Đầu hè, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, luôn tấp nập người ra vào. Đặc biệt, bác sĩ Ngô Anh Vinh cho biết trong những ngày đầu nắng nóng, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 4-5 ca viêm não, thậm chí có những ngày còn nhiều hơn.
Cẩn trọng với viêm não
Cháu T.V.H. (4 tuổi, ở Hải Phòng) là một trong số những bệnh nhi đang được điều trị viêm não tại viện. Theo chia sẻ của gia đình, ban đầu H. có biểu hiện sốt, lòng bàn tay, bàn chân nóng ran, sau đó mắt lờ đờ và dần lả đi.
Khi đi khám ở địa phương, các bác sĩ chẩn đoán là sốt virus, nhưng sau một tuần điều trị không khỏi, gia đình đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Qua các xét nghiệm và hình ảnh chụp chiếu, các bác sĩ khẳng định H. mắc bệnh viêm não và phải nhập viện điều trị.
Còn Đ.M.Q. (3 tuổi) vừa được chuyển lên khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi Trung ương) với biểu hiện liên tục quấy khóc, sốt cao, mất ý thức…
Mẹ bệnh nhân Q. chia sẻ biểu hiện này của cháu đã xảy ra cách đây một tháng, nhưng khi đưa đến bệnh viện địa phương và điều trị theo phác đồ ở đây không khỏi. Khi cháu Q. ở trong tình trạng nặng, không tỉnh táo gia đình mới quyết định đưa ra bệnh viện nhi cấp cứu.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh cho biết trường hợp bệnh nhi này với các biểu hiện lâm sàng không loại trừ khả năng mắc viêm não. “Để có kết luận cuối cùng, chúng tôi phải làm chụp não, thậm chí là chọc dịch não tủy, sau đó mới khẳng định cháu có mắc viêm não hay không”, bác sĩ Vinh thông tin.
Đối với những bệnh nhi khi vào viện được chẩn đoán mắc bệnh viêm não, các bác sĩ sẽ nhanh chóng điều trị cho trẻ, nhằm tránh được những di chứng về thần kinh có thể xảy ra.
Do đó, người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Nắng nóng nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho. Ảnh: HQ. |
Quá tải vì nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính
Không chỉ viêm não, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Pháp - Hà Nội cũng cho thấy số lượng bệnh nhi tới khám tăng vọt, thậm chí quá tải.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội, cho hay nguyên nhân là nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho, chuyển biến nặng hơn là viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi ngay trong thời tiết nắng nóng. Mùa hè đến, nhiều trẻ được nghỉ học, về quê hay đi du lịch. Việc thay đổi môi trường làm gia tăng khả năng tiếp xúc với các loại vi khuẩn khác nhau.
Bên cạnh đó, việc nằm trong môi trường điều hòa cũng là một nguy cơ. “Nguyên tắc hoạt động của điều hòa là nén độ ẩm trong không khí, khi nằm trong phòng có điều hòa, màng nhầy tại mũi thường bị khô. Màng nhầy lại là cơ quan bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus, vi khuẩn. Đó là lý do khi sử dụng điều hòa thường xuyên, trẻ hay bị cảm. Để đối phó với tình trạng không khí khô do điều hòa nhiều gia đình để chậu nước hoặc sử dụng quạt phun sương nhưng chính lớp không khí ẩm này lại là môi trường thích hợp để virus, vi khuẩn sinh sôi”, bác sĩ Đức lưu ý.
Do đó, bác sĩ Đức khuyến nghị để phòng bệnh cảm ho mùa hè cho trẻ, cha mẹ nên :
- Lắp điều hòa cần phải có quạt thông gió để tốc độ gió luân chuyển tốt. Nhiệt độ trong phòng điều hòa để không cách biệt quá 7 độ C đối với nhiệt độ ngoài trời.
- Chỉ nên cho trẻ trong phòng điều hòa 3-4 tiếng. Khi đang đi ngoài đường nắng nóng không nên bật ngay điều hòa mà cần phải lau mồ hôi trước để tránh nhiễm lạnh đột ngột. Nên tắt điều hòa 15-20 phút trước khi cho trẻ ra khỏi phòng.
- Về khuya hoặc gần sáng thường lạnh cha mẹ đắp cho trẻ một khăn mỏng lên bụng hoặc có thể tắt quạt.
- Thường xuyên cho trẻ uống nước để vừa giảm nóng vừa bù lượng nước bị mất do tiết mồ hôi, uống thêm nước trái cây tươi để bổ sung vitamin, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Khi tắm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi nên dùng nước ấm, nhất là vào buổi tối. Trẻ đi biển, đi bơi chỉ nên ngâm mình dưới nước 30 phút, lâu nhất là tới một tiếng.