Men theo con đường ôm vách đá cheo leo của huyện Quản Bạ - một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước thuộc địa phận tỉnh Hà Giang - chúng tôi đến được điểm trường Lùng Tám Thấp.
Đây là một trong sáu điểm trường thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học của xã Lùng Tám, xã miền núi đặc biệt khó khăn. 100% số dân trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Giao, Nùng, Giấy.
Sự xuất hiện của đoàn công tác có phần gây bất ngờ với hầu hết học trò vì không nằm trong kế hoạch định sẵn. Mọi hoạt động dạy và học của cô và trò đang diễn ra miệt mài, say sưa trong điều kiện cơ sở vật chất còn hết sức khó khăn, thiếu thốn.
Chuyến đi nằm trong chuyến công tác của ngành giáo dục. Trong quá trình khảo sát tình hình dạy và học tiếng Việt đối với học sinh lớp một, chúng tôi bất ngờ và xúc động trước Giàng Văn Dũng - học trò có khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt một mí và hai má ửng hồng đặc trưng của các em nhỏ dân tộc Mông nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Những nét chữ tròn trịa, đều đặn, thẳng hàng trong cuốn vở của em không khác mấy so với con chữ của những học sinh được sống trong điều kiện đủ đầy nơi thành phố. Khó có thể tin rằng nó được viết bởi một học sinh người Mông bị khuyết tật bàn tay, giữa bốn bề núi đá. Hơn thế, chỉ sau 4 tháng học lớp một, em còn có thể đọc khá rõ ràng, rành mạch tiếng Việt - điều mà nhiều học sinh khác chưa làm được.
Cậu học trò Giàng Văn Dũng. Ảnh: Giáo Dục Thời Đại. |
Sinh năm 2010, Dũng là con thứ ba trong gia đình người Mông. Hoàn cảnh của em hết sức khó khăn. Khi được 4 tháng tuổi, trong một lần bố mẹ vắng nhà đi làm rẫy, Dũng đã bò vào nồi cám đang sôi trên bếp củi và em bị bỏng nặng. Gia đình đưa em đi chữa trị ở một số nơi nhưng vì hoàn cảnh nghèo túng, lại hạn chế về tiếng Việt… nên cũng chẳng thể đưa em về tuyến Trung ương để điều trị kịp thời.
Từ đó, các ngón ở bàn tay phải của em đã bị nắm chặt lại thành khối tròn, còn các ngón ở bàn tay trái cũng bị co cứng, hiện chỉ có 3 ngón cử động được. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động thường ngày của em. Thể lực của Dũng cũng yếu hơn anh chị trong nhà và bạn bè cùng trang lứa.
Mặc cảm, tự ti vì mình không có đủ hai bàn tay như các bạn nên những ngày đầu đến lớp Dũng khá thu mình, rất dễ xúc động và ít giao tiếp với mọi người.
Được sự quan tâm, dìu dắt của cô giáo Vũ Thị Hằng, Dũng ngày một tự tin hơn. Trong giờ học, em luôn chăm chú lắng nghe từng lời cô giảng và phản xạ rất nhanh với các kiến thức cô dạy. Biết mình gặp khó khăn nhất khi luyện viết, em đã dành cả thời gian ra chơi và cuối các buổi học để ở lại tập viết cùng cô.
Ngày đầu tiên học viết của Dũng là một tấm bảng trống trơn với đôi mắt buồn đầy vẻ thất vọng, đôi mắt ấy như oán trách số phận đã cướp đi bàn tay lành lặn của em.
Đôi mắt ấy ánh lên sự khát khao được làm một đứa trẻ bình thường, sự mong mỏi được chinh phục cái chữ. Hình ảnh đó đã ám ảnh trái tim cô giáo Hằng, thôi thúc cô tìm các giải pháp để giúp đỡ em.
Ngoài việc thường xuyên đến nhà thăm hỏi gia đình và động viên Dũng thoát khỏi mặc cảm bản thân, mỗi tối, cô Hằng cũng tự luyện viết bằng tay trái để hôm sau kèm riêng cho học trò.
Nói về cậu học trò đặc biệt của mình, cô Hằng không giấu được tình yêu và niềm tin dành cho em. Cô chỉ mong mỏi có một ngày thật đẹp Dũng được các tổ chức, cá nhân giúp đỡ để em được phẫu thuật lấy lại bàn tay vì khi sờ vào khối thịt bên tay phải của em vẫn còn lổn nhổn các đốt xương do phản xạ co lại trong tai nạn khi em còn nhỏ.
Với sự thông minh, ham học của em nếu có được đôi bàn tay lành lặn, cô Hằng tin rằng tương lai tươi sáng phía trước sẽ rộng mở với em.