Nặn mụn nào nguy hiểm?
Một lần, anh Đỗ Văn T. (Mê Linh, Hà Nội) đang soi gương nặn mụn, có vẻ cái mụn non lại đau nên anh nhăn hết cả mặt. Đến khi anh dừng nặn thì tá hỏa bởi cái miệng đã bị méo lệch về một bên, phải đi bệnh viện để bác sĩ “kéo” lại miệng.
Theo Ths. BS Vũ Văn Tiến (Trung tâm thẩm mỹ BV 103), nặn mụn các loại đều có thể gây nguy hiểm, nhất là mụn đinh râu - hay mọc ở vùng miệng như môi, mép, cằm, mũi… có thể gây biến chứng lan vào các xoang mặt, gây viêm tắc các tĩnh mạch xoang, não, hoặc nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm.
Do không phân biệt được mụn trứng cá, mụn nhọt, mụn đinh râu… nên nhiều người nặn mụn sai cách, dẫn tới viêm da, nhiễm trùng, và rất dễ gặp nguy hiểm do mặt có nhiều mạch máu, dây thần kinh, nếu nhiễm trùng máu và có thể tử vong do nhiễm trùng vào hệ tuần hoàn nhanh nhất. Nếu điều trị muộn thì dù điều trị tích cực cũng có thể tử vong.
Nặn mụn nào cũng nên đến bác sĩ để được xử trí dứt điểm và an toàn. Ảnh: Hà Dương. |
Nhận biết mụn đinh râu
Theo các bác sĩ, mụn đinh râu có thể tự phát, hoặc từ một vết xước, vết nặn mụn trứng cá bị viêm nhiễm, nốt côn trùng đốt… Có thể nhận biết mụn đinh râu bằng mắt thường:
- Đầu mụn có mủ vàng, xung quanh mụn đỏ, nóng, có thể bị sốt.
- Mụn có thể xuất hiện đột ngột, hoặc từ từ và nặng dần, chỉ mọc trong khuôn khổ của môi và mép (ở khu vực “lưỡi liếm”, hoặc khu vực “úp bàn tay vào giữa mặt”.
- Mụn đinh râu cần giữ gìn sạch sẽ nơi có mụn, không ăn đồ cay nóng đề phòng biến chứng của đinh râu.
- Tuyệt đối không tự nặn mụn đinh râu, chỉ nên dùng cồn y tế sát trùng nhẹ vùng mụn, chờ mụn chín thì tới bác sĩ điều trị. Nếu mụn chưa chín nhưng có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, nóng đỏ, đau nhức, sốt, ảnh hưởng tới miệng khi há, nhai, thở…) cần đi bệnh viện để sớm được điều trị kháng sinh.
Nặn mụn khác cũng có thể "chết người” vì nhiễm trùng?
Mụn xuất hiện khi có quá nhiều chất nhờn bít kín lỗ chân lông, tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm dẫn đến thành mụn. Có thể tóm tắt “hành trình” mụn dần nguy hiểm như sau: Nhân mụn hình thành chuyển sang mụn đầu đen (hoặc đầu trắng), rồi mụn đỏ viêm nhẹ, và cuối cùng là mụn bọc có mủ nhiều và viêm nặng. Theo đó:
- Mụn đầu trắng không sưng, không đỏ, không đau, sờ vào mới thấy nổi gồ trên bề mặt da.
- Mụn đầu đen nằm trong lỗ chân lông hở, nặn mụn sai cách sẽ viêm nhiễm sâu thành mụn nặng, làm viêm nhiễm tổ chức da, chuyển thành mụn đỏ, hơi sưng, hơi đau.
- Mụn đỏ viêm nặng hơn sẽ biến thành mụn bọc, mụn mủ, sưng to và đau nhức.
- Mụn bọc sẽ sưng to, đau nhức hơn nhiều mụn đỏ, dù có chữa lành vẫn để lại sẹo lõm.
- Mụn thịt hay mọc thành đám quanh mắt… Nếu điều trị chậm, không đúng cách mụn có thể lan ra chỗ khác.
Bất kể nặn mụn bằng tay, hay công cụ lấy mụn cũng khiến da tổn thương thành sẹo thâm, hoặc rỗ, gây ra các vết thâm, phải 1-2 năm sau mới biến mất. Không cẩn thận việc nặn mụn sẽ bị nhiễm trùng, gây nguy hiểm.
Xử trí mụn đúng cách
Đề phòng các loại mụn, tại các bệnh viện da liễu đều có hướng dẫn:
- Mụn nhọt thông thường chỉ cần bôi thuốc sát trùng đơn giản như nước muối loãng.
- Khi mụn nhọt đã “chín” thì chích mủ, nhưng cần được bác sĩ thực hiện (không tự nặn ở nhà), để đảm bảo vô trùng, tuyệt đối không nặn mụn nhọt non.
- Không đắp các loại lá trực tiếp lên mụn, chỗ sưng đau vì có thể gây ngứa, nhiễm trùng… Không xử lý các vết xước, hay nặn mụn bằng kem trộn, kem che khuyết điểm, chườm nóng, chườm lạnh lên vết sưng đỏ… vì càng làm vết thương nhiễm khuẩn nặng hơn.
- Khi mụn mủ đã chín, nên đến cơ sở y tế để được tháo mủ đúng kỹ thuật, vô trùng. Nếu mụn lớn đã hóa mủ sẽ được chích rạch để thoát mủ, sớm lành.
Phòng tránh mụn
- Giữ vệ sinh tốt, tắm rửa, giữ da sạch thoáng bằng cách rửa mặt 2-3 lần/ngày bằng nước sạch. Nam giới cũng cần giữ vệ sinh, rửa mặt thường xuyên bằng sữa rửa mặt, kem cạo râu thích hợp.
- Với bất kì vết thương hở nào ở mặt cũng cần sát trùng bằng nước muối loãng. Không gãi và nặn mụn nhọt,
- Tăng cường ăn nhiều loại rau củ quả chứa nhiều vitamin C để ngừa mụn.
- Uống nước chanh nóng pha mật ong mỗi sáng cũng ngừa được mụn.
- Thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng.
- Với mụn quá lâu nằm dưới da, không vỡ, không khỏi, khối mụn mềm ở giữa, xung quanh có nền cứng thì cần tới bệnh viện kiểm tra để phát hiện sớm bệnh nguy hiểm khác.