Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nên bỏ yêu cầu xét nghiệm với người đi từ TP.HCM đến Hà Nội

Theo chuyên gia, việc xét nghiệm ở thời điểm này chỉ nên áp dụng với người chưa tiêm vaccine và trở về từ vùng cấp độ 3, 4 hoặc liên quan ổ dịch.

Theo quy định hiện hành của Bộ Giao thông Vận tải đối với đường bay nội địa, tất cả trường hợp đi từ địa bàn có dịch cấp 4, vùng phong tỏa hoặc xuất phát tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có giá trị trong vòng 72 giờ.

bo xet nghiem nguoi di tu TP.HCM den Ha Noi anh 1

Người dân được hỗ trợ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Chí Hùng.

Trên cơ sở đó, người từ TP.HCM về Hà Nội được yêu cầu phải xét nghiệm trước khi khởi hành. Quy định này được đưa ra nhằm giúp Hà Nội cũng như các địa phương đảm bảo tránh để ca nhiễm xâm nhập. Tuy nhiên, chuyên gia y tế cho rằng quy định này cần sớm được thay đổi trong thời gian tới.

Chỉ xét nghiệm với trường hợp thực sự cần thiết

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội trong thời gian gần đây, số lượng F0 ở Hà Nội liên tiếp tăng nhanh. Trái ngược với hồi đầu tháng 11, từ sau ngày 15/11, số ca nhiễm ở thủ đô liên tục ở ngưỡng trên 100 ca. Số ca nhiễm trong ngày cao nhất tại Hà Nội lên tới 628 trường hợp (4/12).

bo xet nghiem nguoi di tu TP.HCM den Ha Noi anh 2

Số ca nhiễm tại Hà Nội ở ngưỡng cao trong thời gian qua. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 13.172 ca mắc Covid-19. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 5.212 ca.

So sánh với TP.HCM hay một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam, chúng ta có thể thấy số ca mắc Covid-19 cũng như tình hình dịch tại thủ đô không chênh lệch quá lớn.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, đánh giá: “Bên cạnh sự chênh lệch không nhiều về tình hình dịch giữa các địa phương, thực tế cũng cho thấy các ca nhiễm mới tại Hà Nội do xâm nhập từ bên ngoài vẫn xuất hiện khi chúng ta mở cửa, thích ứng với SARS-CoV-2. Do đó, giá trị của việc kiểm soát người đi lại thông qua xét nghiệm là không nhiều”.

Theo vị chuyên gia này, việc xét nghiệm không thể loại trừ toàn bộ người nhiễm virus khi hạn chế của test nhanh là vẫn cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm âm tính còn có thể dẫn tới tâm lý chủ quan ở một số người dân.

bo xet nghiem nguoi di tu TP.HCM den Ha Noi anh 3

Người dân tại TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

“Tất nhiên, người dân vẫn phải tự nâng cao ý thức của mình. Người có triệu chứng hoặc liên quan người mắc Covid-19 không nên di chuyển bằng các phương tiện công cộng cũng như tới địa phương khác. Bản thân người về Hà Nội từ TP.HCM hiện cũng được yêu cầu cầu tự theo dõi sức khỏe và tuân thủ quy định phòng dịch trong quá trình di chuyển”, ông Hùng nói thêm.

Ngoài tính hiệu quả không cao, việc yêu cầu xét nghiệm còn làm tăng chi phí cho doanh nghiệp cũng như người dân. Không những vậy, nguy cơ lây nhiễm virus tại những điểm lấy mẫu xét nghiệm là khá lớn.

PGS Hùng kết luận: “Chúng ta đã loại bỏ được xét nghiệm diện rộng và thay thế bằng bao phủ vaccine cho phần lớn người dân trong thời gian qua. Bây giờ cũng là thời điểm để bỏ xét nghiệm với người đi lại giữa các địa phương. Việc xét nghiệm chỉ nên áp dụng với người chưa được tiêm vaccine về, đến từ vùng dịch cấp độ 3, 4 hoặc trường hợp liên quan ổ dịch khi điều tra khống chế chùm lây nhiễm”.

Diễn biến dịch tại Hà Nội không quá đáng lo

Nhận định về việc Hà Nội liên tiếp vượt kỷ lục số ca nhiễm nCoV trong thời gian gần đây, PGS Nguyễn Việt Hùng cho rằng điều này đã nằm trong dự báo, người dân không nên quá lo lắng.

“Khi chúng ta mở cửa, cho phép người dân giao lưu, đi lại giữa các vùng miền, việc ca nhiễm xâm nhập vào thành phố, người dân tiếp xúc và lây lan virus là khó tránh khỏi. Dù người dân tuân thủ các quy định về phòng dịch, khi vào nhà hàng ăn, uống cũng buộc phải bỏ khẩu trang”, vị chuyên gia giải thích.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng có 2 yếu tố khiến người dân Hà Nội, hay cả các tỉnh, thành phố có số ca nhiễm nCoV tăng cao, không cần quá lo lắng.

bo xet nghiem nguoi di tu TP.HCM den Ha Noi anh 4

Một khu vực tại Hà Nội được phong tỏa sau khi phát hiện ca nhiễm nCoV. Ảnh: Thạch Thảo.

Đầu tiên, điều quan trọng nhất với Việt Nam hiện nay khi thích ứng an toàn với dịch là không để xảy ra tình trạng quá tải hệ thống y tế. Thực tế cho thấy hiện nay, đa số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đều có diễn biến nhẹ, thậm chí không xuất hiện triệu chứng. Điều này phần nào đã chứng tỏ được hiệu quả của vaccine đối với cộng đồng.

Thứ 2, Hà Nội đã giải quyết được các trường hợp diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng có thể tự theo dõi tại nhà, không cần vào cơ sở y tế điều trị. Điều này trực tiếp giúp thành phố hạn chế nguy cơ quá tải, từ đó cũng giảm tỷ lệ tử vong.

Mặc dù vậy, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định chúng ta không được phép chủ quan và vẫn cần lưu ý một số vấn đề trong thời gian tới.

“Một là thành phố cần củng cố hệ thống điều trị tại nhà. Hệ thống này phải rất hoàn chỉnh mới có thể giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất. Trong đó, y tế cơ sở cần xem xét kỹ lưỡng điều kiện cách ly tại nhà”, ông Hùng cho biết.

bo xet nghiem nguoi di tu TP.HCM den Ha Noi anh 5

Diễn tập tại một trạm y tế lưu động trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Văn Phong.

Vấn đề thứ 2 là đảm bảo người dân nắm được quy định của ngành y tế, đủ điều kiện, phương tiện theo dõi sức khỏe hay không, có gia đình, người thân hỗ trợ chưa.

Ba là trong trường hợp bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, thành phố cần có phương án tư vấn nhanh chóng, đẩy mạnh công tác hỗ trợ từ xa.

Ông Hùng nói: “Không phải cách ly, điều trị tại nhà là chúng ta để bệnh nhân Covid-19 tự lo. Ngành y tế phải hỗ trợ với hệ thống thông tin thuận lợi cho người dân tiếp cận. Vai trò của y tế địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, trung tâm tư vấn điều trị từ xa... cần được nâng cao hơn nữa”.

Theo vị chuyên gia này, một số F0 có triệu chứng nhẹ ban đầu hoàn toàn có thể diễn biến nặng hơn với tốc độ rất nhanh. Những trường hợp này nếu không được tiếp cận y tế sớm hoàn toàn có nguy cơ tử vong.

Cuối cùng, hệ thống chính quyền, y tế cơ sở cần tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu người dân tuân thủ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

“Nếu đảm bảo được những yếu tố kể trên, số lượng người nhiễm nCoV tăng cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới cộng đồng cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân”, PGS Hùng kết luận.


Số ca nhiễm mới tại Hà Nội giảm sau 10 ngày

Sau 9 ngày liên tiếp tăng số ca nhiễm nCoV mới, Hà Nội đã ghi nhận dấu hiệu tích cực trong biểu đồ theo dõi F0.

Hà Nội ghi nhận thêm 628 ca mắc Covid-19

Hơn 53% số ca mắc Covid-19 mới ghi nhận tại Hà Nội là các trường hợp trong khu cách ly. Số lượng còn lại là F0 cộng đồng và vùng phong tỏa.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm