Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh chỉ cách tránh mất tiền oan khi du học

Nhận hóa đơn 500 USD sau một lần đi khám, Phạm Minh Quân (du học sinh tại Mỹ) đã viết hơn 10 bức thư, làm nhiều hồ sơ để xin hỗ trợ tài chính nhằm tránh mất oan khoản tiền đó.

Sau một năm học online với những cảnh oái oăm như học đến 3-4h do lệch múi giờ hay đặt báo thức lúc 4h, dậy học một tiết rồi đi ngủ lúc 5h, Phạm Minh Quân, sang Mỹ học trực tiếp tại ĐH Drexel (Philadelphia, bang Pennsylvania).

Minh Quân theo học năm 2, ngành Quản trị kinh doanh (BSBA) chuyên ngành Marketing và Tài chính với học bổng du học toàn phần (toàn bộ học phí cùng một phần chi phí ăn ở) trị giá 6,7 tỷ đồng cho 4 năm học. Vì thế, vấn đề tài chính có phần “dễ thở” hơn đối với Quân song không phải từ đầu, nam sinh đã quen với cách chi tiêu ở Mỹ.

tranh mat tien oan khi du hoc anh 1

Phạm Minh Quân hiện học năm 2 tại ĐH Drexel với học bổng toàn phần. Ảnh: NVCC.

Chi tiêu đắt đỏ khi sống ở Mỹ

Theo Phạm Minh Quân, cuộc sống du học tại Mỹ có những khoản cố định từng quý (trường Quân dạy học theo quý thay vì theo học kỳ, mỗi quý tương đương 2,5 tháng).

Mỗi quý như vậy, tiền học và các loại phí rơi vào 20.000-22.000 USD. Tiền ăn là 200-400 USD/tháng, bao gồm tiền mua thức ăn về tự nấu, ăn trong canteen trường và ăn bên ngoài khoảng 1-2 lần/tuần.

Minh Quân sống trong ký túc xá nên chi phí cho phần ở là 900-1.200 USD/tháng. Tiền sách vở không bao gồm trong học phí rơi vào 150-400 USD cho 2,5 tháng học.

Theo Quân, ngoài học phí, khoản chi tiêu lớn nhất mỗi tháng là tiền ăn và ở. Nam sinh cho biết hàng tháng, em trả 900 USD tiền phòng nhưng vẫn phải chung phòng với một người khác chứ không có phòng riêng.

Chi tiêu cho ăn uống cũng đắt đỏ khi một bó rau tầm 0,5 kg đã có giá 5-10 USD. Ăn bên ngoài cũng đắt, một bữa buffet lẩu ngốn hết 30 USD/người.

Quân cho biết thêm ở Mỹ còn có văn hóa tiền tip, gần như là bắt buộc trên 10% hóa đơn.

Cậu ví dụ, 5 người đi ăn lẩu buffet 150 USD phải tip thêm tầm trên 20 USD. Nếu tip quá ít, họ không đồng ý và yêu cầu tip thêm. Đây là điều Quân và các bạn rất không thích khi mới sang Mỹ.

“Đúng là chúng ta sẽ tip cho nhân viên nếu cảm thấy được phục vụ tốt với thái độ vui tươi. Nhưng nhiều lúc, chúng em không được phục vụ tốt như mong đợi nhưng vẫn phải tip thêm rất nhiều tiền. Kể cả chúng em là du học sinh mới sang, chưa đi làm kiếm được tiền, cũng không có ngoại lệ nào”, Minh Quân giải thích.

Chi phí học hành, ăn ở tại Mỹ đắt đỏ song may mắn, Quân được trao học bổng toàn phần. Tức ngoài việc được hỗ trợ toàn bộ học phí, em còn nhận thêm một khoản để trang trải việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày. Nhờ đó, gia đình chỉ cần trợ cấp thêm 5.000-8.000 USD/năm để cậu sinh hoạt, đi lại, mua vé máy bay về Việt Nam.

Quân nói thêm hầu hết sinh viên Việt Nam tại ĐH Drexel được học bổng ở mức độ nào đó, gia đình chi trả phần còn lại.

“Ngoài ra, để tiết kiệm tiền, em cũng tránh mua quá nhiều quần áo, ăn uống tính toán hợp lý hơn, tránh trường hợp ăn uống bừa phứa, tiêu xài quá hoang phí”, nam sinh nói thêm.

Bí quyết tránh mất tiền oan

Ngoài việc tiết kiệm, từ trải nghiệm thực tế của bản thân, Phạm Minh Quân còn đưa ra một số bí quyết để tránh mất tiền oan khi du học Mỹ.

Quân kể hồi mới sang, nam sinh bị bệnh nặng. Cậu có tiền sử viêm mũi dị ứng và viêm xoang cấp. Khi trời chuyển mùa, em viêm họng mất tiếng, viêm xoang ra mủ đỏ.

Lúc đó, Quân ra trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh viên của trường song trung tâm đóng cửa vào thứ bảy. Cậu lại đến bệnh viện gần trường, đã cẩn thận kiểm tra để chắc chắn bệnh viện nằm trong hệ thống được chi trả bảo hiểm.

Bệnh viện cũng đóng cửa vào thứ bảy. Nhân viên bảo vệ chỉ Quân sang khoa cấp cứu của chính bệnh viện đó (khoa này được tách riêng, có làm việc cuối tuần). Khi khám, nhân viên y tế không làm gì nhiều. Nam sinh ngồi đợi 4 tiếng đồng hồ chỉ để họ dùng que ngoáy họng, lấy mẫu kiểm tra virus. Một tuần sau, cậu nhận kết quả xác định không có virus.

“Em đã sử dụng bảo hiểm, không thấy thu tiền ngay nên tưởng bảo hiểm bao gồm hết chi phí. Nhưng một tháng sau, em nhận hóa đơn từ bệnh viện, yêu cầu thanh toán 500 USD trong tổng số 2.000 USD (bảo hiểm chi trả 3/4 chi phí). Em hoảng loạn, buồn bã, thất vọng”, Minh Quân tâm sự.

Nhưng may thay, Quân không bỏ cuộc, chấp nhận thanh toán hóa đơn mà cố gắng xin tiền để chi trả số tiền này. Em viết 10 bức thư, làm rất nhiều hồ sơ để xin hỗ trợ tài chính từ bệnh viện. Sau 2 tháng ròng rã, họ chấp thuận cho em số tiền trên.

Từ trải nghiệm này, Minh Quân khuyên du học sinh nếu rơi vào tình huống tương tự, hãy cố gắng tìm các nguồn viện trợ (từ trường, bệnh viện, bảo hiểm…), không bỏ cuộc kể cả khi mọi việc trở nên rất khó khăn và phức tạp.

Ngoài ra, để tiết kiệm khi sống ở Mỹ, Minh Quân lưu ý nước này khác ở Việt Nam khi có chính sách trả hàng trong vòng 2 tuần hoặc một tháng sau khi mua đồ (phải còn tag trên sản phẩm).

Điều này tạo điều kiện cho mọi người xem xét mình có thực sự thích hay sản phẩm có phù hợp hay không. Nếu không, người mua có thể quay lại cửa hàng, hoàn trả sản phẩm để nhận lại 100% số tiền bỏ ra ban đầu.

Minh Quân cho biết nhờ không ngần ngại khi trả lại món đồ mình lỡ mua, cậu tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ.

Du lịch và trải nghiệm khi du học

Khi không có gánh nặng tài chính, Phạm Minh Quân lại phải nỗ lực để giữ điểm trung bình (GPA) ở mức cao nhất nhằm duy trì học bổng. Vì thế, nam sinh chưa làm thêm bên ngoài. Thay vào đó, cậu tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa (các tổ chức, các câu lạc bộ…) để mở rộng mối quan hệ, biết thêm nhiều thứ và có thêm nhiều kinh nghiệm trước khi bước ra thị trường làm việc thực tế.

“Đối với em, việc học và tham gia hoạt động ngoại khóa đang quan trọng nhất bên cạnh việc tập thể dục, giữ một sức khỏe thể chất, tâm lý tốt”, nam sinh chia sẻ.

Dù vậy, theo tìm hiểu của Quân từ thực tế du học sinh đi làm, ở Mỹ, sinh viên quốc tế làm việc bên ngoài là bất hợp pháp. Du học sinh chỉ được làm trong trường với mức lương tầm 10 USD/giờ.

Công việc có thể là lễ tân trong nhà thể chất, gia sư, đại sứ sinh viên để giới thiệu trường cho phụ huynh, học sinh đang tìm hiểu trường. Quân nhận thấy những sinh viên này gặp nhiều khó khăn trong cân bằng cuộc sống, học tập, làm thêm kiếm tiền.

Không làm thêm, bên cạnh việc học và tham gia hoạt động ngoại khóa, Phạm Minh Quân chọn du lịch để có thêm trải nghiệm. Năm học này, Quân có chuyến đi tới thành phố New York vào đợt nghỉ lễ Tạ ơn cuối tháng 11/2021 và tới Washington, D.C., vào kỳ nghỉ xuân cuối tháng ba.

Mỗi chuyến đi tốn khoảng 300 USD cho 4 ngày 3 đêm, bao gồm tiền ăn ở, xe cộ, tham quan… hoặc tăng thêm nếu mua sắm nhiều. Nhóm bạn của Quân cố gắng săn vé rẻ để tiết kiệm.

Du lịch giúp Quân giải tỏa tâm lý vì trường dạy học theo quý, một kỳ học trôi qua rất nhanh và áp lực khi chỉ có 11 tuần cho cả học và thi cuối môn.

“Những chuyến đi du lịch là thời gian để em nghỉ ngơi và ‘refresh’ bản thân cũng như khám phá đất nước Mỹ, mở mang đầu óc, có thêm nhiều trải nghiệm. Gia đình cũng ủng hộ việc em đi du lịch vì mục đích đến Mỹ không chỉ để học tập mà còn trải nghiệm cuộc sống, văn hóa mới”, nam sinh năm 2 ĐH Drexel chia sẻ.

Nợ nần, cảm giác tội lỗi bủa vây du học sinh tại Canada

Gánh khoản nợ khổng lồ khi du học Canada, sinh viên quốc tế tại ĐH Toronto sống chật vật, cân nhắc từng đồng và cảm thấy tội lỗi khi nghỉ ngơi hay bị điểm kém.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm