Nathan Lee bức xúc vì siêu mẫu
Tôi là người cầu toàn và không thể thừa nhận sự thành công của chương trình vừa qua. Đã có rất nhiều thứ không làm được, và kết quả chung cuộc đã không có sức thuyết phục đối với tất cả mọi người.
- Có nhà báo đã cho rằng, tư cách và hiệu quả vai trò của cá nhân anh đối với cuộc thi và các thí sinh là "khó hiểu". Anh nghĩ thế nào về nhận xét này?
- "Khó hiểu" đôi khi chỉ có nghĩa là "chưa hiểu" mà thôi...
- Tham gia cuộc thi Siêu Mẫu Việt Nam 2009 ở rất nhiều vai trò: vừa là thành viên ban tổ chức, thành viên ban giám khảo, và cũng là chuyên gia huấn luyện cho các thí sinh, anh có cho rằng việc một cá nhân thực hiện quá nhiều vai trò như vậy đồng nghĩa với việc tổ chức thực hiện kém chuyên nghiệp và tùy tiện?
- Như khá nhiều cuộc thi thực hiện theo format của một chương trình truyền hình thực tế, việc nhà sản xuất chương trình, kiêm luôn người dẫn dắt chương trình, giám khảo, và huấn luyện chuyên môn là chuyện rất phổ biến. Lí do là chính trong quá trình huấn luyện, giám khảo cuộc thi có thể theo sát các thí sinh và đánh giá diễn tiến cải thiện - phát triển kỹ năng chuyên môn của họ hơn là thuần túy đánh giá thí sinh qua hiệu quả chung cuộc ở đêm diễn chính thức.
Theo dự kiến ban đầu, những hình ảnh chi tiết hơn về quá trình tập luyện cũng sẽ được phát sóng công khai đến từng chi tiết thực tế nhất, "đời thường" nhất của các thí sinh để khán giả theo dõi và đánh giá. Vì chính họ cũng là các vị giám khảo. Thiện cảm mà thí sinh tạo ra được trước công chúng qua quá trình này cũng được đánh giá như một tư chất chuyên môn vô cùng quan trọng.
Đáng tiếc là lần thực hiện reality show này đã không có đủ thời lượng phát sóng để chuyển tải tính "thực tế" đúng nghĩa nhất của một reality show. Thiết nghĩ, giá như hình ảnh ghi lại của quá trình tập luyện có đủ thời lượng để phát sóng thì những việc "khó hiểu" của bài viết mà bạn vừa đề cập tới sẽ trở nên dễ hiểu hơn chăng? Đặc biệt là với các thông tin về việc tôi "la hét mắng mỏ" các thí sinh như thế nào.
- Vậy anh có thật sự "la hét mắng mỏ" các thí sinh như đã phản ảnh?
- Đương nhiên là tôi la hét, la đến khản cả giọng, la hét đến mức những ngày ấy tôi không thể đến phòng thu để thực hiện những công đoạn cuối cho album của tôi. Và việc người huấn luyện hay đạo diễn la hét khi tập luyện với người mẫu là chuyện đã không lạ gì đối với môi trường người mẫu chuyên nghiệp.
Ngành thời trang và công việc của các người mẫu hoàn toàn không phải là một cuộc chơi hào nhoáng như người ngoài vẫn nghĩ. Áp lực căng thẳng của một chương trình cũng là một thử thách cho không chỉ thí sinh mà cả người huấn luyện, đạo diễn và nhà tổ chức. Người ngoài khi chứng kiến một buổi tập thật sự của người mẫu sẽ thấy một khung cảnh hoàn toàn khác với sự lộng lẫy của một đêm diễn. Nhưng còn việc tôi có "mắng mỏ" các thí sinh hay không và "mắng mỏ" ra sao thì có lẽ chính các thí sinh của cuộc thi sẽ có nhận định riêng của họ.
Nathan Lee và Amanda Scott trong vai trò là đồng giám khảo kiêm huấn luyện viên, trực tiếp hướng dẫn phong cách trình diễn cho 25 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi (Ảnh: Pro K) |
- Cũng có thông tin cho rằng anh "buộc" các thí sinh phải diễn áo dài theo một phong cách "quái lạ"?
- Từ "quái lạ" chính là từ mà tôi phải thốt lên sau khi đọc xong "lời cáo buộc" khá quái lạ này. Là người làm việc trong lãnh vực nghệ thuật, tôi đặc biệt xem trọng tính sáng tạo trong sự thể hiện, dẫu là trên sân khấu hay trên mặt báo. Nhưng sáng tạo trên sân khấu phải được dựa trên cái đẹp, cũng như sáng tạo trên mặt báo phải được dựa trên sự thật. Sáng tạo sẽ không là cường điệu hay sáng tác.
Vào buổi tập dượt cho phần trang phục áo dài, chính tôi và đồng sự Amanda Scott đã không ngừng lặp lại các lưu ý dành cho thí sinh về ý thức tôn trọng dành cho quốc phục. Tuy trưởng thành tại nước ngoài, tôi tin rằng mình sử dụng ngôn ngữ, kiến thức cũng như ý thức về văn hóa quốc gia như bất cứ một công dân nào khác sinh sống tại Việt Nam. Trong buổi tập này, tôi vẫn luôn khuyến khích sự sáng tạo trong phong cách trình diễn của thí sinh.
Bởi lẽ trong chính sự tồn tại và sức thuyết phục của áo dài đã hàm chứa ý nghĩa đó. Bản thân chiếc áo dài cũng là một trang phục mà tự thân nó đã biến đổi theo từng thời kỳ lịch sử để có thể xứng đáng là biểu tượng đại diện cho văn hóa quốc gia ở mọi thời đại. Chiếc áo dài gọi là "cổ điển" mà chúng ta có ngày nay đã được phát triển rất nhiều kể từ hình thức đầu tiên của nó.
Lee trong một lần trực tiếp huấn luyện thí sinh trình diễn. Anh cho biết, tất cả các thí sinh dự thi đều được đào tạo bài bản về phong cách trình diễn catwalk (Ảnh: Pro K) |
Nếu xã hội phong kiến có mớ ba mớ bảy, những năm chịu ảnh hưởng Âu hóa có Le Mur, thập niên 70 có áo dài hippy, thì hãy để hình ảnh chiếc áo dài của thế kỷ XXI được quyền biến hóa để tiếp tục tồn tại, hơn là mỏi mòn vin vào hình ảnh của tiêu chuẩn quá vãng và kết thúc ở một viện bảo tàng. Thiết nghĩ, mọi sáng tạo nên được dựa trên một nền tảng hiểu biết, hơn là thủ cựu một cách ầm ĩ và khoa trương.
Ngoài ra, tôi thẳng thắn phủ nhận việc mình đã áp đặt các thí sinh diễn theo một phong cách nhất định nào đó. Sự gợi ý, dẫn dắt của người huấn luyện chỉ mang tính định hướng và gợi mở, phần còn lại, chúng tôi phải mở rộng cho sự sáng tạo cá nhân của các em, dựa trên đó mà đánh giá hiệu quả của sự sáng tạo ấy.
Đây cũng thuộc về phạm trù kiến thức cơ bản nhất về công việc của một giám khảo. Nếu vị giám khảo - kiêm huấn luyện ấy can thiệp quá nhiều vào tư chất thể hiện riêng của người mẫu thì anh ta chỉ nên cho điểm chính mình. Bản thân tôi cũng đã thẳng thắn góp ý với một số phong cách thể hiện quá đà của các em đêm hôm ấy, do các bạn đã thiếu độ tiết chế hài hòa giữa dấu ấn cá nhân và tính chất của bộ trang phục - quốc phục mặc trên người.
Cũng phải lưu ý thêm rằng vào hôm tập dượt chuẩn bị cho kỹ năng trình diễn áo dài ấy, rất nhiều thí sinh đã vắng mặt vì sự việc xảy ra cùng thời điểm với Festival biển tại Nha Trang và đa số các em phải tham dự sự kiện lớn này. Chắc có lẽ phóng viên của bài viết trên, do không phải là người trực tiếp có mặt để đánh giá vấn đề, nên đã bỏ sót nhiều chi tiết về kiến thức và sự kiện đến vậy chăng?
- Ngoài các giải tỏa về tính khó hiểu của hậu đài sự kiện Siêu mẫu Việt Nam 2009 nói trên, anh có nhận xét gì về hiệu quả của chương trình thực tế và kết quả chung cuộc gây khá nhiều tranh cãi của Siêu Mẫu Việt Nam 2009?
- Một số bài viết xung quanh sự kiện Siêu mẫu 2009 thường lấy chương trình thực tế America"s Next Top Model ra làm chuẩn mực để so sánh. Bản thân ban tổ chức, khi cùng quyết định chọn format truyền hình thực tế cho cuộc thi năm nay cũng dựa trên phiên bản nổi tiếng này để xây dựng chương trình. Nhưng hẳn nhiên trên thực tế, quy mô và thời lượng của Siêu Mẫu Việt Nam 2009 đã không thể đáp ứng được tính thực tế và những yêu cầu cũng rất thực tế mà một chương trình như vậy đòi hỏi.
Nathan Lee và Amanda Scott (Ảnh: Pro K) |
Cá nhân tôi cũng rất căng thẳng và bức xúc khi hiệu quả cuối cùng đã rất xa rời với hình dung dự kiến ban đầu. Trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi, đã có rất nhiều phân đoạn thực tế vô cùng thú vị bị bỏ qua.
Còn về kết quả chung cuộc, tôi chân thành mừng cho các em đoạt giải, nhưng vẫn khẳng định rằng yếu tố bất ngờ trong mọi cuộc thi là điều… không có gì đáng bất ngờ cả. Cái "được" của mọi mục tiêu đều luôn là quá trình và con đường đi đến mục tiêu đó. Ở tư cách một người trong nghề, tôi hoàn toàn lạc quan về sự thành công trong tương lai của không ít thí sinh không đoạt giải của chương trình này.
- Vậy, anh cho rằng Siêu Mẫu Việt Nam 2009 đã là một chương trình thành công và kết thúc tốt đẹp?
- Tôi là người cầu toàn và không thể thừa nhận sự thành công của chương trình vừa qua. Đã có rất nhiều thứ không làm được, và kết quả chung cuộc đã không có sức thuyết phục đối với tất cả mọi người. Dẫu sao, cuộc thi đã khép lại. Và theo tôi, đây mới chỉ là bắt đầu cho phần thi khó nhất dành cho mỗi thí sinh, đó là đối diện với thực tế bên lề catwalk.
Theo Công An Nhân Dân