Ngày 21/12, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết tính đến tháng 10 năm nay, cả nước đang điều trị ARV cho 123.358 bệnh nhân, chiếm 58% người nhiễm HIV được phát hiện.
Điều trị ARV sẽ không truyền bệnh khi quan hệ tình dục
Theo ông Long, việc điều trị bằng thuốc ARV cho người bị HIV có ý nghĩa rất quan trọng. “Khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang đối tác”, PGS Long cho biết.
Trong đó tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện được hiểu là khi HIV dưới 200 bản sao/ml bằng cách xét nghiệm.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/ cũng cho biết trước đây bệnh nhân mắc HIV được cho là bản án bán tử hình. Nhiều người biết bệnh có thể kiểm soát bằng thuốc nhưng vẫn không yên tâm để uống thuốc.
Ở Việt Nam, 91,5% số người điều trị đều có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, tức không có khả năng lây nhiễm sang bạn tình khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc bất cứ biện pháp an toàn nào.
Bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV, cũng cho biết việc không lây nhiễm sang người khác khi người bệnh tuân thủ điều trị ARV chỉ được nhấn mạnh qua con đường tình dục, tức bạn tình vẫn âm tính sau khi quan hệ. Còn các con đường lây nhiễm khác như tiêm chích, qua máu chưa được khuyến cáo.
Riêng về con đường từ mẹ sang con, bà Nhàn lưu ý nếu người mẹ dương tính được bắt đầu điều trị từ sớm, có lượng virus HIV dưới ngưỡng sẽ không truyền bệnh sang con.
Để kiểm soát tải lượng virus, khi điều trị bằng ARV, người bệnh cần xét nghiệm 6 tháng/lần ở năm đầu tiên. Từ năm thứ 2, cần xét nghiệm một năm/lần.
“Khi bị nhiễm HIV, bệnh nhân tuân thủ điều trị đầy đủ, nghiêm túc, có thể hoàn toàn sống chung với HIV, sinh hoạt và quan hệ tình dục như bình thường. Đặc biệt, họ có thể sinh con không bị nhiễm bệnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn”, PGS Long nhấn mạnh.
Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị những người không may nhiễm HIV phải tham gia điều trị ngay. Đồng thời, cộng đồng không quá kỳ thị với những người nhiễm căn bệnh này. Hiện tại, HIV cũng tương tự như các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết hiện cả nước có khoảng 209.000 người mắc HIV, nhưng chỉ có 130.000 tham gia điều trị bằng thuốc ARV, gần 60%. 40% còn lại chưa được điều trị bởi cản trở lớn nhất là sự kỳ thị của xã hội. Họ sợ lộ thông tin, danh tính. Điều này đồng nghĩa nguy cơ lây nhiễm sang cộng đồng cao do không điều trị để kiểm soát lượng virus trong cơ thể.
Việt Nam mua thuốc ARV rẻ hơn thuốc viện trợ đến 17%. Ảnh: Quỳnh Trang. |
450.000 người thoát khỏi HIV nhờ thuốc ARV
Hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi như là điều trị đặc hiệu bởi vì điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của virus do đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu, thông qua đó cũng duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.
Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn dịch được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, thuốc kháng virus (ARV) rất quan trọng trong điều trị cho người nhiễm HIV. Nó không chỉ giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn giúp giảm lây truyền HIV sang người khác.
Nếu như năm 2005 chỉ mới có 5.000 bệnh nhân được điều trị ARV thì đến tháng 6/2017 Việt Nam đã có 113.000 bệnh nhân được điều trị ARV. Với việc số người được tiếp cận với ARV tăng nhanh, theo tính toán của các chuyên gia quốc tế hiệu quả điều trị tại Việt Nam trong 10 năm qua đã giúp khoảng 150.000 người nhiễm HIV thoát khỏi tử vong và dự phòng cho 450.000 người không nhiễm HIV.
Tuy nhiên, kể từ năm 2015 khi nguồn thuốc viện trợ bị cắt giảm dần. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ này sẽ không có thuốc điều trị hoặc phải chi ra khoản tiền lớn để mua thuốc.
Để đảm bảo nguồn thuốc ARV tiếp tục cấp cho bệnh nhân AIDS, Chính phủ đã giao Bộ Y tế mua sắm một phần thuốc ARV từ nguồn ngân sách trong nước để bù đắp khoản thuốc bị cắt giảm.
Tiến sĩ Kato Masaya, Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ theo đánh giá của WHO, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về điều trị bằng thuốc ARV, đặc biệt là tiên phong trong thực hiện các khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới về phác đồ điều trị và phổ cập để người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận thuốc ARV.