Vào một buổi tối cuối tuần, Sarah Williams (sống ở Brooklyn, Mỹ) đang dắt chó đi dạo xung quanh khu phố thì bị một người đàn ông tấn công. Anh ta cố tình chạm vào Williams và kéo cô về phía khác.
Sau một hồi xoay xở để thoát khỏi gã này, cô nhanh chóng dắt chú chó của mình đi càng xa càng tốt. Sau đó không lâu, cô tiếp tục bắt gặp người này tại một đồn cảnh sát gần đó.
Đầu tháng 5/2021, một vụ quấy rối giống vậy cũng diễn ra ở Sacramento (bang California, Mỹ). Nạn nhân là Lauren Cooper (35 tuổi). Lúc đó, cô đang trên đường về nhà sau khi tập thể dục xong thì bị một nhóm đi xe ôtô lăng mạ.
“Lúc tôi bắt đầu băng qua đường thì bị một chiếc xe nhấn ga lao phía về mình. Tôi không biết liệu họ có cố ý làm tôi sợ hay không nhưng họ đã thành công. Vài phút sau, những người đó quay lại, đẩy cửa sổ xuống và mắng mỏ tôi", Cooper kể với The Lily.
Cooper cho biết phải mất nhiều giờ cô mới lấy lại bình tĩnh.
Nhiều phụ nữ bị ám ảnh mỗi khi ra đường vì từng là mục tiêu của những kẻ quấy rối. Ảnh: BBC. |
Sự việc tương tự cũng diễn ra với Danika Jordan Alicia (30 tuổi, đến từ North Carolina), nhân viên bán hàng. Alicia cho biết nạn quấy rối xảy ra phổ biến tại nơi cô làm việc và sinh sống.
Theo The Lily, tình trạng quấy rối trên đường phố tại Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch Covid-19. Điều này khiến nhiều người bị ám ảnh tâm lý và không dám ra ngoài.
Không ít phụ nữ nói rằng họ cảm thấy sợ hãi khi chính phủ nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Nạn quấy rối không chấm dứt
Becky Celestina (27 tuổi, sống ở Brooklyn) kể cô đã bị theo dõi suốt nhiều tuần bởi một người đàn ông trong khu phố. Khi đang đi trên đường, Celestina còn bị một người lạ mặt ngồi trong xe hơi hét lớn và hỏi những câu khiếm nhã.
“Sự an toàn là một điều gì đó rất ảo tưởng. Có một thời gian tôi không dám ra đường vì bị quấy rối”, cô gái 27 tuổi nói với The Lily.
Một số khác cho rằng sự quấy rối không bao giờ biến mất trong đại dịch. Chẳng hạn, người lao động làm việc tại các cơ sở ăn uống, bao gồm nhân viên phục vụ, pha chế, phải đối mặt với những yêu cầu quái đản vì đeo khẩu trang (maskual harassment).
Nạn quấy rối tình dục nhắm vào nữ nhân viên đeo khẩu trang tăng cao. Ảnh: New York Times. |
Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận One Fair Wage, hơn 1/4 người được khảo sát từng trải qua việc bị khách hàng miệt thị và quấy rối tình dục.
Số lượng lao động nữ bị trêu chọc trong lúc làm việc tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Phần lớn lý do đến từ việc họ từ chối tháo khẩu trang hoặc yêu cầu khách đeo chúng.
Thống kê của tổ chức này còn cho thấy 67% người lao động bị giảm tiền boa khi không đồng ý tiếp xúc gần hoặc bỏ khẩu trang.
Hollaback, một tổ chức chuyên lan tỏa nhận thức và phương pháp để chống lại quấy rối, nhấn mạnh vấn nạn này sẽ còn tiếp diễn lâu dài.
“Chúng tôi nhận thấy các vụ quấy rối trên đường phố gia tăng thông qua những câu chuyện nhận được. Nhiều trường hợp trong số này mang tính đe dọa hơn một chút bởi vì ít có nhân chứng hay người hỗ trợ", Gabriela Mejia, người phụ trách đào tạo và truyền thông của Hollaback, nói.
Mặc dù đeo khẩu trang có thể khiến một số phụ nữ cảm thấy an toàn hơn khi ra đường, song điều đó không ngăn được những hành vi xấu xa.
“Quấy rối xảy ra bất kể bạn có mang khẩu trang hay không, bạn trông như thế nào hoặc bạn là ai. Tuy nhiên, điều quan trọng mà bạn cần nhớ là quấy rối không phải là lỗi của nạn nhân. Đó là hành vi ai đó sử dụng quyền lực của họ để xúc phạm, hạ thấp nhân phẩm của bạn”.
Các hành vi quấy rối trên đường phố thường nhắm vào phụ nữ. Ảnh: The Conversation. |
Theo Stand Up Against Street Harassment, 78% phụ nữ được hỏi nói rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, bao gồm trêu ghẹo, cố tình đụng chạm, theo dõi và tấn công.
Để xử lý hành vi quấy rối trên đường phố, Mejia nghĩ rằng nạn nhân nên tin vào trực giác của bản thân.
“Bản năng sẽ giúp bạn xử lý các tình huống khác nhau. Hãy cố gắng thoát khỏi việc phải đối đầu với kẻ quấy rối. Nếu không được, hãy trực tiếp giải quyết hành vi đó và yêu cầu người đó dừng lại. Kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc ghi hình lại sự việc cũng là cách nạn nhân có thể dùng”, Mejia đưa ra lời khuyên.
Meg Stone, giám đốc của Impact, một tổ chức có trụ sở tại Boston chuyên vận động vì các không gian công cộng an toàn hơn, cho rằng sự phản kháng mạnh mẽ là một cách hiệu quả để ngăn chặn hành vi quấy rối.
“Bạn có thể yêu cầu kẻ đó ‘dừng lại’ hoặc nói ‘để tôi yên’ để chống lại ý đồ xấu xa của chúng. Bên cạnh đó, bạn nên đánh lạc hướng chúng bằng cách hỏi đường hoặc đi một hướng khác”, Stone nói.
Stone nói thêm người khuyết tật, cộng đồng LGBTQ và người Mỹ gốc Á là những nhóm thường xuyên phải đối mặt với hành vi quấy rối.