Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng bắt đầu sớm.
Từ ngày 19/4 đến nay, các tỉnh Bắc và Trung Bộ xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày 36-39 độ C. Riêng một số tỉnh miền Trung có nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 41 độ C.
Trong đợt nắng nóng này, rất nhiều trạm ở Bắc và Trung Bộ có nhiệt độ cao nhất vượt mức từng quan trắc được trong tháng 4. Cụ thể, ngày 20/4, nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội là 38,9 độ C - đây là kỷ lục mới, cao nhất trong các tháng 4 của 100 năm qua, vượt mức 38,5 độ C vào tháng 4/1919.
Tình trạng này khiến số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ở các bệnh viện lớn tại Hà Nội gia tăng.
Bác sĩ khoa cấp cứu căng mình làm việc 24/24 giờ
Tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) Đại tá, bác sĩ Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa cấp cứu, cho hay trong khoảng 3-4 ngày gần đây, mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận 200-250 bệnh nhân. Đây là số lượng tăng đột biến so với thời gian trước khi ngày cao điểm nhất chỉ khoảng 150 ca.
Bác sĩ Tiến cho biết bệnh nhân vào viện chủ yếu do rối loạn điện giải, rối loạn tiêu hóa, sốc nhiệt, đột quỵ,… Đa phần đều có liên quan tới yếu tố nắng nóng. Do đó, nếu thời tiết tiếp tục gia tăng nắng nóng, số bệnh nhân sẽ còn tăng.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày các bác sĩ tiếp đón 4.000-4.500 trẻ tới khám.
BS Đào Việt Phương thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MT. |
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 phải làm việc suốt 24/24 bởi tình trạng bệnh nhân gia tăng trong những ngày gần đây.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi có tới vài chục ca đột quỵ vào cấp cứu. Số lượng bệnh nhân nặng tăng vọt khiến các bác sĩ phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối. Điện thoại mở 24/24 giờ để liên tục hội chẩn tìm cách cứu bệnh nhân”.
PGS Chi cảnh báo thời tiết quá nóng, quá lạnh hoặc điều kiện khắc nghiệt khác làm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ phát huy, tác động mạnh mẽ đến người bệnh, khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn.
TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết thời tiết nắng nóng khiến số lượng bệnh nhân khám tăng rõ rệt. Trước kia, mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận khoảng 800-1.000 bệnh nhân, hiện nay số lượng bệnh nhân khám mắt tăng lên khoảng 1.600 người. Thậm chí, ngày cao điểm, các bác sĩ tại đây khám chữa bệnh cho gần 3.000 người/ngày. Căn bệnh phổ biến là đau mắt đỏ, viêm kết mạc dị ứng, đặc biệt viêm kết mạc do virus dễ gia tăng bởi mùa hè là thời điểm nhiều dịch bệnh về virus bùng phát.
TS Hoàng Cương cho biết số bệnh nhân đến khám đang gia tăng. Ảnh: BVCC. |
Cẩn trọng dịch bệnh bùng phát
Các chuyên gia cảnh báo mùa hè, thời tiết nắng nóng là thời điểm dễ bùng phát nhiều dịch bệnh.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết có 10 loại bệnh truyền nhiễm dễ gia tăng và lây lan trong thời tiết nắng nóng gồm cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, thủy đậu, adeno virus, lỵ amip, rubella, viêm não virus. Trong đó, người dân cần đặc biệt chú ý tới dịch sởi.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thông tin nếu trong tháng 3 và đầu tháng 4, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội dao động từ 70 đến 80 ca/tuần, từ 15-21/4, số ca mắc sởi đã tăng cao, ở mức 123 trường hợp. Tính chung từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 928 ca mắc sởi, gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018 và vẫn có xu hướng gia tăng hơn.
Nhiều loại bệnh dịch đang bùng phát trong mùa hè đều đã có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo từ chối tiêm chủng là hiện tượng nguy hiểm được ghi nhận trong thời gian gần đây ở nước ta. Hệ quả của hiện tượng làm hàng rào miễn dịch sẽ bị phá vỡ. Khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan rộng. Khi đó, tất cả người chưa miễn dịch đều có thể mắc bệnh, bất kể những người “sống thuận theo tự nhiên” hay không.
Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, đang mắc bệnh nặng, trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, chống chỉ định tiêm vắc xin…) dễ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Ngoài ra, những bệnh dịch đã khống chế, loại trừ, có thể quay trở lại.
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần lưu ý tiêm chủng đúng hẹn, đủ mũi để có thể phòng bệnh, hạn chế tình trạng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.