Nam sinh nhập viện với lưỡi dao cắm sâu vào vùng đầu. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thành Lâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết vừa phẫu thuật kịp thời cứu sống nam sinh bị dao đâm tổn thương nghiêm trọng vùng đầu.
Vào ngày 6/1, nam sinh A.Ph. (13 tuổi, ngụ huyện Đăk Glei) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, trong tình trạng lưỡi dao găm sâu vào vùng đầu. Theo người nhà, sáng cùng ngày, nam sinh đùa giỡn cùng bạn, vô tình bị lưỡi dao cắm vào đầu.
Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được các bác sĩ xử trí nhanh chóng, hội chẩn và phẫu thuật cấp cứu để lấy dị vật, lấy máu tụ trong sọ não. Hơn một giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra dị vật là một lưỡi dao cắm sâu khoảng 5 cm vào sọ não, 30 ml máu tụ trong nhu mô não của nam thiếu niên.
Bác sĩ Lâm cho hay trường hợp bệnh nhi khi nhập viện khá nghiêm trọng, dị vật gây tổn thương sâu trong hộp sọ.
"Chúng tôi đã thực hiện lấy dị vật, cầm máu tĩnh mạch vỏ não, lấy não dập, lấy máu tụ trong nhu mô não cho bệnh nhân", bác sĩ Lâm nói
Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi ổn định, tỉnh táo, tự thở, không sốc, không liệt. Hiện, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại khoa Ngoại chấn thương.
Theo bác sĩ Lâm, các vết thương hở vùng đầu có thể xuất hiện trong nhiều tình huống. Trong đó, vết thương xuyên thấu do dao hoặc vật sắc nhọn thường để lại những hậu quả nghiêm trọng, khiến người bệnh mất máu nặng, gây sốc, gây tổn thương hộp sọ... Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế kịp thời và can thiệp phẫu thuật đúng cách, tỷ lệ sống sót có thể tăng lên 80-90%, ngay cả trong các trường hợp nặng. Bác sĩ Lâm khuyến cáo người dân khi không may gặp các vết thương do vật sắc nhọn đâm vào, tuyệt đối không tự ý rút dị vật ra ngoài. Đặc biệt khi dị vật lớn, xuyên sâu hoặc nằm ở các khu vực nguy hiểm. Đồng thời, những người xung quanh cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được xử lý chuyên sâu.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.