Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Netflix săn lùng 'đàn gà đẻ trứng vàng' tiếp theo tại châu Á

Netflix đang đầu tư mạnh tay để có thể tự sản xuất nội dung tại các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm thu hút khán giả của khu vực ngày một quan trọng này.

Châu Á là thị trường béo bở với Netflix nói riêng và các nền tảng chiếu phim trực tuyến nói chung. Ảnh: AP.

Khi thăm Seoul hồi tháng trước, đồng Giám đốc điều hành Netflix Ted Sarandos tuyên bố nền tảng này mong muốn tăng cường quan hệ với các nhà sản xuất nội dung ở xứ sở kim chi. Ông cũng đã gặp mặt một số cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Sarandos cũng đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Yoon tới Mỹ hồi tháng 4. Khi đó, Netflix cam kết đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD vào Hàn Quốc trong 4 năm tới - gấp đôi con số trong giai đoạn 2016-2022.

Mục tiêu của Netflix: Khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung trẻ - từ biên kịch tới đạo diễn - tại Hàn Quốc.

Tiếp nối thành công

Netflix đã gặt hái nhiều thành công với các bộ phim và chương trình Hàn Quốc, đặc biệt là “Squid Game” - series phim ăn khách nhất mọi thời đại trên Netflix - hay “The Glory”.

Trong số 200 triệu tài khoản Netflix trên thế giới, khoảng 60% đã xem ít nhất một bộ phim Hàn Quốc. Số lượng người xem phim Hàn đã tăng 6 lần trong 4 năm qua.

“Tôi yêu thích các bộ phim Hàn Quốc vì chúng khiến tôi hào hứng tới đoạn kết. Tôi luôn xem phim mới”, bà Ann Keller, cư dân thành phố Seattle, Mỹ, nói với Nikkei Asia.

Công ty nghiên cứu Media Partners Asia ước tính Netflix có thể đầu tư 1,9 tỷ USD vào sản xuất nội dung mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023. Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng là các mục tiêu chính trong kế hoạch này.

Sau khi ra mắt hồi tháng 5, “Sanctuary” (tên tiếng Việt: Thánh vực Sumo) của Nhật Bản có mặt trong danh sách 10 phim không phải tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix trong hai tuần liên tiếp.

netflix lam phim anh 1

"Sanctuary" là bộ phim nói về nhiều góc độ của thế giới võ sĩ sumo Nhật Bản. Ảnh: Netflix.

Netflix đã phê duyệt dự án làm phim với mong muốn phần nào hé lộ thế giới ít được nhắc đến của các võ sĩ sumo. Chủ tịch Liên đoàn Sumo Nhật Bản Hakkaku được cho là đã xem bộ phim.

Hồi tháng trước, Netflix ký hợp đồng 5 năm với biên kịch Yuji Sakamoto - người đoạt giải kịch bản hay nhất tại liên hoan phim Cannes 2023 với bộ phim “Kaibutsu” - nhằm phát triển các bộ phim độc quyền cho Netflix.

Một nhà phân tích nhận định với Nikkei Asia rằng thị trường Nhật Bản có thể chiếm ít nhất 25% lợi nhuận của Netflix tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023.

Mở rộng mô hình

Netflix bắt đầu tự sản xuất nội dung tại Mỹ vào năm 2012 trước khi mở rộng sang các thị trường khác như Nhật Bản.

Ban đầu, các nội dung tự sản xuất được coi là cách thu hút khán giả địa phương tại các thị trường bên ngoài nước Mỹ. Tuy vậy, giờ đây một số sản phẩm đã nhận được sự quan tâm của khán giả toàn cầu. Trong tuần cuối tháng 6 đầu tháng 7, 7/10 bộ phim không phải tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix là phim châu Á.

Tại Ấn Độ, Netflix đã ký hợp đồng với đạo diễn Hansal Mehta sau thành công của bộ phim hình sự “Scoop”. Từ năm ngoái, nền tảng này cũng đã khởi động chương trình cho vay 10.000 USD để sản xuất phim ngắn với mong muốn tìm ra thế hệ tài năng mới cho ngành phim Ấn Độ.

Xu hướng “xoay trục” sang châu Á diễn ra trong bối cảnh Netflix vấp phải sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường Mỹ. Doanh thu quý I/2023 của hãng chỉ tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng. Lợi nhuận thậm chí giảm 18% xuống 1,31 tỷ USD.

Khoảng 80% tài khoản mở mới của Netflix trong quý I/2023 - và khoảng 60% trong cả năm 2022 - đến từ châu Á.

netflix lam phim anh 2

Đồng Giám đốc điều hành Netflix Ted Sarandos gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các đối thủ của Netflix cũng đang nhăm nhe thị trường béo bở này. Amazon Prime Video mong muốn tăng cường hàm lượng nội dung gốc trên toàn cầu lên khoảng 50% vào năm 2023. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng muốn tự sản xuất thêm nhiều chương trình tại Nhật Bản.

Netflix cũng vấp phải một số thách thức khác. Do Netflix có quyền sở hữu trí tuệ với hầu hết nội dung gốc, các công ty sản xuất cho rằng họ không thể tận dụng các nội dung này nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh liên quan, khiến họ có nguy cơ mắc kẹt với tư cách “nhà thầu” của Netflix.

Độc giả có thể tìm thêm kiến thức về tài chính, tiền tệ, doanh nghiệp, các câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Tranh cãi nảy lửa giữa Ai Cập và Netflix

Series "African Queens" (Những nữ hoàng châu Phi) của Netflix đang châm ngòi cho cuộc tranh luận lớn ở Ai Cập, khi nhà sản xuất chọn diễn viên da đen đóng vai Nữ hoàng Cleopatra.

Netflix gây phẫn nộ khi tái chiếu 'Titanic' sau vụ chìm tàu Titan

Netflix bị chỉ trích vô nhân đạo khi tái phát hành "Titanic" sau vụ chìm tàu ngầm Titan khiến 5 người thiệt mạng.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm