Hà Văn Thức (sinh năm 1996) là học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Thức là một trong 24 học sinh được Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ trong chương trình Cùng bạn đi thi.
Hết lớp 9 đã đi học nghề
Bố mẹ Thức làm nghề nông, thời gian rảnh rỗi làm thêm thêu thùa, điều kiện gia đình chàng trai ở Phú Xuyên còn nhiều khó khăn. Mới hơn 40 tuổi, mẹ Thức bị huyết áp thấp, bố bị khớp, dưới nam sinh này còn hai em đang tuổi đến trường.
Tốt nghiệp THCS, mong muốn được học tiếp cấp 3 nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, Thức phải nghỉ đi làm và trở thành lao động chính của gia đình.
Hai năm sau, nghĩ không thể mãi gắn liền đồng áng, chàng trai 9X quyết định đi học nghề cơ khí tại Cao đẳng Cơ điện Hà Nội 2. Hệ trung cấp của trường chủ yếu đào tạo cắt gọt kim loại, công nghệ hàn, cấp thoát nước. Song song đó, Thức học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Xuyên.
Một năm trước, 9X tốt nghiệp hệ trung cấp nghề, được nhận làm hợp đồng cơ khí tại xưởng cách nhà 12 km với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Nam sinh cho biết, cả gia đình thu nhập hơn 4 triệu đồng, trong đó em là lao động chính. Đầu năm học, tiền học cho ba anh em cũng gần hết số đó. Vì thế, khi đi thi, Thức chỉ mang theo 300.000 đồng để chi phí cho 3 ngày thi.
Thức bảo: “Số tiền này cũng do em dành dụm từ việc hàn xì. Em nghĩ sẽ đủ chi tiêu vì có sự giúp đỡ của các anh chị trong Thành đoàn Hà Nội về việc đi lại, ăn ở”.
Đại học không phải con đường duy nhất
Sau một năm làm cơ khí, Hà Văn Thức bảo đã quen công việc làm 8 tiếng mỗi ngày.
“Thời gian đầu chưa quen, giữa trưa nắng 39-40 độ C, em phải hàn dưới mái tôn, người đầm đìa mồ hôi”, Thức chia sẻ và chìa bàn tay chai sạn bởi thường xuyên bị bỏng.
Hà Văn Thức cùng tình nguyện viên đồng hành suốt kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Quyên Quyên. |
Ở lứa tuổi bạn bè chỉ lo ăn, học, có lúc Thức nghĩ mình là người kém may mắn khi sớm phải lo toan cơm áo gạo tiền. Bạn bè Thức đa phần đã là sinh viên năm thứ hai của các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, trong bộn bề khó khăn, điều khiến nam sinh lạc quan là lòng yêu nghề và quyết tâm đi học.
Chiều 29/6, những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được Thành đoàn Hà Nội giao tình nguyện viên hỗ trợ các em trong suốt kỳ thi THPT quốc gia.
Mỗi thí sinh được một sinh viên tình nguyện dìu dắt, chăm lo nơi ăn chốn ở và bữa ăn trong suốt quá trình thi.
“Cảm giác được điều khiển máy móc, là người trực tiếp làm ra sản phẩm như máy sản xuất đá viên hay kho lạnh bảo quản khiến em thích thú”, chàng trai tâm sự.
Nghĩ về thời gian quyết định chọn học nghề khi mới tốt nghiệp THCS, Thức cho biết: “Trong nhà em thương yêu mẹ nhất. Mẹ thường xuyên chia sẻ và động viên em mỗi khi buồn. Mẹ từng nói, dù khó khăn đến mấy em cũng cố gắng học để cuộc sống sau này bớt khổ. Nhưng là anh cả trong gia đình, phải lo toan cho bố mẹ và các em, em quyết đi học nghề”.
“Em lựa chọn theo điều kiện gia đình và nghĩ rằng xã hội đang cần nhiều thợ kỹ thuật lành nghề. Không phải cứ đại học mới thành công”, Thức bày tỏ.
Vì vậy, nếu kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm nay tốt, Thức sẽ tiếp tục học sâu hơn về nghề cơ khí, mong tìm kiếm cho mình những cơ hội mới. Với tinh thần ấy, Thức dự thi THPT quốc gia với tâm lý thoải mái, không áp lực.
Nam sinh vui vẻ bày tỏ, sau kỳ thi em sẽ vẫn tiếp tục trở lại xưởng cơ khí để làm công việc đã gắn bó với mình.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.
Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.