Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm thị phi của Drama Hàn

Từ chuyện vi phạm bản quyền, tới đình công hay cưỡng bức nữ diễn viên, làng phim Hàn năm qua phải chịu nhiều sóng gió.

Năm thị phi của Drama Hàn

Từ chuyện vi phạm bản quyền, tới đình công hay cưỡng bức nữ diễn viên, làng phim Hàn năm qua phải chịu nhiều sóng gió.

1. Kiện cáo vì vi phạm bản quyền 

Đã thành thông lệ, trong vòng 3 năm trở lại đây, làng drama Hàn phải xảy ra một vụ tranh chấp liên quan đến bản quyền thì mới yên tâm "sang trang". Thế nên trong năm "đại họa" này, không ngạc nhiên khi thấy các bộ phim truyền hình thuộc hàng hot lần lượt bị tố cáo là hàng đạo. Danh sách này có thể điểm đến những cái tên như: Faith, Cheongdamdong Alice, Five Fingers...

Ầm ỹ nhất có lẽ phải kể đến vụ kiện giữa Egg Film - công ty chịu trách nhiệm sản xuất tác phẩm điện ảnh lãng mạn The Classic và Yoons Color - đơn vị chế tác của Love Rain vào đầu tháng 6 vừa qua. Dựa theo những bằng chứng có vẻ thuyết phục mà Egg Film đưa ra, thì Love Rain đích thị chỉ là "phiên bản kéo dài" của The Classic mà thôi.

Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc căng thẳng, Tòa án Trung tâm Seoul đã đưa ra phán quyết trắng án cho đứa con tinh thần của đạo diễn Yoon Suk Ho vì "các bằng chứng chưa đủ thuyết phục". Dù vẫn còn nhiều nghi hoặc nhưng các fan của hai bên đành phải chấp nhận "ngừng bắn", trả lại hòa bình cho làng phim truyền hình Hàn vốn đã đầy rẫy thị phi.

Ngoài Love Rain, một trường hợp mượn ý tưởng khác cần phải nhắc đến trong năm nay chính là Queen Seon Duk. Trái với sự may mắn hiếm có của Cơn mưa tình yêu, bom tấn cổ trang nhà MBC này đã bị tuyên phạt 186.000 USD (khoảng 3,9 tỷ VND) sau gần 2 năm hầu tòa. Không những thế, Queen Seon Duk còn bị cấm phát sóng lại trên các kênh truyền hình cáp và internet, đồng thời cũng không được phép phát hành DVD hoặc các sản phẩm có liên quan.

2. Vấn nạn muôn thuở: đình công

Cách đây vài năm, đình công vẫn còn là một chủ đề nóng với giới truyền thông xứ kim chi. Tuy nhiên giờ đây, những vụ đại loại như vậy đã trở thành chuyện "bình thường như cân đường hộp sữa". Theo một quan chức trong ngành công nghiệp giải trí thì cách ứng phó tốt nhất là hãy chịu khó "sống chung với lũ". Nói như vậy để thấy, việc bãi công biểu tình của các nhân viên đài truyền hình Hàn Quốc đã quá quen thuộc với người dân nước này. Và mọi chuyện chỉ thực sự trở nên nghiêm trọng khi hàng loạt chương trình giải trí cùng drama lần lượt ngừng phát sóng.

Phát pháo mở màn cho một năm không yên tĩnh của làng drama Hàn chính là vụ "nghỉ khỏe" vào sáng sớm ngày 25/1 do tổ phóng viên thời sự đài MBC "cầm đầu". Ngay sau đó, hiện tượng bãi công liền lan nhanh như cháy nhà sang các bộ phận phim ảnh, chương trình thực tế của đài này cũng như các đài lân cận (KBS, YTN). Tuy nhiên, tất cả chỉ thực sự "loạn cào cào" khi đạo diễn Kim Do Hoon - người "cầm trịch" bom tấn cổ trang The Moon Embracing The Sun - gia nhập binh đoàn biểu tình.

Việc đạo diễn Kim dứt áo ra đi không chỉ làm The Moon Embracing The Sun phải tạm dừng cuộc chơi mất 1 tuần mà còn khiến cho các đài đối thủ xanh mặt, tìm mọi cách thay đổi lịch phát sóng. Bởi theo tính toán trước đó của KBS và SBS, thì chỉ cần Trời - Trăng chấm dứt là các dự án mới của họ sẽ có khả năng leo hạng rating. Chỉ tiếc là người tính không bằng trời tính...

Sau vụ lộn xộn đầu năm, hồi trung tuần tháng 11, khoảng 1.200 nhân viên của kênh KBS, bao gồm cả nhà báo và những nhà sản xuất, đã tiếp tục thực hiện một cuộc đình công nữa. Rất may mắn là trong lần biểu tình này, lịch trình chiếu drama ăn khách Nice Guy không hề bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các quan chức truyền hình nước này vẫn phải đưa ra cảnh báo rằng chừng nào quyền lợi và mong muốn của người lao động còn chưa được thực hiện, thì tương lai phát triển của các đài cũng chẳng thể đảm bảo.

