Theo SCMP, hậu dịch bệnh, người dân Tokyo quay trở lại với nhịp sống thường ngày, đường phố thủ đô dần đông đúc trở lại. Mặt khác, vấn nạn mang tên chikan - những kẻ chuyên sàm sỡ phụ nữ trên tàu điện công cộng - cũng trở lại.
Nhằm giải quyết vấn đề này, hồi tháng 6, Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo đã bắt tay với các xí nghiệp tàu hỏa có tuyến đường đi qua Tokyo để bắt đầu chiến dịch loại bỏ triệt để chikan.
Số lượng cảnh sát được điều động có mặt tại những ga tàu, trên các toa tàu để nhận diện những kẻ biến thái, đã tăng lên, bên cạnh những poster dán xung quanh các khu vực công cộng, chỉ dẫn thông tin cho nạn nhân biết phải làm gì vụ việc xảy ra.
Người dân Tokyo quay trở lại nhịp sống thường ngày. Ảnh minh họa: AP Images. |
Số liệu từ cảnh sát Nhật Bản cho biết số vụ sàm sỡ đã giảm trong những năm gần đây, từ 3.440 vụ bắt giữ toàn quốc vào năm 2014, xuống còn 1.920 vụ bắt giữ vào năm 2020.
Cuộc chiến dai dẳng
Dù vậy, thực tế là phụ nữ Nhật Bản vẫn còn ngần ngại khi báo cáo rằng mình là nạn nhân của chikan. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có 10% phụ nữ bị quấy rối chủ động báo cáo về vụ việc, nguyên nhân chủ yếu là do cảm giác xấu hổ.
Các chuyên gia chỉ ra rằng việc sụt giảm số vụ vào năm 2020 chủ yếu do người dân ít tham gia phương tiện giao thông công cộng vì ảnh hưởng từ đại dịch. Vì vậy, khi dịch lắng xuống, số lượng nạn nhân sẽ có chiều hướng gia tăng trở lại. Họ cũng cảnh báo rằng đây không phải vấn đề có thể “nhổ tận gốc”.
Những ga, toa tàu đông đúc là lựa chọn hàng đầu của những kẻ biến thái. Ảnh: Reuters. |
Shinichi Ishizuka, một chuyên gia luật và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học của Đại học Ryukoku (Kyoto), cho biết: “Trong vòng 20 năm qua, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, dù số lượng các vụ sàm sỡ đã giảm, nhưng vẫn chưa về được con số 0. Bản thân tôi cũng nghĩ vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để”.
"Những kẻ có ý định sàm sỡ coi việc quấy rối tình dục phụ nữ là một 'môn thể thao' hoặc 'sở thích'. Đối với những người đàn ông này, chạm vào phụ nữ đem lại cảm giác quyền lực và gây nghiện. Tôi tin rằng cảnh quấy rối trên tàu điện, một kịch bản phổ biến trong các bộ phim người lớn, cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của những kẻ này", Ishizuka cho biết.
Emi Izawa, một sinh viên 19 tuổi tại một đại học ở Tokyo, chia sẻ rằng dù cô chưa bị quấy rối trên tàu điện, nhưng cô đã trải qua cảm giác có bạn là nạn nhân.
Cô cho biết: “Phụ nữ Nhật Bản thấy ngại khi phải nhận rằng họ vừa bị sàm sỡ, nên họ luôn chọn giữ im lặng. Một phần là vì họ xấu hổ, phần còn lại là họ không biết đó là ai và không chắc rằng đó là thật hay chỉ là tai nạn nhỏ. Những kẻ biến thái biết và lợi dụng điều đó”.
Ứng dụng Digi Police ra mắt vào năm 2016, với mục đích giúp phụ nữ Nhật Bản nhận được trợ giúp khi bị kẻ xấu quấy rối. Ảnh: SCMP. |
Công nghệ có thể là giải pháp
Năm 2016, ứng dụng Digi Police chống quấy rối ở nơi công cộng được ra mắt tại Nhật Bản. Tới nay, app này đã có 470.000 lượt tải.
Khi nhận được thông tin rằng đang có vụ quấy rối, ứng dụng sẽ hiện dòng chữ: “Đang có vụ sàm sỡ tại đây. Hãy giúp tôi” lên màn hình người dùng và người dùng có thể chỉ cho hành khách khác để được giúp đỡ. Nếu thông báo như vậy không hiệu quả, ứng dụng sẽ bật âm thanh: “Hãy dừng lại”.
Năm 2019, một ứng dụng khác có tên Radar-Z ra đời, cho phép người dùng chia sẻ thông tin về vụ sàm sỡ và có tính năng cho phép người dùng nhờ sự trợ giúp từ hành khách khác.
Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn các vụ quấy rối, nhiều nhóm phản đối sàm sỡ đã phát hình dán và huy hiệu có dòng chữ: “Quấy rối là phạm pháp” cho trẻ em.
Cảnh sát cũng sẽ bố trí nữ cảnh sát giả làm thường dân trên tàu điện, cũng như trà trộn vào các phòng chat online nơi những kẻ quấy rối thường xuyên trao đổi thông tin nhằm chủ động ngăn chặn hoạt động của chúng.
Mặc dù ứng dụng Digi Police có thể giúp ngăn chặn những kẻ biến thái, nhưng nữ sinh Izawa vẫn còn nhiều hoài nghi: “Nếu một người phụ nữ cảm thấy quá xấu hổ để lên tiếng về vấn đề này, họ cũng có thể thấy ngần ngại khi ấn một nút để báo cáo vụ sàm sỡ. Theo tôi, giải pháp thực sự là giúp phụ nữ không còn sợ hãi khi nói về vấn đề này”.