Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nên giao việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho trường đại học

Theo TS Lê Viết Khuyến, người không giảng dạy xin đừng làm giáo sư. TS Lê Văn Út cho hay đầu vào của chức danh giáo sư của Việt Nam còn nhiều kẽ hở.

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Tổng số người đạt chuẩn là 1.226, tăng gần 60% so với năm trước.

GS Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước - lý giải do năm nay thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng so với năm trước nên số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng mạnh.

tang so luong giao su pho giao su anh 1
Số liệu thống kê giáo sư, phó giáo sư đực phong hàm từ năm 2009 đến 2017. Nguồn: Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Ảnh: Nguyễn Sương. 

Không cần chức danh phó giáo sư Nhà nước

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho hay tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến là điều không bình thường. Bởi nền khoa học, người trí thức hay hoạt động giảng dạy của nước ta không thể phát triển nhanh trong một năm như vậy.

Việc tăng với tốc độ chóng mặt này thể hiện sự háo danh của một bộ phận giảng viên, cán bộ, hay sử dụng từ ngữ khác là họ muốn “có mác” cho oai. Họ nghĩ rằng giáo sư "to" hơn phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ...

Đến nay, việc xét hồ sơ cần được chuyển từ cấp cơ sở lên hội đồng trung ương. Các trường đào tạo quyết định bổ nhiệm giáo sư trên cơ sở những người được hội đồng Nhà nước công nhận. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng khi đã đặt ra danh hiệu giáo sư, phó giáo sư cấp Nhà nước thì khó có trường nào từ chối?

TS Nguyễn Viết Khuyến thông tin Bộ GD&ĐT cần cho phép các trường đại học đặt ra tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sự riêng của trường. Tiêu chuẩn này phải cao hơn quy định tiêu chuẩn tối thiểu do bộ đưa ra.

Chức danh do hội đồng trường, hội đồng khoa học quyết định. Khi giáo sư không còn công tác ở trường đại học thì những chế độ của họ cũng không còn.

Mặt khác, giáo sư cũng nên chỉ có nhiệm kỳ 5 năm chứ không nên là trọn đời như hiện tại. Người đó nếu không tham gia giảng dạy nữa thì không nên nhận chức danh này (nếu có chỉ là giáo sư danh dự).

tang so luong giao su pho giao su anh 2
TS Lê Viết Khuyến -  nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - cho rằng tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến là điều không bình thường. Ảnh  X.T.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng chức danh giáo sư hay phó giáo sư chỉ nên dành cho những người trực tiếp giảng dạy, có biên chế cụ thể tại trường. Người làm công tác quản lý, hoạt động trong doanh nghiệp, không có công trình nghiên cứu không nên sử dụng chức danh này.

Ông lý giải vì có nhiều người không giảng dạy nhưng lại xét công nhận nên tỷ lệ người có chức danh này mới tăng lên nhiều, trong khi thành tích đóng góp cho đất nước và khoa học lại rất hạn hẹp.

Ở các quốc gia khác, phần lớn giáo sư ở nước ngoài đều gắn với chức danh của trường. Căn cứ thành tựu nghiên cứu khoa học, nhà trường công nhận họ được là giáo sư hay phó giáo sư. Khi không còn đóng góp cho nghiên cứu khoa học, chức danh đó cũng đươc bỏ.

Vì sao số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng 60%?

Theo GS Trần Văn Nhung, số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng do yếu tố khách quan, chất lượng vẫn được đảm bảo.

Nếu không có công bố ISI/Scopus thì rớt từ vòng loại

TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Phát triển KH&CN, ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay nhà trường nêu ra tiêu chuẩn cụ thể về quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn. Trong đó, nhà trường có 3 chức vụ chuyên môn gồm giáo sư trợ lý, giáo sư dự bị và giáo sư thực thụ.

Đối với các chức vụ chuyên môn, nếu không có ít nhất một bài ISI/Scopus tác giả chính thì rớt ngay từ vòng nhận hồ sơ.

tang so luong giao su pho giao su anh 3
TS Lê Văn Út (bên phải) - Trưởng phòng Quản lý phát triển KH&CN, ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh NVCC.

