Báo cáo của Public Eye cho thấy trẻ em ở các nước đang phát triển phải tiêu thụ sữa bột, ngũ cốc có đường phụ gia. Ảnh: Alamy. |
Một báo cáo gần đây cho thấy Nestlé, công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, đã thêm đường phụ gia và mật ong vào sữa bột, ngũ cốc rồi bán ở các nước đang phát triển. Điều này trái với hướng dẫn ngăn ngừa béo phì của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các chuyên viên của Public Eye, một tổ chức điều tra của Thụy Sĩ, đã gửi các mẫu thực phẩm trẻ em được bán ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh tới một phòng thí nghiệm của Bỉ để phân tích.
Kết quả cho thấy đường phụ gia và mật ong đã được thêm vào các sản phẩm của Nido, một thương hiệu sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh từ 1 tuổi và Cerelac, thương hiệu ngũ cốc dành cho trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Cả hai thương hiệu này đều nằm dưới sự quản lý của Nestlé.
Đáng nói, đối với các sản phẩm được bán tại thị trường châu Âu, các nhà khoa học không phát hiện đường phụ gia trong sữa, ngũ cốc dành cho trẻ em.
“Nestlé phải chấm dứt những tiêu chuẩn kép nguy hiểm này và ngừng thêm đường vào tất cả sản phẩm dành cho trẻ dưới 3 tuổi trên toàn thế giới”, Laurent Gaberell, chuyên gia dinh dưỡng và nông nghiệp của Public Eye, nhấn mạnh.
Nhiều lệnh cấm sữa bột có đường
Béo phì đang là một vấn đề nghiêm trọng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo WHO, ở châu Phi, số trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân đã tăng 23% từ năm 2000. Trên toàn cầu, có hơn 1 tỷ người đang sống chung với bệnh béo phì.
Theo The Guardian, người tiêu dùng rất khó nhận biết một sản phẩm có đường phụ gia hay không. Đồng thời, hàm lượng đường trong sữa bột, ngũ cốc cũng khó xác định nếu chỉ dựa trên thông tin bao bì.
Hướng dẫn của WHO tại châu Âu quy định các hãng thực phẩm không được thêm đường hay chất tạo ngọt vào thực phẩm dành cho trẻ dưới 3 tuổi. Dù vậy, theo The Guardian, hướng dẫn này có vẫn hiệu lực đối với các khu vực ngoài châu Âu như châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh.
Ngũ cốc Cerelac được bán tại một siêu thị ở Anh. Doanh thu toàn cầu của ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh trị giá hơn 1,2 tỷ USD. Ảnh: Alarmy. |
Vương quốc Anh khuyến cáo trẻ dưới 4 tuổi hạn chế sử dụng thực phẩm có đường phụ gia để tránh tăng cân và sâu răng. Tương tự, chính phủ Mỹ cũng khuyến nghị trẻ dưới 2 tuổi tránh các loại thực phẩm và đồ uống có đường phụ gia.
Trong báo cáo mới nhất, Public Eye đã trích dẫn dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International và cho biết doanh số bán lẻ toàn cầu của thương hiệu ngũ cốc Cerelac đạt trên 1,2 tỷ USD. 40% doanh số bán hàng đến từ Brazil, Ấn Độ và các nước có thu nhập trung bình, thấp.
Tiến sĩ Nigel Rollins, một quan chức y tế của WHO, cho biết những phát hiện này cho thấy “một tiêu chuẩn kép [...] không thể biện minh”.
Phân biệt giàu nghèo để bán sữa?
Các nhà nghiên cứu xác định trẻ em dưới 6 tháng tuổi ở Senegal và Nam Phi, khi sử dụng ngũ cốc hương bánh quy, phải tiêu thụ 6 gram đường phụ gia trong mỗi lần ăn. Ngược lại, cùng một thương hiệu và dòng sản phẩm, ngũ cốc ở Thụy Sĩ không hề có đường.
Ở Ấn Độ, trẻ em phải tiêu phụ 2,7 gram đường phụ gia sau mỗi lần sử dụng ngũ cốc của Cerelac.
Tại Brazil, nơi Cerelac được biết đến với cái tên Mucilon, 6 trong số 8 sản phẩm của thương hiệu này làm trẻ em phải hấp thu gần 4 gram đường/lần ăn. Tại Nigeria, một sản phẩm của thương hiệu này có hàm lượng đường lên đến 6,8 gram/lần ăn.
Ở Philippines, các sản phẩm dành cho trẻ mới biết đi không chứa đường. Tuy nhiên, ở Indonesia, sữa bột của hãng Nido (được bán dưới tên Dancow) lại chứa khoảng 2 gram đường phụ gia trên 100 gram sản phẩm.
Một lon sữa Nido được bán ở Nigeria. Ảnh: Nestlé. |
Ở Mexico, các nhà khoa học cũng phát hiện một sản phẩm của Nido chứa 1,7 gram đường/lần ăn của trẻ. Báo cáo cho biết các sản phẩm Nido Kinder 1+ được bán ở Nam Phi, Nigeria và Senegal đều buộc trẻ phải hấp thu gần 1 gram đường sau mỗi lần ăn.
Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, người phát ngôn của Nestlé cho biết: “Chúng tôi tin tưởng vào chất lượng dinh dưỡng của các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ của mình. Chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng các nguyên liệu chất lượng cao phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ”.
Bà nói rằng Nestlé tuân thủ “các quy định địa phương hoặc tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm các yêu cầu về bao bì, hàm lượng đường” và luôn công bố tổng lượng đường trong sản phẩm của mình, kể cả đường làm từ mật ong.
Theo bà, sự khác biệt trong công thức là do các yếu tố như quy định quốc tế, địa phương và các nguyên liệu có sẵn trong khu vực.
Cũng theo người phát ngôn, Nestlé đã giảm được 11% lượng đường trong các sản phẩm dành cho trẻ em trên toàn thế giới trong 10 năm qua. Trong tương lai, tập đoàn sẽ tiếp tục cải tiến công thức sản phẩm để giảm đường nhiều hơn.
Bà nói thêm rằng Nestlé đang nghiên cứu để loại bỏ đường sucrose và siro glucose khỏi sữa dành cho trẻ mới biết đi trên toàn thế giới.
Rèn luyện kỹ năng tự học cho con
Tác giả sách Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học, TS Nguyễn Thị Thu, cho rằng trẻ cần có mục tiêu để tạo động lực học tập. Phụ huynh nên tìm hiểu, quan sát sở thích của con, rồi lồng ghép những hoạt động tìm hiểu khám phá kiến thức trong những sở thích đó để nuôi dưỡng sự tìm tòi nghiên cứu trong con. Ngoài ra, đọc sách là một cách hay và lành mạnh để trẻ tiếp nạp kiến thức.