Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nạn 'ăn cắp chất xám' YouTube lan tràn trên Facebook

Trong khi Facebook hưởng lợi từ sự phát triển thần tốc của video, các tác giả trên YouTube lại đau đầu vì vấn nạn ăn cắp chất xám của mạng xã hội này.

Destin Sandlin là kỹ sư thử nghiệm tên lửa đến từ bang Alabama (Mỹ). Kênh YouTube chuyên về khoa học của anh, SmarterEveryDay, có khoảng 2,8 triệu người theo dõi (subcriber) nhờ các clip “hot” như “The Backwards Brain Bicycle”, “A Baffling Balloon Behavior” hay “Slow Motion Flipping Cat Physics”.

Tháng 9 năm ngoái, cuối cùng Sandlin cũng làm được một clip mà anh muốn làm trong nhiều năm trời. Anh sử dụng camera tốc độ siêu nhanh để chụp lại chi tiết quá trình xăm hình nghệ thuật. “Khi chỉnh sửa video, tôi nói với cha tôi rằng: “Đây sẽ là video lớn nhất của con””. Anh ấy đã đúng. Video “TATTOOING Close Up (in Slow Motion)” thu hút hơn 20 triệu lượt xem trong 9 tháng.

Đây dường như là câu chuyện thành công cổ điển của YouTube. Tuy nhiên, hiện tại nó chỉ là một chi tiết nhỏ trong câu chuyện vi phạm bản quyền trực tuyến có tên “freebooting” (ăn cướp) đang phát triển không phanh trên Facebook trong năm qua. Sandlin và những ngôi sao YouTube khác đều cho rằng Facebook đang trục lợi từ nó, đồng nghĩa với kiếm tiền trên công sức mà họ bỏ ra.

Đây cũng là câu chuyện về “cơn địa chấn” trong ngành video trực tuyến. Lần đầu tiên trong lịch sử, YouTube đã chạm trán đối thủ thực sự. Song Facebook không “chơi” theo luật của YouTube.

Chỉ 2 ngày sau khi đăng video về hình xăm lên YouTube, Sandlin nhận tin nhắn từ một người theo dõi mình cho biết họ đã xem nó trên Facebook. Hóa ra trên mạng xã hội này, clip của anh cũng thành công vang dội. Thực tế, nó còn lan truyền trên Facebook nhanh hơn nhiều so với YouTube, với hơn 18 triệu lượt xem chỉ riêng 2 ngày đầu tiên.

Vấn đề là Sandlin chưa hề đăng clip lên Facebook và phiên bản xuất hiện trên News Feed của hàng triệu người dùng Facebook không phải của anh. Thay vào đó, tạp chí của Anh có tên Zoo đã tải về (hay chính xác hơn là “ăn cướp”) video từ YouTube, biên tập lại để loại bỏ sự liên quan đến Sandlin và kênh SmarterEveryDay, rồi đăng lên trang fanpage riêng qua trình video gốc của Facebook. 

Ngay lập tức, nó mang về hàng triệu lượt xem và số lượng lớn người theo dõi (follower) mới cho trang của Zoo. Sandlin, người đang dùng tiền thu về từ YouTube để tiết kiệm cho việc học hành của con cái sau này, không nhận được gì cả.

Chuyện của Sandlin là một trong nhiều những chuyện tương tự mà bạn có thể đã nghe từ cộng đồng làm video trực tuyến chuyên nghiệp. Một ngôi sao YouTube khác, Grant Thompson từ kênh The King of Random, cho biết hàng ngày anh đều nhận được tin nhắn thông báo phát hiện phiên bản video của mình đã được chỉnh sửa trên Facebook. 

Tháng 5/2015, anh đăng clip hướng dẫn cách tạo hình cây nến thành đồ chơi Lego và có hơn 600.000 lượt xem trong 24 tiếng đầu. Trong khi đó, trên Facebook, phiên bản chỉnh sửa của ai đó lại có tới 10 triệu lượt xem. “Điều tệ hại nhất chính là cú sốc khi so sánh tốc độ lan truyền trên Facebook so với những video tôi đăng trên YouTube. Vài video tôi mất hàng năm trời. Nó làm tôi băn khoăn vì sao mình đang làm việc này”.

Năm 2014, trên chương trình Hello Internet, nhà làm phim Brady Haran dùng thuật ngữ “freebooting” để mô tả hành động lấy video YouTube của ai đó rồi tải lại lên nền tảng khác vì lợi ích cá nhân. “Từ lâu tôi đã nói rằng cụm từ “vi phạm bản quyền” không còn thỏa đáng. Tôi đang tìm kiếm các từ liên quan đến bản quyền và chợt nghĩ từ cổ “freebooting” phần nào phản ánh đúng tinh thần”. (Freebooting là từ lóng được dùng trong thế kỷ 19, chỉ cướp biển). 

Sandlin đã giúp phổ biến cụm từ khi anh dành nguyên một tập trong SmarterEverday để cắt nghĩa về nó và kêu gọi người hâm mộ giúp anh đấu tranh với tệ nạn này.

Không như hải tặc, "kẻ cướp" trên Facebook không trực tiếp kiếm lợi nhuận từ của cải ăn cắp được. Đó là vì Facebook không chạy quảng cáo trước khi phát video. Đó là một phần khiến nạn ăn cắp trên Facebook lan nhanh như cháy rừng. Cái mà "kẻ cướp" Facebook thu được chính là sự chú ý, dưới hình thức “like”, chia sẻ hay người theo dõi mới. Chúng có thể giá trị, đặc biệt đối với các thương hiệu và hãng tin song không là gì so với các rủi ro về pháp lý. Luật sư của Sandlin tin rằng “cướp” trên Facebook chính là vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Vậy vì sao mọi người lại bất chấp để làm điều này? Để hiểu được nguyên nhân, bạn phải nhìn vào đặc trưng hoạt động của video trên Facebook và những sáng kiến mà mạng xã hội đã đưa ra nhằm đối đầu với YouTube.

Freebooting không giống như việc chia sẻ liên kết đến video YouTube của ai đó trên Facebook. Khi làm điều này, Facebook nhúng video YouTube và mọi lượt xem cũng như doanh thu quảng cáo đều được trao cho chủ nhân. Không ai phàn nàn về điều này. Tuy nhiên, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã thay đổi mô hình từ năm 2014. Facebook muốn là nơi lưu trữ nội dung và để làm điều đó, nó phải kiểm soát nguồn thu quảng cáo chảy ra.

Facebook phát triển nền tảng video riêng và ưu tiên vị trí đẹp trên News Feed. Khi chia sẻ video YouTube trên Facebook, nó chỉ hiển thị ảnh nhỏ kèm nút “phát” (play). Tuy nhiên, cùng video đó, khi tải trực tiếp lên Facebook, nó lại xuất hiện ở kích thước đầy đủ và tự động phát khi cuộn chuột qua, thuận tiện hơn nhiều cho người dùng.

Nỗ lực thúc đẩy video của Facebook cho kết quả tuyệt vời. Tháng 9/2014, công ty tuyên bố người dùng đã xem 1 tỷ video mỗi ngày trên mạng xã hội. Tháng 4/2015, con số tăng gấp đôi lên 4 tỷ. Một số hãng truyền thông như BuzzFeed còn chứng kiến lượt xem video YouTube tăng gấp 10 lần trong năm qua. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là lượt xem của video Facebook có thể không giống với lượt xem của YouTube, do video Facebook tự chạy trên News Feed bất kể bạn có click hay không.

 

Dù sao đi nữa, rõ ràng YouTube đang bị “quần thảo” tơi bời. Tháng 2/2014, chỉ 1 trong 4 video đăng trên YouTube là đăng trực tiếp, phần còn lại là từ các trang khác như YouTube. Sang tháng 2/2015, 70% là đăng trực tiếp lên Facebook.

Con số này có liên quan gì đến freebooting? Hãy tưởng tượng bạn đang xem một video trên YouTube và muốn chia sẻ trên Facebook. Bạn có thể làm theo cách truyền thống là chia sẻ link video, nhưng như vậy không phải bạn bè hay người theo dõi nào của bạn cũng xem được, như vậy không hoàn thành được mục đích là chia sẻ. Cách hiện đại hơn là “ăn cướp”, tức là tải video đó về máy tính rồi tải lại lên Facebook, sau đó chỉ cần ngồi yên và tận hưởng thành quả là các lượt like hay chia sẻ “bay” về tới tấp.

http://ictnews.vn/kinh-doanh/ho-so/nan-an-cap-chat-xam-youtube-lan-nhu-chay-rung-tren-facebook-128388.ict

Theo Du Lam/ICTnews

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm