Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nàng dâu quyết không chia vàng đính hôn

Ly hôn, chồng đòi chia ba cây vàng cha mẹ cho lúc đám hỏi, vợ bảo đó là tài sản cho riêng cô dâu vì khi đám hỏi hai người chưa đăng ký kết hôn.

Ngày 24/10, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp ly hôn giữa nguyên đơn là anh Nam và bị đơn là chị Hoa do chị có kháng cáo.

Xử sơ thẩm vào tháng 8/2017, TAND quận Ô Môn chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh Nam. Về tài sản chung, tòa cho rằng đôi bông tai là loại nữ trang phụ nữ cần phải có, đồng thời trọng lượng không lớn nên cần cho cô dâu hưởng hết.

Tòa chia đôi số vàng còn lại là 29 chỉ, mỗi người 14,5 chỉ, quy ra tiền là 49,3 triệu đồng. Tòa giao vàng cho chị Hoa và buộc chị trả cho anh Nam 49,3 triệu đồng. Không đồng ý, chị kháng cáo bản án về phần chia tài sản này.

Mâu thuẫn từ chuyện mẹ chồng mượn vàng cưới

Anh Nam kể anh và chị quen nhau từ năm 2014, sau quá trình tìm hiểu anh chị tiến tới hôn nhân, có đăng ký kết hôn vào năm 2016.

Thời gian đầu vợ chồng chung sống khá hạnh phúc. Khoảng một năm sau ngày kết hôn thì phát sinh mâu thuẫn, xuất phát từ việc mẹ của anh hỏi mượn vàng của vợ chồng nhưng chị không cho mượn. Chị có lời lẽ thiếu tôn trọng đối với gia đình anh. Chị còn bỏ về nhà cha mẹ sống, anh nhiều lần khuyên chị về nhưng chị không đồng ý. Từ đó, vợ chồng ly thân dẫn đến tình cảm không còn. Anh là người nộp đơn xin ly hôn.

Về tài sản chung, anh Nam cho rằng trong ngày lễ ăn hỏi, cha mẹ anh có cho vợ chồng anh ba cây vàng (30 chỉ) gồm một đôi bông tai một chỉ, còn lại là lắc, vòng, kiềng, dây chuyền. Anh yêu cầu chia đôi số tài sản này.

Chị Hoa lại nói mâu thuẫn vợ chồng là do mẹ chồng yêu cầu đưa vàng cưới để trả nợ cho anh Nam. Theo chị, nợ của anh có trước khi cưới nên anh phải tự chịu, mẹ chồng yêu cầu chị trả nợ chung cho anh là không hợp lý. Từ đó, chị không đồng ý đưa vàng cho mẹ chồng mượn nên dẫn đến mâu thuẫn giữa ba người. Chị cũng cho biết chồng mình mê trò chơi, không quan tâm đến vợ nên chị cảm thấy sống với anh không có hạnh phúc. Vì vậy, chị chấp nhận yêu cầu ly hôn với anh.

Chị này thừa nhận tại lễ hỏi cha mẹ chồng có cho ba cây vàng nhưng đó là tài sản riêng của chị vì tại thời điểm lễ hỏi, đại diện nhà trai nói số vàng đó là cho cô dâu. Hơn nữa, thời điểm làm lễ hỏi, chị và anh chưa đăng ký kết hôn nên về pháp luật hai người chưa phải là vợ chồng. Do vậy, số vàng có trước thời kỳ hôn nhân nên là tài sản riêng của chị.

khong chia vang dinh hon anh 1
Tòa tuyên án vụ ly hôn của anh Nam và chị Hoa vào chiều 24/10.

Vàng cưới là tài sản chung

Tại phiên tòa phúc thẩm, vị thẩm phán hỏi chị lấy gì chứng minh số vàng là tài sản riêng của chị, chị trả lời: “Đại diện họ nhà trai nói vàng cho cô dâu”.

Vị thẩm phán liền giải thích nếu không có đám hỏi, rồi đám cưới thì nhà trai có cho vàng hay không. Việc cho vàng này xuất phát từ việc anh chị sắp cưới, thành vợ chồng thì mới cho chứ không ai cho không cả.

Mặc dù lời nói “cho cô dâu” nhưng phong tục cho như vậy là để làm vốn. Mục tiêu cho là để có một khởi đầu cuộc sống vợ chồng tốt đẹp… Tuy nhiên, chị Hoa vẫn cho rằng không có thỏa thuận nào cho rằng đó là tài sản chung và khăng khăng khẳng định số vàng trên là tài sản riêng của mình.

HĐXX nhận định số vàng 30 chỉ mà gia đình chồng cho chị trong ngày lễ đính hôn nên được xem là tài sản chung của vợ chồng. Chị Hoa cho rằng đây là tài sản riêng của chị là không có cơ sở. Bởi lẽ theo phong tục, tập quán đã có từ trước đến nay, kể từ ngày làm lễ đính hôn trở về sau, mặc dù có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật hay chưa thì mặc nhiên cô dâu và chú rể được mọi người công nhận là vợ chồng.

Như vậy, kể từ đám hỏi, họ đã là vợ chồng nên tài sản tranh chấp mặc dù nói là cho cô dâu nhưng là tài sản cha mẹ cho chung hai vợ chồng để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình về sau. Cấp sơ thẩm xác định tài sản là tài sản chung của vợ chồng và chia đôi là có căn cứ, đúng quy định pháp luật… Do đó, kháng cáo của chị Hoa không có cơ sở để chấp nhận.

Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, anh Nam cũng đồng ý cho chị đôi bông tai một chỉ vàng trong khối tài sản chung của vợ chồng nên tòa ghi nhận. Còn lại 29 chỉ vàng, tòa phúc thẩm chia đôi và buộc chị phải có nghĩa vụ trả 14,5 chỉ vàng 24K loại vàng nữ trang.

Thẩm phán Nguyễn Văn Hải, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, cho biết ngoài vụ án này ông và các đồng nghiệp cũng đã từng xử nhiều vụ tương tự. Theo thẩm phán Hải, hầu hết ý kiến của các đồng nghiệp đều nhận định vàng cho cô dâu trong lễ đính hôn là tài sản chung của vợ chồng nên phải chia.

Cuối năm 2014, chị Mai nộp đơn ra TAND huyện Cần Đước (Long An) xin ly hôn chồng là anh Tâm. Theo chị, tài sản chung tổng cộng khoảng 58 triệu đồng, trong đó gồm vịt xiêm, thỏ, gà, cây kiểng, chiếc bình gỗ và đồ trang sức vàng của con trai chia mỗi bên một nửa.

Anh đồng ý ly hôn và yêu cầu tòa phải chia luôn cả nữ trang cưới vì cho rằng đây là tài sản chung của vợ chồng. Theo anh, nữ trang cưới gồm một đôi bông tai một chỉ vàng, một dây chuyền bốn chỉ vàng, một lắc tay ba chỉ vàng (tất cả đều là vàng 24K) và hai nhẫn cưới một chỉ vàng 18K. Hiện số vàng này chị đang giữ.

Năm 2015, sau khi xét xử, TAND huyện Cần Đước xác định hai bên thừa nhận về số nữ trang cưới và đó là tài sản chung nên chị phải trả lại cho chồng 3,5 chỉ vàng 24K và nửa chỉ vàng 18K.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

http://plo.vn/phap-luat/nang-dau-quyet-khong-chia-vang-dinh-hon-735704.html

Theo Nhẫn Nam/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm