Nắng nóng thiêu đốt châu Âu gây cháy rừng, lò hạt nhân đóng cửa
Chủ nhật, 5/8/2018 16:17 (GMT+7)
16:17 5/8/2018
Nắng nóng kinh hoàng tại châu Âu những ngày cuối tuần khiến ít nhất 3 người thiệt mạng ở Tây Ban Nha, gây cháy rừng ở Bồ Đào Nha, trong khi Pháp phải đóng cửa 4 nhà máy hạt nhân.
Dưới ảnh hưởng của khối khí nóng châu Phi từ phía nam, khu vực bán đảo Iberian (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) dự kiến sẽ đạt mức nhiệt kỷ lục 48 độ C. Chính phủ Bồ Đào Nha đã phát cảnh báo nhiệt độ tại nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Lisbon. Người dân đổ ra các bãi biển để tránh nóng. Ảnh: AP.
Đợt nắng nóng trùng với kỳ nghỉ hè của người dân châu Âu. Chính phủ các nước cảnh báo khách du lịch cần tránh ra đường trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Cơ quan dự báo thời tiết Tây Ban Nha đã phát "báo động đỏ" ở khu vực Tây Nam đất nước, bao gồm 2 vùng Extremadura và Andalucia. Các vùng khác của xứ sở bò tót đều nằm trong mức báo động vàng và cam. Ảnh: Getty.
Chính quyền Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng cảnh báo người dân giữ sức khỏe. Người già và trẻ em cần cảnh giác trước các dấu hiệu sốc nhiệt. Bộ Y tế Tây Ban Nha đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do nắng nóng. Ngày 3/8, một người đàn ông trung niên ở Barcelona được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch vì sốc nhiệt và tử vong sau đó. Ảnh: AP.
Trước đó 2 ngày, một công dân Tây Ban Nha, 41 tuổi, ngã gục khi đang làm việc trên đường cao tốc gần vùng Murcia, phía Đông Nam nước này. Một cụ ông 78 tuổi cũng được phát hiện bất tỉnh trong vườn nhà vào ngày 2/8 do sốc nhiệt. Cả 2 đều đã tử vong dù được đưa khẩn cấp đến bệnh viện. Ảnh: AP.
Các chuyên gia thời tiết của Anh dự báo nhiệt độ ở bán đảo Iberian có khả năng phá kỷ lục 48 độ C. Cột mốc này từng được ghi nhận ở thành phố Athens, Hy Lạp, vào năm 1977. Ngưỡng nhiệt kỷ lục ở Tâu Ban Nha là 47,3 độ C còn ở Bồ Đào Nha là 47,4 độ C, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới. Ảnh: AP.
Nắng nóng và khô hạn kéo dài dẫn đến cháy rừng ở miền Nam Bồ Đào Nha. Ngày 4/8, hơn 740 lính cứu hỏa và 10 trực thăng đã được điều động đến vùng Monchique. Chính quyền địa phương phải gửi tin nhắn cảnh báo đến từng người dân về mối đe dọa cháy rừng, yêu cầu sơ tán 2 ngôi làng để đảm bảo an toàn. Ảnh: Shutterstock.
Vùng Nerva, miền Nam Tây Ban Nha, cũng xảy ra cháy rừng vào ngày 3 và 4/8. Quân đội phải vào cuộc, hỗ trợ lực lượng cứu hỏa để khống chế đám cháy. Các đám cháy nhỏ hơn cũng xuất hiện rải rác ở vùng Madrid, khiến 6 căn nhà bị thiêu rụi và 2 người bị thương. Ảnh: Shutterstock.
Trong khi đó, thời tiết nóng làm tan chảy sông băng trên dãy núi Kebnekaise, Thụy Điển. Từ ngày 2 - 31/7, điểm cao nhất Thụy Điển giảm 4 m với lượng băng tan trung bình 14 cm/ngày. Nhiều vùng ở Thụy Điển trải qua 2 tháng khô hạn nhất lịch sử. Lượng mưa một số nơi chỉ bằng 10-15% cùng kỳ hàng năm. Ảnh: Đại học Stockholm.
Ảnh chụp từ vệ tinh Copernicus cho thấy đợt nắng nóng thiêu đốt mùa hè 2018 làm biến đổi thảm thực vật châu Âu giữa tháng 6 và tháng 7. Nhiệt độ tăng đột biến buộc chính phủ Pháp ngày 4/8 phải tạm ngưng hoạt động 4 lò phản ứng tại 3 nhà máy điện hạt nhân của nước này, theo Reuters. Ảnh: ESA.
Đợt hạn hán tồi tệ không chỉ khiến nông dân Australia mất vụ mùa mà còn phải chật vật tìm cách nuôi sống gia súc. Nhiều người lo lắng khi vẫn chưa có dấu hiệu của những trận mưa.
Các chuyên gia cảnh báo thời tiết tại khu vực Tây Nam châu Âu sẽ vô cùng nóng trong cuối tuần này, đặc biệt khu vực bán đảo Iberian có thể xô đổ kỷ lục 48 độ C của lục địa già.