Thực tế tại ĐH Tôn Đức thắng, tiêu chuẩn để bảo vệ luận án tiến sĩ là phải có ít nhất một bài ISI/Scopus (tác giả chính) và yêu cầu luận án ở nhiều nước cũng vậy - không có bài ISI/Scopus thì không thể bảo vệ luận án tiến sĩ.

Theo TS Út, công bố ISI/Scopus mới hy vọng có kết quả nghiên cứu mới và đây hiện là chuẩn mực mà thế giới đang sử dụng để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của nhà khoa học, tổ chức khoa học và năng lực khoa học của các quốc gia.

Tuy nhiên, công bố ISI/Scopus chỉ là tín hiệu cho biết ứng viên có khả năng nghiên cứu theo đúng chuẩn mực. Sau khi bổ nhiệm xong rồi, họ có thể nghiên cứu và công bố ISI/Scopus hay không lại là chuyện khác.

Ở Việt Nam, ứng viên nộp hồ sơ xét duyệt phó giáo sư, giáo sư cấp Nhà nước không hề có yêu cầu phải công bố ISI/Scopus. Điều này tạo điều kiện cho những công bố không hiệu quả “thượng vàng hạ cám”.

"Quy định cũng không yêu cầu người xét duyệt hồ sơ phải là tác giả chính của bài báo, vì thực tế có những bài được đăng nhưng là cả một nhóm tác giả", TS Út thông tin.

Ứng viên nộp hồ sơ vào ĐH Tôn Đức Thắng phải qua 3 vòng: Sơ tuyển theo chuẩn thẩm định của nhà trường, phản biện quốc tế, phỏng vấn. Hội đồng phỏng vấn có 5 chuyên gia: 4 giáo sư nước ngoài (của các đại học chủ yếu top 500 thế giới) và một giáo sư của ĐH Tôn Đức Thắng. Tất cả hoạt động của hội đồng được giám sát bởi 2 quan sát viên của hiệu trưởng và có quay video để lưu minh chứng.

TS Lê Văn Út nhận định: “Hội đồng phỏng vấn, phản biện cho chức danh giáo sư Nhà nước không hề có giáo sư nước ngoài, chỉ có những thành viên trong hội đồng xem xét".

Điều này cũng dấy lên những nghi ngờ về chất lượng của giáo sư, phó giáo sư nước nhà.

Tại ĐH Tôn Đức thắng, với mỗi chức vụ, khi được bổ nhiệm, số lương sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, sau một số năm nhất định mà thành viên đó không có sản phẩm khoa học theo chuẩn sẽ bị miễn nhiệm trở về giảng viên bình thường. 

ISI là viết tắt của Institute for Scientific Information (Viện Thông tin Khoa học). ISI đã xếp các tạp chí có uy tín của khoa học tự nhiên vào 2 danh sách: SCI (Scientific Citation Index) và SCIE (Scientific Citation Index Expanded - danh sách SCI mở rộng).

Thực tế, danh sách ISI không chỉ có các tạp chí bằng tiếng Anh mà còn có cả các tạp chí bằng các thứ tiếng khác, dù không nhiều. Tiêu chí đánh giá và thống kê của ISI đã được hầu hết các tổ chức khoa học công nghệ (viện nghiên cứu, trường đại học) sử dụng làm nguồn tham khảo chính để đánh giá, xếp hạng năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ của một viện, một trường đại học hay một nước.

Scopus được xây dựng từ tháng 11 năm 2004 và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan). Đó là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học.

Scopus có chứa 57 triệu bản tóm tắt, gần 22.000 danh mục từ hơn 5.000 nhà xuất bản. Trong đó, hơn 30.000 là tạp chí đánh giá chuyên ngành trong khoa học, kỹ thuật, y tế, xã hội, nghệ thuật và nhân văn. Để được liệt kê vào danh sách Scopus, các tạp chí cũng được lựa chọn nghiêm ngặt.

Hàng loạt giáo sư, phó giáo sư không có bài báo ISI/Scopus

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt năm 2017.

Tân giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2017

Phạm Hoàng Hiệp 36 tuổi, là giáo sư trẻ nhất năm 2017. Anh từng là phó giáo sư trẻ nhất được công nhận vào năm 2011, khi mới 29 tuổi.




Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm