Ngày 24/4, dữ liệu do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc công bố chỉ ra đơn vị này tiếp nhận 4.515 báo cáo về trường hợp bị người khác theo dõi vào năm 2020. Tuy nhiên, 4.027 vụ (chiếm 89,2%) không được xử lý triệt để, theo Korea Times.
Theo đó, chỉ 1/10 số thủ phạm được trừng trị theo pháp luật. Trong số các vụ bám đuôi ghi nhận năm ngoái, 1.444 trường hợp xảy ra ở thủ đô Seoul.
Kết quả báo cáo cho biết hung thủ đã chịu các hình phạt hành chính, hoặc các phương thức xử lý khác theo Đạo luật về Tội phạm Vị thành niên. Trước đó, năm 2019, cơ quan này nhận về 5.468 trường hợp tương tự.
Hình phạt quá nhẹ cho thủ phạm theo dõi khiến các vụ việc này tiếp diễn và có xu hướng gia tăng. Ảnh: Getty. |
Kể từ tháng 2 năm nay, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia ghi nhận 629 đơn khiếu nại về việc bị kẻ khác đeo bám.
Đầu tháng này, dư luận xứ kim chi xôn xao khi một người đàn ông 20 tuổi, sống tại Seoul, bị bắt giữ vì giết hại một phụ nữ. Anh ta đã theo dõi nạn nhân và gia đình cô suốt thời gian qua.
Tới nay, hành vi rình rập, theo dõi người khác chỉ được coi như một tội nhẹ ở Hàn Quốc. Thủ phạm chỉ phải nộp phạt lên tới 100.000 won hoặc ngồi tù trong 29 ngày.
Trước tình hình đó, nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử lý quá khoan dung đã dẫn tới sự gia tăng của vấn nạn theo dõi, đề xuất nâng cao mức phạt với thủ phạm. Do đó, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật tăng cường hình phạt với kẻ đeo bám vào tháng trước.
Điều luật sẽ có hiệu lực vào ngày 21/10, nâng mức phạt với thủ phạm lên 3 năm tù giam hoặc chi trả 30 triệu won.
Chế tài có thể tăng lên tối đa 5 năm tù giam hoặc 50 triệu won nếu thủ phạm sử dụng vũ khí hay vật dụng gây nguy hiểm khác.