Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nên cân nhắc xét xử lưu động bảo mẫu đánh trẻ

Nói về việc xét xử lưu động bảo mẫu đánh trẻ, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa cho rằng phải lường hết các tác động nhiều chiều của biện pháp này.

Tại buổi Giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ tổ chức, sáng 31/12, Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý như Luật đất đai sửa đổi, án tử hình, án oan hay vụ băng chặt tay cướp xe SH ở Sài Gòn...

Liên quan đến vụ hai bảo mẫu ở một nhà trẻ tư nhân ở quận Thủ Đức (TP.HCM) hành hạ trẻ em mới được phanh phui, ông Trương Văn Thống - Bí thư Quận ủy Thủ Đức từng nói sẽ cho xét xử lưu động. Dự kiến vụ án sẽ tổ chức tại Trung tâm Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức.

Hình ảnh bảo mẫu đánh trẻ tại quận Thủ Đức.
Tuy nhiên, tại buổi giao lưu, một độc giả chia sẻ: "Nếu bình tâm suy nghĩ, việc đưa ra xét xử hai cô bảo mẫu lưu động như vậy, theo một nghĩa nào đó thì những người thay mặt chính quyền đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời họ. Làm sao họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới trong khi bản chất vấn đề là do nhận thức kém".

Nói về vấn đề này, luật sư Nghĩa đồng ý phải hạn chế và cân nhắc kỹ khi quyết định xét xử lưu động. Ông cho rằng phải lường hết các tác động nhiều chiều của biện pháp này.

"Tôi sẽ chuyển ý kiến này đến những người có trách nhiệm ở TAND TP.HCM và TAND quận Thủ Đức để họ xem xét kỹ hơn”, ông Nghĩa nói. 

Theo ông Nghĩa, để việc xét xử có tác dụng giáo dục và răn đe phải chú ý và tôn trọng ý kiến của đa số nhân dân. Nhưng cũng không nên vì vậy mà bị dư luận chi phối hay xử theo dư luận. Việc xét xử phải dựa vào chứng cứ và pháp luật hiện hành.

Nói về một số vụ án được kết luận là "án oan" thời gian qua, vị này cho biết, nguyên nhân chính là do những yếu kém về nghiệp vụ và đạo đức của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân khác là quyền bào chữa của người bị bắt tạm giam, tạm giữ chưa được bảo đảm. 

Một bạn đọc cho rằng trong hệ thống tư pháp nước ta, việc tham gia của các luật sư trong quá trình điều tra, hỏi cung các bị can còn rất hạn chế. Điều đó dẫn đến trường hợp mớm cung, ép cung gây oan sai.

Để giải quyết thực trạng này, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói Hiến pháp sửa đổi đã có những thay đổi quan trọng liên quan đến quyền bào chữa của người bị bắt tạm giữ, tạm giam. Cụ thể, họ có quyền có luật sư ngay từ đầu, hơn nữa Hiến pháp cũng quy định nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm trong xét xử. Nghĩa là, sắp tới đây luật pháp có liên quan đến việc bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử phải được sửa đổi phù hợp với Hiến pháp sửa đổi.

“Tôi được biết Quốc hội đang sửa đổi bộ luật Tố tụng hình sự và tôi tin rằng bộ luật Tố tụng hình sự được sửa đổi để khắc phục tình trạng yếu kém nêu trên và tuân thủ những quy định mới của Hiến pháp”, ông Nghĩa nói.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm