệnh sốt virus.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm