Nguyễn Đức Quân vừa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội Ảnh: NVCC. |
Nguyễn Đức Quân, sinh năm 2002, vừa tốt nghiệp loại giỏi chương trình tài năng Toán - Tin của ĐH Bách khoa Hà Nội. Chàng trai quê Hải Phòng vốn mắc chứng xương thủy tinh, suốt 16 năm qua luôn cần tới sự hỗ trợ của người thân để đi đến lớp.
Ngày nhận bằng tốt nghiệp trên tay, Quân xúc động cho biết tấm bằng này không chỉ là sự nỗ lực của riêng em mà còn là công sức của bố mẹ, bác và thầy cô đã luôn giúp đỡ em trong quá trình học tập.
Mắc chứng xương thủy tinh, ngay từ khi mới sinh ra, Quân đã bị gãy tay trái, thể trạng yếu. Chưa đầy tháng, em lại gãy tiếp đùi bên trái trong lúc thay quần áo. Cứ thế, tuổi thơ của Quân gắn với bệnh viện nhiều hơn lớp học.
Để chạy chữa cho con, mẹ Quân phải chắt bóp, dồn hết các khoản tiết kiệm và vay mượn thêm họ hàng. Căn nhà là nơi sinh sống duy nhất của gia đình cũng phải rao bán để có kinh phí điều trị.
Khi Quân lên 6 tuổi, bệnh tình cũng đỡ hơn, mẹ quyết định cho em được đến trường giống như các bạn. Nhưng khi con đi học, chị Trần Thị Thập phải đưa đón 8 lần/ngày. Bất đắc dĩ, chị đành xin nghỉ công việc kế toán trưởng tại một công ty giày da để đồng hành cùng con. Hàng ngày, ngoài giờ đưa đón con, chị mở một sạp rau để kiếm thêm thu nhập.
Gia đình đặc biệt trong ký túc xá Bách khoa, gồm hai bác cháu Quân và bố con em Nguyễn Tất Minh - người 10 năm được bạn cõng đến trường. Ảnh: Thúy Nga. |
Nhiều lúc, Quân tự cảm thấy mình “giống như một gánh nặng”. Nhưng rồi, em lại suy nghĩ “Số phận của mình đã như vậy, thay vì tự trách, sao không cố gắng hơn mỗi ngày”. Vì thế, suốt quãng thời gian phổ thông, Quân chưa bao giờ muốn dừng lại việc học. “Có kiến thức mới làm được việc có ích, để bố mẹ đỡ vất vả hơn”, Quân nói.
Còn với mẹ Quân, không ít lần chứng kiến con phải nhập viện vì bị ngã gãy xương, dẫu đau lòng nhưng khi thấy con vẫn lạc quan và muốn đi học, chị Thập chỉ biết động viên: “Hai mẹ con mình cùng cố gắng nhé”.
Cũng có lần, trước khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp trường, Quân bị vấp ngã ngay trước cửa phòng thi. Khi ấy, Quân chỉ cảm thấy hơi đau và nghĩ bị chuột rút. Được các bạn đưa vào phòng, em vẫn cố gắng hoàn thành tốt bài thi.
Kỳ thi năm ấy, Quân đạt điểm tuyệt đối 300/300 và giành giải nhất. Nhưng cú ngã này cũng khiến em bị gãy xương đùi và phải mổ xếp lại. Để phục hồi, Quân phải nghỉ học toàn bộ kỳ 2 năm lớp 9.
Dẫu không thể tới trường, nam sinh vẫn vừa điều trị, vừa duy trì việc học ngay trên giường bệnh. Hạn chế về thời gian khiến Quân phải bỏ dở kỳ thi vào trường chuyên của thành phố, nhưng nhờ những thành tích đạt được, Quân vẫn được tuyển thẳng vào lớp tài năng Toán của ngôi trường công lập top đầu Hải Phòng.
Đến khi Quân thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội, vì công việc không thể ở bên chăm lo cho con, bố mẹ Quân đành nhờ người bác ruột lên Hà Nội chăm sóc cháu. Suốt 4 năm qua, cũng chính bác là người luôn đồng hành, đưa đón Quân tới lớp mỗi ngày.
May mắn, trong quãng thời gian này, vấn đề sức khỏe của Quân không còn là rào cản. Dẫu vậy, thời gian đầu bắt nhịp với ngôi trường mới, Quân cũng gặp khó khăn do chưa quen với cách học.
“Thời phổ thông, em thường quen với việc ôn luyện theo dạng bài; thầy cô nói gì mình sẽ ghi chép như thế. Khi lên đại học, đề thi sáng tạo và hóc búa hơn. Sau khoảng 1 kỳ áp dụng lối học cũ, em cảm thấy không hiệu quả”.
Kỳ đầu nhận về 2 điểm D, đạt CPA 2.18, Quân sốc và quyết định phải thay đổi cách học. Ngoài việc lắng nghe thầy cô giảng trên lớp, nam sinh cũng tự mở rộng, ôn sâu để hiểu cặn kẽ bản chất vấn đề.
“Với những môn về toán, em thường học chung với một nhóm bạn. Chúng em cùng tìm các dạng bài và luyện tập với nhau. Với những môn lý luận chính trị, em thường viết đi viết lại nhiều lần để nhớ kỹ. Em đã duy trì cách học này, đồng thời tăng sự chăm chỉ để cải thiện kết quả”. Nhờ vậy, những học kỳ sau, Quân dần có sự tiến bộ rõ rệt.
Quân và gia đình trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, đứng trước hội đồng, Quân tự tin trình bày đề tài em đã tâm huyết nghiên cứu, xây dựng dữ liệu trong suốt hơn 3 tháng, liên quan đến việc dự đoán bệnh tiểu đường sử dụng hồi quy logistic và thuật toán KNN. Nhờ vậy, Quân đạt 9 điểm, có CPA toàn khóa 3.37/4, tốt nghiệp loại giỏi.
Nhìn lại hành trình 4 năm của học trò, TS Nguyễn Phương Thuỳ, cán bộ quản lý và hỗ trợ cố vấn học tập, đánh giá Quân giàu nghị lực, kiên trì, nghiêm túc trong học tập và luôn toát ra năng lượng tích cực.
“Dù trong các buổi học hay họp lớp, Quân luôn đến trước mọi người, cũng chưa từng vắng mặt trong bất cứ buổi học nào. Em luôn nhìn mọi việc với góc nhìn tích cực, lạc quan”, thầy Thùy chia sẻ.
Với Quân, điều khiến em tiếc nuối sau 4 năm đại học là chưa dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và không thể tham gia vào một số hoạt động thể thao như bóng đá, dẫu bản thân rất yêu thích.
Hiện tại, sức khỏe của Quân đã dần ổn định, chân có thể tự đi lại nhưng không thể leo dốc, leo cầu thang và đi bộ với quãng đường xa. Ngay sau buổi lễ tốt nghiệp, Quân được bố mẹ đón về nhà.
Chàng trai sinh năm 2002 mong muốn thời gian này có thể tìm được công việc yêu thích tại Hải Phòng để phụ giúp bố mẹ và lo cho em gái.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.