Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nắng nóng: Coi chừng bệnh cảm lạnh ở trẻ

Nhiều cơ sở y tế, lượng bệnh nhân nhi tăng đến 40% do thời tiết quá nóng, nhất là ở các tỉnh miền Trung.

Viêm hô hấp tăng cao

Trong những ngày qua, số trẻ em phải nhập viện đã tăng lên rất nhiều. Có những bệnh viện, lượng bệnh nhân nhi tăng đến 40% do thời tiết quá nóng, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao khiến cho trẻ em gặp nhiều vấn đề sức khỏe như viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy.

Không ít trẻ do thời tiết nóng, chơi ở ngoài trời lúc nắng to có thể bị say nóng, say nắng. Vì thế, các bậc cha mẹ cần biết cách chăm sóc, quản lý trẻ để tránh cho trẻ bị ốm đau trong màu hè nắng nóng này.

Say nắng cũng thường hay gặp ở trẻ em, học sinh khi đi hay hoạt động một thời gian dài ở ngoài trời nắng mà không đội mũ nón để tia nắng mặt trời chiếu vào đầu, gáy và các phần hở trên cơ thể. Tia tử ngoại trong ánh nắng có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da (bỏng độ I) và say nắng.

Nếu bị say nắng nhẹ, các em sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, ù tai. Đôi khi bị buồn nôn hoặc nôn. Nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao hơn bình thường. Nếu bị say nắng nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn phản xạ, đôi khi có thể bị co giật.

Xử trí say nắng cần nhanh chóng đưa trẻ vào chỗ mát và thoáng khí, đồng thời nới rộng quần áo, dùng khăn thấm nước mát đắp vào người trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước, có thể cho uống thuốc hạ nhiệt nếu người tỉnh táo. Trường hợp trẻ không tỉnh, bạn cần nhanh chóng chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo thông tin từ phòng kế hoạch tổng hợp, trong số trẻ nhập viện, đáng quan tâm nhất là bệnh viêm đường hô hấp có nguyên nhân do trẻ bị nhiễm lạnh. Khi trẻ nóng, mồ hôi ra nhiều làm ướt áo, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người trẻ, mồ hôi sẽ bay hơi nhanh làm cho nhiệt độ giảm xuống, trẻ có thể nhiễm lạnh. Bên cạnh đó, việc bật nhiệt độ điều hòa nhiệt độ quá thấp trong phòng ngủ cũng gây cho trẻ bị nhiễm lạnh.

Trong điều kiện như vậy, trẻ rất dễ bị viêm họng cấp, viêm VA, viêm amidan, viêm phế quản, biến chứng viêm phổi với các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, ho, khó thở, sốt cao có thể bị co giật.

Vì vậy, để tránh cho trẻ bị viêm đường hô hấp trong thời tiết nóng, không nên bật quạt quá mạnh trực tiếp vào người trẻ; nếu trẻ nhỏ ra mồ hôi nhiều, dùng khăn bông lau khô cho trẻ, nhất là ở lưng; không để chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa phòng điều hòa nhiệt độ và bên ngoài (không nên để nhiệt độ chênh lệch quá 5 độ C); hạn chế cho trẻ uống nước đá, ăn kem, ăn thức ăn trực tiếp từ tủ lạnh. Cho trẻ ăn đủ chất, bổ sung vitamin và chất khoáng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Nếu trẻ sốt, cho trẻ uống nước oresol để bù nước và chất điện giải. Khi sốt trên 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc giảm sốt. Cần cho trẻ tới khám ở các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng và các biến chứng.

Thận trọng phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Trong các bệnh viêm não, nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề phải kể đến viêm não Nhật Bản. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 10 tuổi, gây nên các phản ứng như sốt cao và gây tổn thương hệ thần kinh.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết bệnh viêm não Nhật Bản chỉ có cách phòng ngừa duy nhất là tiêm phòng. Vì thế các bậc phụ huynh hãy cho trẻ đi tiêm phòng tiêm đầy đủ và đúng lịch vì nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Về triệu chứng của bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.

Về nguyên nhân tại nước ta, các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các loại khác mà ta chưa biết rõ...

Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus. Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta.

http://infonet.vn/nang-nong-coi-chung-benh-cam-lanh-o-tre-post165515.info

Theo Khánh Ngọc/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm