Nam sinh Nguyễn Chí Hưng (18 tuổi, từ TP.HCM) đã đăng ký tới 122 nguyện vọng, xét tuyển cho 2 khối C00 và C19.
Với khối C00, Chí Hưng đạt 26,25 - số điểm khá cao để có thể xét tuyển vào nhiều trường đại học mà nam sinh mong muốn. Với khối C19, Chí Hưng đạt 24 điểm. Vì vậy, số nguyện vọng dành cho khối C00 được cậu đăng ký nhiều hơn khối C19.
"Em cũng rất băn khoăn vì mình đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Sau khi nghe nói nguyện vọng nào thanh toán mới được xét tuyển, em cũng đã yên tâm hơn. Lúc chốt nguyện vọng, em gọi lên tổng đài, được biết phải thanh toán tất cả nguyện vọng đăng ký. Lúc này, em mới giật mình", nam sinh cho biết.
Với số nguyện vọng lên tới 122 trong đó có 83 nguyện vọng xét điểm thi THPT, tổng số tiền mà Hưng phải thanh toán là 1,66 triệu đồng. Tuy nhiên, với hoàn cảnh bố làm thợ cắt tóc, kinh tế gia đình không mấy khá giả, Hưng không dám ngỏ ý xin bố nhiều tiền.
Việc đăng ký một số lượng lớn nguyện vọng một phần nào phản ánh tâm lý lo lắng của thí sinh. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên tham khảo ý kiến của những người đi trước, tránh phải chi quá nhiều tiền.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, trong thời gian một tháng qua, thí sinh chủ động trong việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Hệ thống đăng ký xét tuyển đã mở đến 17h ngày 23/8.
Cho đến trước 17h ngày 31/8, thí sinh hoàn thành việc thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển.
Từ ngày 1/9 đến 17/9, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu từ hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo.
Trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h ngày 30/9, các thí sinh trúng tuyển tiến hành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, các cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung. Thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung vào các cơ sở đào tạo sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.