3. Chèn ép, cưỡng bức nữ diễn viên

Nếu phải chọn ra gương mặt tạo nhiều sóng gió nhất năm 2012 của làng truyền hình Hàn Quốc thì có lẽ, cô ca sĩ xinh đẹp của nhóm T-ara sẽ đáng được "vinh danh" hơn cả. Chẳng những khiến các mặt báo náo loạn, vụ hất cẳng Eun Jung khỏi Five Fingers còn kéo theo vô số thế lực cùng nhảy vào cuộc: từ những bên có liên quan trực tiếp (Core Contents Media, công ty sản xuất Yein E & M) cho đến gián tiếp (Hiệp hội Quản lý giải trí, Liên đoàn lao động của các diễn viên, Hiệp hội diễn viên truyền hình Hàn Quốc). Thậm chí, Tòa án Seoul cũng bất đắc dĩ bị lôi ra làm cơ quan xét xử cho vụ kiện ồn ào này.

Eun Jung - "Nữ hoàng thị phi" của năm.

Dẫu sao, Eun Jung vẫn là trường hợp may mắn vì cô là ngôi sao có tiếng tăm và nhận được sự ủng hộ của các đại gia có thế lực. Tuy nhiên trong ngành giải trí Hàn, có biết bao gương mặt vô danh khác ngày ngày vẫn phải chịu đựng bao tủi nhục để nuôi dưỡng ước mơ đổi đời. Ngoài việc cởi đồ, lõa thể trước ống kính, những thiếu nữ này còn bị ăn đánh, ăn tát, thậm chí bị lạm dụng...

Hình ảnh nữ diễn viên vô danh tham gia một phim truyền hình.

Khi chương trình ký sự điều tra của kênh JTBC lên sóng cuối tháng 9 vừa rồi, bi kịch của gia đình nữ diễn viên phụ xứ Hàn tự sát vì nhiều lần bị cưỡng hiếp tập thể đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong lòng công chúng. Được biết trước khi tìm đến cái chết, cô gái bạc mệnh này từng nhiều lần mang đơn tố cáo khắp nơi. Nhưng vì cô là một diễn viên không có tên tuổi nên vụ kiện nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Mẹ nữ diễn viên còn cho biết: phía cơ quan điều tra sau khi tiến hành hỏi cung đồng thời cả hai bên đã đưa ra kết luận đó là mối quan hệ tự nguyện. Thậm chí, họ coi 2 mẹ con cô là đồ rác rưởi. Có những nơi còn bắt cô gái ấn dấu tay hủy đơn tố cáo. Điều này khiến cho cô rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và đã tự sát vào năm 2009. Quá sốc trước sự ra đi của chị, em gái rồi đến cha cô cũng lần lượt tìm đến cái chết sau đó không lâu.

Di ảnh của hai chị em nữ diễn viên tự sát.

Trước hoàn cảnh đáng thương của người mẹ muốn tìm lại công lý cho gia đình, hàng trăm nghìn người đã ký vào bản yêu cầu cảnh sát điều tra lại vụ án. Cũng trong thời gian đó, lần lượt các đài truyền hình lớn của Hàn Quốc là MBC và SBS đều cho đăng bản tin đáng buồn này.

Mẹ của nữ diễn viên tự sát phải uống thuốc mỗi ngày để duy trì cuộc sống.

4. Quỵt tiền diễn viên

Trong tháng cuối cùng của năm "đại họa", ngành công nghiệp phim truyền hình Hàn Quốc tiếp tục điêu đứng sau khi hàng loạt vụ quỵt tiền diễn viên bị truyền thông nước này phanh phui. Một điều vô cùng hài hước là từ những phim ăn khách bậc nhất (My Daughter Seoyoung) cho đến phim có kinh phí đầu tư cao nhất (The Great Seer), nhà sản xuất đều tìm mọi cách xù tiền diễn viên bằng mọi giá.

Phim trường The Great Seer.

Không những công ty sản xuất nợ tiền lương trắng trợn, mà tình hình ăn chặn cát-xê của đài truyền hình cũng diễn ra vô cùng phức tạp và ngày một tinh vi. Mới đây, nam tài tử gạo cội Choi Soo Jong cùng 101 đồng nghiệp đã phải đệ đơn kiện đài KBS vì được thanh toán thấp hơn so với những gì hai bên từng kí kết trong hợp đồng. 

Choi Soo Jong trong bộ phim mới nhất King's Dream (KBS).

Theo đó, họ chỉ nhận thù lao cho 60 phút ghi hình trong khi chương trình phát sóng trên truyền hình lại là 70 phút. Nhóm nghệ sỹ cho rằng đây là một trong những cách ăn quỵt tiền khéo léo và "mỗi diễn viên cần được tôn trọng và trả tiền công đúng với thời lượng làm việc".  

Đáng nói hơn cả, vấn đề trả thù lao nhập nhằng này đã kéo dài 10 năm nay khiến cho rất nhiều người bất mãn. Hiện toà án vẫn đang trong thời gian thụ lý vụ kiện. Song nếu thua cuộc, KBS sẽ phải trả thêm cho các diễn viên mỗi người 100 ngàn đô (hơn 2 tỷ đồng), tương đương với việc nhà đài sẽ phải chi ra hơn 10 triệu đô (hơn 200 tỷ đồng).

Theo TTVN

Theo TTVN

Bạn có thể quan tâm