![]() |
Thanh Tùng nhất quý III với 255 điểm. Ảnh: NVCC. |
Trong trận thi quý III, chương trình Đường lên đỉnh Olympia, phát sóng hôm 20/7, Đoàn Thanh Tùng (học sinh lớp 11 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Nam Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), giành chiến thắng kịch tính với 255 điểm.
Trước đó, Thanh Tùng chỉ về nhì ở trận tháng. Sự trở lại mạnh mẽ và bứt phá tại vòng quý đã giúp nam sinh xuất sắc ghi tên mình vào trận chung kết năm năm nay.
“Em rất vui khi mang được cầu truyền hình về ngôi trường và quê hương của mình”, Tùng chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Áp lực nhất ở vòng thi tuần
Từ nhỏ, Thanh Tùng đã có sở thích tìm hiểu kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2019, được theo dõi cầu truyền hình trực tiếp tại Khánh Hòa - khi nam sinh Nguyễn Hải Đăng vào vòng chung kết - Tùng bị cuốn hút và mong muốn được tham gia chương trình.
Cuối năm lớp 10, nam sinh đăng ký thi Thắp lửa Olympia mùa 8 - cuộc thi mô phỏng chương trình Olympia do trường chuyên Lê Quý Đôn tổ chức. Sau khi vượt qua nhiều vòng thi và giành ngôi quán quân, nam sinh đại diện trường đăng ký thi Đường lên đỉnh Olympia.
Trước vòng thi tuần, cùng với việc tự ôn tập, Tùng được nhiều anh chị đi trước hỗ trợ. Cùng với đó, nam sinh nhận lời mời tham gia các trận giao hữu online với các bạn yêu thích Olympia. Tùng nói đó là cơ hội để em cọ xát, tìm hiểu đối thủ và nâng cao năng lực của bản thân.
Dù vậy, nam sinh nói áp lực nhất ở vòng thi tuần bởi 5 năm liên tục (từ năm 2019), trường chuyên Lê Quý Đôn đều có thí sinh nhất tuần. Nam sinh đặt ra mục tiêu phải giữ chuỗi này nên khá căng thẳng, dẫn đến một số phần thi chưa đúng phong độ. Dù vậy, kết quả chung cuộc, Tùng vẫn đạt tới 215 điểm ở trận này.
Vượt qua vòng tuần, tháng, ở trận thi quý, tâm lý của nam sinh khá thoải mái. Tùng nói hài lòng nhất là phần thi Tăng tốc, bởi những trận trước và cả khi ôn tập, đây là phần mà em sợ nhất do chỉ đánh máy bằng hai ngón tay nên khá chậm.
Cuối cùng, ở trận quý, nhờ sự may mắn và chuẩn bị đầy đủ, em đã trả lời đúng cả 4 câu hỏi với tốc độ ổn định, mang lại số điểm khả quan và lợi thế lớn trước khi về đích.
Phần thi Vượt chướng ngại vật cũng kịch tính không kém. Sau câu hỏi gợi ý thứ hai, Tùng đã nghĩ ra cả hai từ khóa “silicon” và “đất hiếm”. Em quyết định bấm chuông với đáp án “đất hiếm”, dù chưa đủ dữ kiện để hoàn toàn chắc chắn. Ngay sau đó, Tuấn Thành cũng đưa ra câu trả lời “silicon”.
“Khi ấy, em thực sự rất lo lắng vì cả hai đều có thể đúng, Thành cũng đang là người dẫn đầu, nếu bạn giải được chướng ngại vật, cơ hội mang đầu cầu chung kết về Khánh Hòa sẽ rất nhỏ”, Tùng nói.
Khi MC Khánh Vy hô to đáp án “đất hiếm”, Tùng thở phào nhẹ nhõm, giơ cao hai tay ăn mừng. Nam sinh nói khoảnh khắc đó giải tỏa nhiều khó khăn và là một bước ngoặt lớn cho cả trận đấu.
![]() |
Tùng nhìn nhận lợi thế của em nằm ở tâm lý vững và sự ủng hộ từ thầy cô, bạn bè và người thân. Ảnh: Cắt từ clip. |
Luyện bấm chuông 15 lần/giây
Tự đánh giá bản thân, Tùng nói em không có điểm mạnh rõ ràng ở phần thi hay môn học nào. Lợi thế của em nằm ở tâm lý vững và sự ủng hộ từ thầy cô, bạn bè và người thân.
Trước đó, nam sinh từng tham gia thi học sinh giỏi tỉnh (giải ba), thi học sinh giỏi quốc gia (giải khuyến khích) và Olympic 30/4 dành cho học sinh giỏi phía nam (huy chương bạc). Nhờ vậy, tâm lý của em khá ổn định.
Còn hơn ba tháng trước khi đến trận chung kết, Thanh Tùng cho biết em đang tiếp tục quá trình ôn luyện. Tương tự các vòng thi trước, nam sinh tập trung vào việc nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và xem lại các trận thi cũ, tìm hiểu những vấn đề đã được đề cập.
Phương châm của em là chậm mà chắc. Từ một vấn đề được gợi nhắc trong lúc học hay đời sống, em sẽ cố gắng tìm kiếm thêm những thông tin về nó, phân tích và nắm kiến thức, sau đó mở rộng hơn.
“Mỗi chủ đề, em thường dành hàng tiếng để mày mò tìm hiểu, từ đó liên kết, xâu chuỗi những hiểu biết của bản thân”, Tùng nói.
Cùng với đó, hàng ngày, em vẫn xem thời sự trong bữa cơm cùng gia đình, dành thời gian đọc tin tức, sự kiện để tìm hiểu thêm những kiến thức mới và củng cố những điều mình đã biết.
Ngoài kiến thức, Tùng luyện kỹ năng đọc câu hỏi, chú ý các dữ kiện chính, từ quan trọng để nâng cao tốc độ.
Một kỹ năng khác là bấm chuông nhanh thông qua chuột máy tính. Tùng thường lên các trang web đo tốc độ đánh máy và tốc độ nhấp chuột để luyện tập, giữ phong độ ổn định. Các vòng trước, tốc độ của nam sinh là 12-14 lần/giây. Mục tiêu của Tùng ở trận chung kết là 15 lần mỗi giây.
“Chung kết năm chắc chắn sẽ khó và nhiều ý nghĩa hơn, em sẽ chuẩn bị thật tốt cả về tâm lý lẫn kiến thức”, Tùng chia sẻ.
Đây là lần thứ hai Khánh Hòa (cũ) có thí sinh vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Trước đó, năm 2019, Nguyễn Hải Đăng (học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn - Nam Nha Trang) đã giành ngôi á quân.
Tuy nhiên, nếu tính Khánh Hòa sau khi sáp nhập với Ninh Thuận, tỉnh này có em Lê Bảo Lộc (học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Phan Rang - Tháp Chàm) vào vòng chung kết năm thứ 11.
Cùng với Thanh Tùng, Nguyễn Nhựt Lam (THPT Cái Bè, Tiền Giang) và Lê Quang Duy Khoa (THPT chuyên Quốc học, Huế) là ba thí sinh bước vào vòng chung kết Olympia năm nay.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.