Jeon Hyong Jun (tên tiếng Việt là Tuấn Jeon) kể, ngày 14/3, cậu nghe máy từ một y tá ở bệnh viện Hàn Quốc. Qua điện thoại, nam sinh cảm nhận được sự bối rối của người đang nói chuyện với mình.
“Lúc đó, họ ở khu khám bệnh. Một người Việt đến khám nhưng không thể giao tiếp. Giọng y tá rất gấp. Mình hiểu cần hỗ trợ nhanh để hai bên bình tĩnh lại”, chàng trai 25 tuổi kể về một trong những cuộc gọi trong đợt dịch Covid-19 ở Hàn Quốc.
Tuấn Jeon làm việc cho một đài phát thanh tại Việt Nam trong một năm trước khi trở lại Hàn Quốc. 9X tình nguyện làm phiên dịch trong 6 năm qua, vừa để trau dồi tiếng Việt, vừa hỗ trợ cô dâu Việt, du học sinh, lao động Việt Nam sống tại Hàn Quốc. |
Sẵn sàng nghe điện thoại, tư vấn online
Sau một năm làm việc ở Việt Nam, ngày 18/2, Tuấn Jeon, sinh viên năm cuối ngành Báo chí - Truyền thông, ĐH Sogang (Seoul), trở về Hàn Quốc. Thời điểm đó, tình hình dịch Covid-19 ở nước này chưa quá căng thẳng.
Hơn hai tuần nay, số lượng ca nhiễm tăng vọt. Tuấn nhận nhiều cuộc điện thoại nhờ trợ giúp qua tổng đài BBB (Before Babel Brigade - chương trình kết nối cuộc gọi người dùng với các thông dịch viên tình nguyện trên nền tảng điện thoại di động). Phần lớn người gọi đều trong tâm trạng lo lắng, cần được chia sẻ, giải đáp thắc mắc.
“Tâm lý lo lắng mắc bệnh cùng khó khăn trong giao tiếp khiến họ càng căng thẳng. Một số tình huống cấp bách, bệnh nhân và cán bộ y tế không hiểu được nhau”, Tuấn Jeon cho biết.
Cuộc gọi hôm 14/3 là một trong số đó. Người đến khám là lao động tự do, vốn tiếng Hàn hạn chế. Thông qua Tuấn, y tá mới hiểu người bệnh ho, cơ thể đau nhức, muốn xét nghiệm virus corona.
Những ngày qua, 9X sẵn sàng nghe điện thoại, đồng thời online thường xuyên để không bỏ qua bất cứ ai cần trợ giúp về ngôn ngữ.
Hơn 2.000 cuộc gọi trong 6 năm
“Từ lớp 10, mình biết đến tiếng Việt và Việt Nam. Mình vốn học tiếng Anh, nhưng khi học tiếng Việt thấy thích thú”, nam sinh kể.
Trong 3 năm học tiếng ở trường Trung học Ngoại ngữ Chungnam, Tuấn Jeon cũng tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ các gia đình đa văn hóa, hoạt động khám chữa bệnh.
Học lớp 12, cậu được giáo viên giới thiệu về BBB. Năm 2014, tròn 20 tuổi (cách tính của người Hàn), độ tuổi tối thiểu để tham gia, Tuấn Jeon vượt qua vòng thi tuyển, phỏng vấn kỹ lưỡng để trở thành tình nguyện viên chương trình thông dịch miễn phí.
Công việc giúp nam sinh trau dồi tiếng Việt, đồng thời trợ giúp cô dâu Việt trong gia đình đa văn hoá, du học sinh hay người lao động Việt sinh sống tại xứ sở kim chi.
Chàng trai nói 6 năm qua, cậu nhận hơn 2.000 cuộc gọi từ người Việt tại Hàn Quốc. Nhiều cuộc gọi đến lúc nửa đêm hay khi cậu đang trong lớp học.
“Mình không thấy phiền, chỉ hào hứng vì được nói tiếng Việt và giúp đỡ mọi người”, Tuấn Jeon nói.
Chàng sinh viên năm cuối kể kể có lần, một du học sinh Việt mới sang, học không hiểu bài. Giáo sư giao bài tập không biết làm do ngôn ngữ hạn chế. Tuấn Jeon hiểu khó khăn đó, khuyên bạn gặp giáo sư trao đổi thêm và làm quen bạn học để được giúp đỡ.
Tuấn Jeon muốn tiếp tục gắn bó với Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học. |
Muốn sinh sống ở Việt Nam
Trong quá trình thông dịch tình nguyện, Tuấn Jeon còn gặp những chuyện không vui của người Việt Nam tại Hàn Quốc do bất đồng về ngôn ngữ.
Cậu vẫn còn nhớ cuộc gọi dài nhất trong 6 năm qua, kéo dài đến 3 giờ, từ cô dâu Việt mới kết hôn. Cặp vợ Việt chồng Hàn mới cưới hai tháng, gặp vấn đề về giao tiếp, ngôn ngữ, văn hoá, không hiểu nhau. Cậu giải thích cặn kẽ, liên tục nhấn mạnh yếu tố văn hoá để hai người hiểu rõ.
Lần khác, Tuấn Jeon nhận cuộc gọi từ y tá và lao động người Việt gặp tai nạn, nhập viện cấp cứu. Anh không có người chăm sóc, khó giao tiếp với bác sĩ, y tá. Tuấn Jeon cẩn thận hướng dẫn người này lịch mổ, thuốc men, các lưu ý. Do cuộc gọi từ BBB hoàn toàn ngẫu nhiên, cậu không liên lạc được với họ trong hai ngày.
Sau đó, y tá kết nối lại, cho biết người bệnh mổ thành công, sức khỏe khá yếu, phải theo dõi hàng ngày. Thấy tình hình cấp thiết, nam sinh quyết định đưa số điện thoại cá nhân cho y tá.
Hàng ngày, cậu giúp y tá viết hướng dẫn cụ thể về ăn uống, tiêm thuốc, điều cần chú ý cho người bệnh. Tuấn Jeon được kể lại bệnh nhân người Việt nhìn tờ giấy và cười rất nhiều.
Trong vòng 2 tháng đến khi bệnh nhân ra viện, Tuấn Jeon hỏi thăm ít nhất 2 ngày/lần để đảm bảo mọi thứ tiến triển tốt. Xuất viện, người này nói với Tuấn "sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ ấm áp và tốt bụng của em”.
“Mình hy vọng từ tinh thần và tấm lòng nhỏ nhỏ mà ấm áp này, có thể lan tỏa tới nhiều người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc để họ có thêm nhiều động lực và truyền nhiều cảm hứng, chung tay giúp lẫn nhau”, nam sinh 25 tuổi tâm sự.
Tuấn Jeon cho biết thêm sau khi hoàn thành chương trình đại học, cậu chắc chắn tiếp tục sống, gắn bó với Việt Nam.