1. Cho trẻ nghỉ giải lao: Khi trẻ có dấu hiệu căng thẳng, mệt mỏi khi học online, cha mẹ hãy cho các con có không gian riêng để nghỉ ngơi. Tiến sĩ tâm lý học Nekeshia Hammond khuyên cha mẹ cần giúp trẻ nghỉ giữa giờ từ 5-15 phút để lấy lại tinh thần học tập. Nếu trẻ còn quá nhỏ để ở một mình, người lớn có thể giúp trẻ thư giãn bằng cách thực hiện các bài tập hít thở sâu, vận động tại chỗ hoặc cho trẻ nghe những bài hát yêu thích. Ảnh: The Spruce Crafts. |
2. Trò chuyện cùng con: Nhiều nguyên nhân căng thẳng khi học online bắt nguồn từ việc thiếu tương tác, trò chuyện. Khi học tại nhà, trẻ không được vui chơi, trò chuyện cùng bạn bè như trước. Điều này khiến trẻ cảm thấy trống trải, hụt hẫng, tinh thần học tập dễ giảm sút. Vì thế, cha mẹ cần cùng con trò chuyện, giúp các em giải tỏa những lo lắng trong học tập, sinh hoạt. Khi được lắng nghe, trẻ sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng, những căng thẳng sẽ giảm bớt. Ngoài ra, cha mẹ có thể tiếp nhận ý kiến của con về việc học trực tuyến để nhờ giáo viên cải thiện, thay đổi không khí buổi học. Ảnh: UNICEF. |
3. Giúp trẻ giữ liên lạc với bạn bè: Trường không chỉ là nơi để học, mà là nơi giúp trẻ kết bạn và trau dồi các kỹ năng. Mối quan hệ xã hội ở môi trường học đường ảnh hưởng tích cực đến thành tích của trẻ. Nhà nghiên cứu Linda Carling tại Đại học Johns Hopkins, nhận thấy khi trẻ được tương tác trực tuyến với bạn bè, những căng thẳng khi phải giãn cách xã hội sẽ giảm bớt. Cha mẹ có thể tổ chức các cuộc trò chuyện nhóm cho trẻ, ví dụ như gọi video hoặc nhắn tin qua mạng xã hội, để các bé được gặp mặt, tâm sự với bạn bè. Ảnh: White Orthodontics. |
4. Lập kế hoạch học tập: Cách tốt nhất để giúp trẻ giảm bớt căng thẳng khi học là lập thời gian biểu phù hợp. Với nhiều trẻ, học tập theo lịch trình được xếp sẵn sẽ giúp các em tập trung hơn. Cha mẹ có thể dành vài ngày quan sát con học để rút ra những lưu ý cần thiết, từ đó lên kế hoạch học tập khoa học. Ví dụ, sau khi trẻ hoàn thành buổi học online, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi, sau đó chia nhỏ thời gian làm bài tập, thay vì làm dồn một lúc. Nếu trẻ đang bực bội, lo lắng hoặc mất tập trung, bạn hãy cho các em có thêm thời gian nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần. Ảnh: Do Say Give. |
5. Khen ngợi, động viên trẻ: Những lời khen có ảnh hưởng tích cực đến việc học của trẻ. Sau khi con kết thúc lớp học trực tuyến hoặc hoàn thành bài tập, cha mẹ nên dành lời khen hoặc viết lời động viên vào vở bài tập để khuyến khích các em. Những phần thưởng như đồ chơi, đồ ăn vặt cũng giúp trẻ có thêm động lực cố gắng học tập. Ảnh: Reflection Sciences. |
6. Liên hệ với giáo viên: Bà Linda Carling khuyên cha mẹ nên dành thời gian để hỏi ý kiến giáo viên về những khó khăn khi giúp trẻ học trực tuyến. Chủ động liên lạc là điều cần thiết, giáo viên sẽ nhanh chóng nắm bắt tình hình và đưa ra lời khuyên hữu ích cho bạn. "Giáo viên có thể làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Nếu trẻ gặp khó khăn khi học online, bạn có thể nhờ giáo viên tư vấn", bà Carling nói với USA Today. Ảnh: Mobypeople. |