Dự thảo BLHS (sửa đổi) ban đầu đề xuất quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân. Đây là một đề xuất hoàn toàn mới so với BLHS hiện hành.
Hai phương án
Khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tranh cãi xung quanh đề xuất này. Luồng ý kiến thứ nhất đồng ý vì “xét từ góc độ quyền sống của con người, việc áp dụng tù chung thân không giảm án là giải pháp tạo cho người đã bị kết án tử hình một cơ hội để tiếp tục được sống, được lao động, gặp gỡ người thân, đồng thời cũng tạo cơ hội khắc phục sai lầm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị kết án tử hình”.
Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai phản đối vì “ở tù suốt đời sẽ đẩy phạm nhân vào thế không còn gì để mất. Cho đến khi nào còn được sống, cho dù chấp hành án tù chung thân, một người tù vẫn còn có hy vọng được giảm án, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Đã được ân giảm thành chung thân thì cũng phải được hưởng quyền giảm án nếu cải tạo tốt”…
Phạm nhân Lã Thị Kim Oanh, người được Chủ tịch nước ân giảm từ tử hình xuống còn tù chung thân năm 2006. |
Một số ĐBQH đã đề nghị cần xem xét kỹ bởi đã có những trường hợp từ bị phạt tử hình được ân giảm xuống tù chung thân, xuống 20 năm tù, sau đó chỉ chấp hành án 15 năm là được tự do khiến pháp luật mất tính nghiêm minh.
Sau khi được chỉnh lý, dự thảo BLHS (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này ngoài việc giữ nguyên phương án đã trình Quốc hội còn bổ sung thêm phương án 2 là “chung thân có giảm án” theo hướng siết chặt hơn điều kiện để xét giảm án tù chung thân đối với những trường hợp bị kết án tử hình được ân giảm.
Cụ thể, trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả thì thời gian đã chấp hành để được xét giảm lần đầu là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm.
Như vậy, điều kiện xét giảm án tù chung thân trong trường hợp được ân giảm nghiêm khắc hơn so với án tù chung thân thông thường: Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 12 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
Vẫn tranh cãi
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM về việc có nên quy định hình phạt tù chung thân không giảm án đối với người được ân giảm từ tử hình xuống tù chung thân hay không, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.
Luật sư Huỳnh Thế Tân (Đoàn Luật sư TP HCM) ủng hộ việc quy định và áp dụng hình phạt này đối với người được ân giảm từ tử hình xuống tù chung thân. Theo ông, để đảm bảo tính nghiêm minh và tính răn đe, phòng ngừa tội phạm của pháp luật, người bị kết án tử hình mà được ân giảm sẽ được sống nhưng phải mất tự do vĩnh viễnchứ không thể từ tử hình rồi giảm xuống tù chung thân, sau đó sẽ tiếp tục được giảm án nữa.
Thậm chí luật sư Tân còn đề nghị mở rộng hơn là không giảm án cả với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, tù chung thân thông thường trong một số trường hợp nhất định do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Ngược lại, theo giảng viên Lưu Đức Quang (Trường ĐH Luật TP HCM), việc đặt ra hình phạt tù chung thân không giảm án có thể “trói tay chân người hành pháp” bởi trước giờ hành pháp đã làm tốt việc xem xét giảm án đối với phạm nhân cải tạo tốt, đạt được mục đích của hình phạt.
“Mặt khác, đặt ra hình phạt này là đã hạn chế quyền của Chủ tịch nước bởi Chủ tịch nước có quyền đặc xá (tha tù trước hạn). Hơn nữa, về mặt logic, án tử hình nặng hơn mà chúng ta còn chấp nhận giảm xuống tù chung thân được thì tại sao tù chung thân lại không thể giảm nữa nếu phạm nhân cải tạo tốt? Mục đích chính của hình phạt là giáo dục, khi phạm nhân cải tạo tốt thì phải giảm án cho họ” - ông Quang phân tích.
Ngoài ra, ông Quang còn đặt vấn đề về tính tương thích của hệ thống pháp luật: “Liệu hình phạt tù chung thân không giảm án có phù hợp với Hiến pháp, Luật Đặc xá, BLTTHS, Luật Thi hành án hình sự… hay không? Từ lý luận đến thực tiễn, từ xưa đến nay không có khái niệm đối với tội này thì được giảm, đối với tội kia thì không được giảm cả”.
Đồng tình, luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng đề xuất “tù chung thân có giảm án” cho người được ân giảm án tử với những điều kiện chặt chẽ, nghiêm khắc hơn so với người bị kết án tù chung thân thông thường là hợp lý hơn.
Giảm án cho phạm nhân 70 tuổi
Không giảm án tức là không tuân theo chính sách hình sự chung. Tôi đề xuất một phương án khác là không phân biệt phạm nhân đã ở bao lâu, khi đến 70 tuổi đương nhiên sẽ được xét giảm án vì lúc này họ đã là người già, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Người có thẩm quyền sẽ xét mức độ để cho về hoặc xét giảm án, không phân biệt họ phạm tội gì.
Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM
Quy định cả hai loại
Phân hóa hành vi phạm tội càng cụ thể, chi tiết thì việc áp dụng hình phạt càng chính xác, công bằng. Theo tôi, cần phân loại: Nếu người được ân giảm án tử có ít tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng tù chung thân không giảm án (phải có quy định rõ). Còn trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn thì áp dụng tù chung thân có giảm án bởi cùng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng mỗi hành vi phạm tội có mức độ, tính chất khác nhau.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP HCM