“Cho tôi xem khuôn mặt xinh đẹp của cô nào”, “cởi khẩu trang ra cho tôi nhìn được không, một chút thôi” là những lời yêu cầu quái đản mà một nữ nhân viên phục vụ thường nghe thấy khi đeo khẩu trang lúc làm việc.
Trong mùa dịch Covid-19, hầu hết người lao động làm việc tại các cơ sở ăn uống đều phải tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, những nguyên tắc này lại vô tình khiến họ gặp rắc rối nhiều hơn trong công việc, theo New York Post.
Đây chỉ là một trong số 250 phản hồi có liên quan đến quấy rối tình dục trong dịch Covid-19, theo báo cáo mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận One Fair Wage. Theo đó, tổ chức này đã chỉ ra rằng số lượng lao động nữ bị trêu chọc trong lúc làm việc tăng đáng kể trong những tháng gần đây.
“Nhân viên dịch vụ đang phải đối mặt với một vấn nạn ít người quan tâm. Họ gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình hoặc thực thi các biện pháp an toàn. Nhiều phụ nữ bị yêu cầu bỏ qua nguy cơ bệnh tật để thỏa mãn niềm vui của khách hàng. Tất cả chỉ vì một mức lương tối thiểu”, Saru Jayaraman, Giám đốc điều hành của One Fair Wage, nói.
Nhiều nữ nhân viên bị mạt sát, sỉ nhục nếu không đáp ứng yêu cầu của khách. Ảnh: Indyweek. |
Tỷ lệ quấy rối tăng cao
Đôi khi, họ còn nhận được những lời trêu ghẹo khiếm nhã hơn như “cứ tháo khẩu trang ra đi”, “ôi giãn cách xã hội, vậy là tôi không được chạm vào người cô nữa hả?”. Một số khác kể lại rằng họ bị gọi là “gái mại dâm” khi cố gắng đảm bảo các quy trình kiểm dịch.
Hơn 1/4 trong số những người được khảo sát tức giận khi chứng kiến sự gia tăng các lời miệt thị và quấy rối tình dục từ khách hàng. 43% phụ nữ cho biết họ đã từng trải qua điều đó.
“Tôi bị tổn thương khi phải chịu đựng sự quấy rối cùng với mối đe dọa về sức khỏe và thậm chí là tính mạng. Phụ nữ bị buộc tội là thô lỗ và không hiếu khách nếu họ từ chối tháo khẩu trang hoặc yêu cầu khách đeo chúng. Họ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo nếu cố gắng bảo vệ đồng nghiệp”, một nữ nhân viên bày tỏ.
Đặc biệt với những người làm trong quán bar, hộp đêm, tỷ lệ bị quấy rối sẽ cao hơn. Ảnh: NY Post. |
Đi kèm với quấy rối tình dục, các nhân viên làm việc trong ngành dịch vụ cũng ít nhận được tiền boa do ảnh hưởng của đại dịch.
83% trong số 1.675 người tham gia khảo sát cho biết khách hàng không còn thoải mái trong việc để lại tiền tip. 66% tiết lộ tiền hoa hồng của họ đã giảm hơn 50%.
Hơn một nửa số người được hỏi cảm thấy miễn cưỡng khi thực hiện các biện pháp phòng dịch, vì sợ rằng hành động này sẽ làm giảm thêm tiền tip của họ.
Thống kê của One Fair Wage cho thấy 67% người lao động bị giảm tiền boa khi không đồng ý tiếp xúc gần hoặc bỏ khẩu trang.
Bên cạnh đó, họ cũng bị miệt thị, đánh giá ngoại hình nếu từ chối làm theo yêu cầu của khách.
Theo một báo cáo có tiêu đề “Hãy cởi khẩu trang để tôi biết phải boa cho bạn bao nhiêu”, nhân viên ở New York không chỉ phải đối mặt với tỷ lệ quấy rối cao hơn so với những bang khác mà còn có khả năng tự nhiễm virus mới.
Ngoài ra, hơn một nửa công nhân ở “thành phố không ngủ” nói rằng chủ của họ không tuân thủ các quy định an toàn và 53% người có đồng nghiệp chết vì nhiễm SARS-CoV-2.
Theo One Fair Wage, gần 10 triệu lao động trong ngành công nghiệp dịch vụ đã mất việc làm từ khi đại dịch bùng nổ. Phần lớn trong số họ không thể tiếp cận trợ cấp thất nghiệp thông qua khu vực sinh sống vì kiếm được mức lương tối thiểu trong một giờ.
Nhiều chủ nhà hàng, quán rượu bỏ ngoài tai sự phản hồi của nhân viên vì không muốn mất khách. Ảnh: AP. |
Niko Prytula, làm việc ở Virginia, mệt mỏi khi phải chịu đựng những hành vi sai lệch của khách hàng nam. “Bởi vì tôi không muốn tranh cãi với một số người cao tuổi và lúc đó thu nhập thực sự là vấn đề lớn với tôi”, Prytula chia sẻ.
Trong bối cảnh đại dịch hoàn hành, nhiều nhà hàng trên khắp xứ cờ hoa đang trên bờ vực đóng cửa. Một số người quản lý và chủ sở hữu thậm chí không có khả năng bảo vệ nhân viên của mình. Với tình hình căng thẳng như hiện nay, không ai muốn mất khách vào thời điểm này.
Danni (19 tuổi), nhân viên pha chế, tiết lộ cô trải qua việc quấy rối trong hầu hết mọi ca làm sau thời gian phong tỏa. “Họ cố ý tán tỉnh, rủ rê tôi đi chơi. Mặc dù tôi đã từ chối, họ vẫn tiếp tục làm phiền tôi. Chuyện này xảy ra hàng ngày trước khi có đại dịch, nhưng hiện nó càng trở nên quá đáng hơn, bất chấp các quy tắc giãn cách nghiêm ngặt”, Danni kể lại.
Cô cho rằng nhiều khách hàng nghĩ họ có quyền làm thế vì các cơ sở giải trí cần họ để duy trì doanh thu và những nhân viên như Danni phải ổn định nguồn thu nhập.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng Covid-19 có thể phát triển mạnh ở những nơi đông người. Những nhân viên quán bar, nhà hàng đang đối mặt với việc bị quấy rối, lạm dụng có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn.