Thi khối B đạt 29,25 điểm (Toán 10 điểm; Hóa học 10; Sinh học 9,25), Kiều Quốc Sang, học sinh THPT Ba Gia (Quảng Ngãi), là thí sinh có điểm cao nhất ở Quảng Ngãi và là một trong 4 thí sinh đạt điểm cao nhất nước trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái. Sang đã ứng tuyển, trở thành thủ khoa Đại học Y Dược TP HCM.
Là cậu học trò trường huyện, hai chân bị dị tật, gia đình khó khăn không có điều kiện ôn luyện như bạn bè cùng trang lứa ở thành phố, nhưng Kiều Quốc Sang bước vào kỳ thi tuyển sinh với mục tiêu trở thành thủ khoa đại học.
Ngay từ đầu năm lớp 11, Quốc Sang phân bổ kế hoạch ôn luyện chi tiết. Ngoài hai buổi học trên lớp, thời gian còn lại từ 19h đến 3h sáng hôm sau, Sang tập trung cao độ tự học. Thời gian biểu này được nam sinh vùng quê Quảng Ngãi duy trì suốt hai năm.
Ngoài lên mạng tìm đọc tài liệu, chia sẻ cách giải đề thi, Sang gần như không vào mạng xã hội, nghe nhạc, xem phim… Theo thủ khoa trường Y, việc chủ động sưu tầm tài liệu từ nhiều nguồn là một trong những phương pháp hữu ích để ghi nhớ kiến thức.
Nói về bí kíp đạt điểm cao cho các môn thi khối B, Quốc Sang tóm gọn trong hai ý chính: phải ưu tiên thời gian phân tích đề thi cũ và giải nhiều bài tập để luyện khả năng phản xạ.
Luyện Toán say mê như họa sĩ học vẽ
Từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán và nhận định đây là môn thi “dễ thở” vì cấu trúc đề rõ ràng nhưng Quốc Sang không chủ quan. Trước khi luyện từng phần, Sang phân tích mức độ khó của câu và chia làm hai nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm câu khảo sát hàm số, tích phân, logarit, hình học không gian và số phức. Đây là những câu đơn giản, không đánh đố nên khi luyện đề Sang chọn bài tập với độ khó tương đương, không đào sâu mở rộng mà tập trung giải nhiều, nhanh để tạo thói quen phản xạ.
Kiều Quốc Sang là một trong bốn thí sinh cao điểm nhất kỳ thi THPT quốc gia 2015. |
Đối với các câu bất đẳng thức, hệ phương trình, hình học phẳng... khó hơn, chàng trai quê Quảng Ngãi giải gần một nghìn đề tổng hợp sẵn. “Khi gặp những đề hóc búa, mình nghĩ như người thích hội họa sẽ luôn vẽ, người thích âm nhạc luôn viết, còn mình đam mê toán học nên chăm chỉ giải đề”, Sang chia sẻ.
Nam sinh cho biết thêm trên mạng có rất nhiều mẹo, phương pháp giải đặc biệt, rất nên tham khảo.
Biến cuộc đấu kiến thức thành trò chơi kỹ năng
Môn Hóa là thế mạnh của chàng thủ khoa này. Ngay từ lớp 10, Sang đã đầu tư cho môn học mình yêu thích.
Khi mới luyện thử những đề đầu tiên, điểm số của Quốc Sang dao động mức 7 điểm. Nhận ra điểm yếu của mình là áp lực thời gian dễ dẫn đến cẩu thả, Sang chia đề thành hai phần lý thuyết và bài tập và dứt điểm từng phần. Đồng thời, Sang cũng dành thời gian xem lại trước khi nộp bài.
Theo kinh nghiệm của chàng sinh viên này, Hóa học có nhiều định luật nhưng cơ bản nhất là Bảo toàn nguyên tố và Bảo toàn điện tích. Nếu nắm vững và hiểu sâu hai vấn đề trên, học sinh dễ dàng “xử” các bài tập liên quan.
Muốn đạt 7 đến 8 điểm môn Hóa, Quốc Sang khuyên các sĩ tử không nên tập trung nhiều nội dung khó mà cần học cẩn thận lý thuyết căn bản. Khi vững kiến thức, học sinh mới tiếp tục nâng cao, kết hợp lý thuyết và tính toán.
Môn Sinh: Ngắn làm trước, dài sau
Sinh học là điểm yếu nhất của Quốc Sang. Nội dung trong đề thi gói gọn trong chương trình học lớp 12 nên mỗi khi kết thúc một chương, Sang tự đúc kết kiến thức. Nam sinh cho rằng, để làm tốt bài thi môn này cần đọc nhiều tài liệu mới hiểu và phán đoán đúng vấn đề.
Theo Sang, phần lý thuyết khó nhất nằm ở chương Sinh thái học; phần bài tập là Di truyền. Đây cũng là những nội dung mà Quốc Sang mất điểm trong kỳ thi vừa rồi.
Trong quá trình làm bài, Quốc Sang khuyên sĩ tử không nên đọc lướt qua nội dung do đề thi dài, cách làm như vậy sẽ mất thời gian mà không phân loại được câu khó dễ.
"Các em nên chọn bài ngắn làm trước, dài sau. Có thể trong một hoặc hai lượt đầu tiên đã giành trọn 7 điểm nên tâm lý thoải mái hơn, lúc đó lặp lại chu kỳ này và thêm thời gian cho các câu phức tạp", thủ khoa Đại học Y Dược TP HCM nói.
Với những câu còn phân vân thì nên chọn ngay đáp án theo suy nghĩ đầu tiên, tránh bỏ lại làm ảnh hưởng tâm lý. Sau khi hoàn tất, nếu có thời gian, thí sinh quay lại để suy nghĩ kỹ lưỡng hơn.