PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu cơ sở 2, ĐH Y Dược TP HCM cho biết, gần đây phòng khám tiếp nhận nhiều ca nhiễm trùng da: mụn nhọt, rôm sảy, chốc lây, viêm nang lông. Bên cạnh đó, các bệnh nổi mề đay do thời tiết hay nấm ngoài da, lang ben; mụn trứng cá cũng gia tăng với tình trạng bệnh khá nặng.
Theo BS Lê Ngọc Diệp, trời nóng bức gây ảnh hưởng xấu lên da, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, mồ hôi tiết ra nhiều hơn gây bít tắc lỗ chân lông; mặt khác hệ miễn dịch của da lại hoạt động kém hơn, khả năng bảo vệ da của cơ thể yếu đi. Với những điều kiện này, các loại vi khuẩn thường trú trên da có cơ hội hoạt động mạnh, gây ra các bệnh về da.
Rôm sảy: trẻ em rất dễ mắc bệnh rôm sảy, bởi da mỏng manh và việc điều tiết mồ hôi hạn chế. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện những hạt màu đỏ, lấm tấm như hạt kê ở các vùng cổ, ngực, mông, vùng cọ xát nhiều; có thể dày hoặc mỏng tùy mức độ bệnh; gây ngứa ngáy, châm chích, khó chịu.
Rôm sảy sẽ tự lặn đi khi thời tiết mát mẻ và vệ sinh cơ thể đúng cách. Tuy nhiên, nếu để bị bội nhiễm, rôm sảy có thể gây ra biến chứng. Khi đã bị rôm sảy, điều quan trọng là giữ cho cơ thể thoáng mát, sạch sẽ, hạn chế tiết mồ hôi và không được gãi. Gãi sẽ làm tăng nặng tình trạng bệnh và nhiễm trùng lan rộng hơn.
Nhọt: bệnh cũng thường xảy ra ở trẻ hơn do hệ miễn dịch hoạt động kém. Người bị mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh lý mạn tính (như tiểu đường) dễ bị nổi nhọt. Nhọt thuộc nhóm bệnh viêm da mủ.
Bệnh do tụ cầu vàng, gây viêm toàn bộ nang lông, lan ra cả tổ chức xung quanh, làm hoại tử cả một vùng biểu hiện thành “ngòi” gồm tế bào, xác bạch cầu. Nhọt thường nổi ở những vùng có lông, ẩm ướt, bí hơi như nách, vùng mu hay mông. Nhọt có thể có những diễn tiến nặng hơn khi mọc thành cụm, đinh râu (mọc trên vùng nguy hiểm như cằm, mép…).
Ban đầu nhọt có dấu hiệu sưng đỏ, tấy, đau, thậm chí gây sốt; sau đó tạo thành ngòi và hóa mủ. Người bệnh cần lưu ý, tuyệt đối không chích nặn nhọt trong giai đoạn sưng tấy vì có thể gây nên biến chứng nhiễm trùng máu. Nên đi khám ở cơ sở y tế để được điều trị và dẫn lưu mủ đúng cách, nhất là khi nhọt mọc thành cụm hoặc đinh râu.
Chốc lây là một bệnh khác thuộc nhóm viêm da mủ. Nguyên nhân thường được cho là do liên cầu; nhưng trên thực tế trong bệnh chốc, tụ cầu và liên cầu thường phối hợp với nhau. Trẻ em hay bị hơn người lớn. Bệnh rất dễ lây nên còn gọi là chốc lây. Người bị bệnh có thể lây cho người khác qua các đường tiếp xúc trực tiếp như sử dụng chung quần áo, khăn, drap, dao cạo râu, đồ cắt móng, nhíp... Nếu bị trầy xước, nên giữ gìn sạch sẽ và băng kín để tránh bị lây nhiễm.
Chốc lây thường xuất hiện ở đầu, cổ, mặt, các chi, từ đó lan ra các chỗ khác. Dấu hiệu ban đầu là một bóng nước nhỏ, trong, xung quanh có quầng viêm đỏ; dần dần thành mủ đục, giai đoạn này rất ngắn; sau đó đóng vảy tiết dịch vàng. Dưới lớp vảy là một lớp chợt đỏ, nông, không cộm, vì tổn thương trong bệnh chốc rất nông.
Ở trẻ em, chốc ở da đầu hình thành từng đám vảy vàng sẫm, dính bết tóc, dưới lớp vảy da đỏ, rỉ dịch. Khi chốc xuất hiện rải rác toàn thân, có thể kèm theo sốt biến chứng viêm cầu thận cấp, nề cẳng chân, mi mắt. Chốc thường có kèm thêm hạch ở vùng tương ứng.
Nấm da cũng khá phổ biến trong mùa này, do mồ hôi ra nhiều, không được vệ sinh đúng cách, tạo môi trường cho vi nấm phát triển. Bệnh biểu hiện với những nốt ban hình vòng trên da, đỏ và sưng quanh rìa, chính giữa là vùng da lành; hoặc những nốt ban vòng đỏ có vảy; gây ngứa ngáy, khó chịu. Tùy theo mức độ, bệnh được điều trị bằng thuốc thoa, xịt và uống. Giữ cho da luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát là cách tốt nhất để phòng bệnh.
Nấm da rất dễ lây lan và tái phát do vi nấm có ở khắp nơi trong môi trường và có thể lây theo nhiều đường: trực tiếp với người bệnh, tiếp xúc với động vật mang bệnh, tiếp xúc với đồ vật mà người nhiễm bệnh đã dùng. Nếu trong nhà có người bị bệnh, khả năng lây nhiễm cho người khác rất cao. Do vậy, lưu ý không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như quần áo, mền, gối…
Mụn trứng cá không thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng da, mụn trứng cá chịu tác động chủ yếu của hoạt động tăng tiết tuyến bã nhờn, nội tiết tố, theo kỳ kinh và vi khuẩn là một trong những tác nhân. Bệnh xảy ra quanh năm, song mùa nóng nhiều người mắc bệnh nhiều hơn, mức độ viêm nặng hơn. Để tránh cho bệnh tăng nặng, điều quan trọng là giữ sạch làn da bằng các sản phẩm phù hợp, uống nhiều nước và hạn chế thực phẩm có nhiều dầu mỡ.
Với các bệnh da mùa nóng, tốt nhất là nên phòng ngừa bằng cách luôn giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, khô ráo. Bạn cần lưu ý:
- Không nên chà xát quá mức khi tắm rửa hoặc sử dụng các loại sản phẩm có tính tẩy, sát khuẩn mạnh vì sẽ làm mất khả năng miễn dịch của da
- Chỉ nên sử dụng các loại sản phẩm có tính tẩy rửa nhẹ nhàng
- Thường xuyên thay quần áo, tránh mặc quần áo ôm sát, kín hơi, giữ cho cơ thể luôn thoáng mát, hạn chế tiết mồ hôi.
- Cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ chất, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng; đồng thời nhớ uống đủ nước.