Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nâng cấp ĐH Y Dược TP.HCM có nhất thiết phải đổi tên là ĐH Sức khỏe?

Đồng ý với việc nâng cấp trường đại học lên đại học, nhiều người cho rằng ĐH Y Dược TP.HCM nên cân nhắc và lường trước cái giá phải trả trong việc đổi tên thành ĐH Sức khỏe.

Đổi hay không đổi tên ĐH Y Dược TP.HCM là vấn đề gây nhiều tranh luận sau phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ khai giảng của trường này.

Nhiều chuyên gia cho rằng ĐH Y Dược TP.HCM không chỉ là cái tên mà còn là thương hiệu, một phần lịch sử của nhà trường, gắn bó với rất nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên.

Tái cấu trúc trường đại học rất cần thiết

Trong lễ khai giảng ĐH Y Dược TP.HCM hôm 16/9, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị trường sớm đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM theo đề án mà Bộ Y tế xây dựng.

"Trường ĐH Y Dược TP.HCM còn nợ một nhiệm vụ từ cách đây 15 năm là thành lập ĐH Sức khoẻ TP.HCM, trong đó có nhiều trường y, trường dược, trường nha, trường điều dưỡng… Hiện nay, chúng ta chưa nên gọi là đại học mà chỉ là trường ĐH Y Dược TP.HCM, vì dưới trường hiện nay chỉ có khoa chứ chưa có trường”, Bộ trưởng Y tế nói trong lễ khai giảng.

doi ten dh y duoc tp.hcm anh 1
Các chuyên gia cho rằng cái tên ĐH Y Dược TP.HCM đã gắn liền nhiều thế hệ sinh viên và là một phần lịch sử của trường. Ảnh minh họa: M.G.

Việc nâng cấp, tái cấu trúc các trường đại học thành đại học, theo nhiều chuyên gia, đây là xu thế tất yếu, trước sau phải làm của các trường đại học Việt Nam.

PGS.TS Lê Bảo Long, Viện nghiên cứu Khoa học Quốc gia, ĐH Quebec, Canada, cho rằng đề xuất tái cấu trúc ĐH Y Dược TP.HCM hiện nay thành đại học gồm nhiều trường thành viên là hợp lý.

"Nên chăng nhập ĐH Y Dược TP.HCM vào một đại học khác như ĐH Quốc gia hoặc mở rộng hẳn thành đại học đa ngành đúng nghĩa, gồm nhiều khoa hay trường thành viên như Y khoa, Kinh tế, Kỹ thuật, Khoa học, Luật. Như thế, chúng ta sẽ có một trường ĐH tổng hợp đúng nghĩa như ở phương Tây, vừa phù hợp thông lệ, vừa nâng tầm vóc và sự thừa nhận quốc tế qua xếp hạng đại học", PGS Long ý kiến.

Ông Long cũng cho biết những bảng xếp hạng đại học quốc tế có uy tín thường có rất nhiều tiêu chí liên quan thành tích nghiên cứu, thể hiện qua xuất bản và trích dẫn khoa học.

Trường Y của các ĐH tổng hợp thường có lực lượng nghiên cứu khoa học mạnh và hay xuất bản trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao như Nature, Science, Cell. Vì thế, giải pháp sáp nhập hay mở rộng ĐH Y Dược TP.HCM vừa giúp trường có thêm vị trí quốc tế, vừa có khả năng nâng số trường đại học của Việt Nam có đẳng cấp cao ở tầm quốc tế.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó trưởng khoa thường trực khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết việc phát triển các cơ sở đào tạo y tế thành ĐH Khoa học Sức khỏe đã có từ lâu. Khoa Y của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có dự án phát triển khoa này thành ĐH Khoa học Sức khỏe sau năm 2020.

Việc đổi tên một ngôi trường, dù hiểu rằng là tái cấu trúc, phát triển lên tầm cao mới, luôn có mặt tốt và xấu. Do đó, những người phản đối việc đổi tên trường cũng có cái lý của họ. ĐH Y Dược TP.HCM nên cân nhắc cái giá mình phải trả, bởi một cái tên tồn tại cả trăm năm thì không đơn thuần chỉ là cái tên nữa.

GS Trần Ngọc Thêm

"ĐH Quốc gia TP.HCM dự định xây dựng bệnh viện đa khoa thực hành, gắn kết chặt chẽ với ĐH Khoa học Sức khỏe thành mô hình trường - viện. Tuy nhiên, trước mắt còn vướng nhiều vấn đề, khoa Y chưa thể thực hiện dự án này ngay. Cụ thể, khoa vẫn chưa xây xong cơ sở đào tạo", ông Dũng cho hay.

Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM, trường đã có đề án gửi Bộ Y tế từ một năm trước.

Theo đề án này, ĐH Y Dược TP.HCM sẽ phát triển từ mô hình "trường đại học" thành "đại học với các trường thành viên". Ông Tuấn cũng giải thích đề án này đã có từ lâu nhưng đến nay chưa thực hiện được do vướng một số quy định hiện hành của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Theo luật, để phát triển thành đại học, cơ sở giáo dục phải có trường thành viên. Việc phát triển từ khoa thành trường thành viên cần có 3 chương trình đào tạo. Trong khi hiện nay, các khoa lớn của trường như Y, Dược, Răng - Hàm - Mặt và Y học cổ truyền chỉ có một chương trình đào tạo. Chỉ có 2 khoa đủ điều kiện phát triển thành trường thành viên gồm Y tế Công cộng và Điều dưỡng Kỹ thuật Y học.

Giữ hay đổi tên ĐH Y Dược TP.HCM?

Nhiều ý kiến cho rằng việc tái cấu trúc, nâng cấp một trường đại học thành đại học và đổi tên là hai vấn đề khác nhau. ĐH Y Dược TP.HCM và Bộ Y tế vẫn có thể nâng cấp trường mà không phải "thay tên đổi họ".

Theo GS Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, với một ngôi trường gần 100 năm tuổi như ĐH Y Dược TP.HCM, cái tên không đơn giản chỉ là biển hiệu, mà đã trở thành thương hiệu và một phần của lịch sử nhà trường.

"Việc đổi tên một ngôi trường, dù hiểu rằng là tái cấu trúc, phát triển lên tầm cao mới, luôn có mặt tốt và xấu. Do đó, những người phản đối việc đổi tên trường cũng có cái lý của họ. ĐH Y Dược TP.HCM nên cân nhắc cái giá mình phải trả, bởi một cái tên tồn tại cả trăm năm thì không đơn thuần chỉ là cái tên nữa", ông Thêm nói.

Lấy trường hợp của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), GS Thêm cho rằng trải qua nhiều lần tách, gộp, thay tên đổi hiệu đã cắt nát lịch sử của một trường đại học lớn.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng dù ĐH Y Dược TP.HCM phát triển thành đại học, cũng không nhất thiết phải "thay tên đổi họ".

"Về từ ngữ, các tên gọi được sử dụng từ lâu và quen thuộc với mọi người. Cách gọi mới là ĐH Sức khoẻ TP.HCM hay ĐH Khoa học Sức khỏe đều nghe rất lạ lẫm, nếu không nói là hơi buồn cười. Hơn nữa, về mặt ý nghĩa, các tên gọi hiện đã phản ánh được chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được định danh. ĐH Y Dược nghiên cứu, giảng dạy các khoa học về sức khoẻ là Y học và Dược học, như vậy là ổn", PGS Cổn nói.

Liên quan việc này, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ, Bộ Y tế, cho hay bộ này vẫn có phương án giữ nguyên tên trường. Việc có đổi tên hay không sẽ được cân nhắc cẩn trọng.

"ĐH Y Dược TP.HCM hiện nay hoạt động theo mô hình trường đại học, đang làm đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình ĐH Khoa học Sức khỏe. Tên gọi sẽ được cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ là ĐH Y Dược TP.HCM", ông Lợi nói.

Trường đại học khác đại học như thế nào?

Theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học (2018) có hiệu lực từ ngày 1/7, đại học và trường đại học là hai khái niệm khác nhau.

Cụ thể: “cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp quy định của pháp luật”.

Điều 14 của luật quy định cơ cấu tổ chức của đại học gồm: Hội đồng đại học; giám đốc đại học; phó giám đốc đại học; hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có).

Điều 15 quy định tổ chức của đại học gồm: Hội đồng trường đại học, hội đồng học viện; hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện; phó hiệu trưởng trường đại học, phó giám đốc học viện; hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác; trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có).

Tóm lại, có thể hiểu một  trường đại học bao gồm khoa, viện nghiên cứu, phân hiệu, còn đại học bao gồm nhiều trường đại học.

Hiện nay, cả nước có mô hình 2 đại học quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM) và các ĐH vùng (ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên).

Bộ Y tế lý giải nhiều cơ sở đào tạo sẽ thành ĐH Khoa học Sức khỏe

Sẽ có một số cơ sở đào tạo được chuyển thành ĐH Khoa học Sức khỏe theo chủ trương của Bộ Y tế nhằm tiến tới nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế.

Mỹ Linh

Bạn có thể quan tâm