Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nếu Bộ GD&ĐT trách nhiệm, sai phạm ở Đông Đô đã không nghiêm trọng'

TS Lê Viết Khuyến cho rằng sai phạm của ĐH Đông Đô rất rõ ràng, diễn ra nhiều năm. Nếu Bộ GD&ĐT làm đúng trách nhiệm, vụ việc đã được phát hiện sớm và không nghiêm trọng như vậy.

Trước thông tin hiệu trưởng ĐH Đông Đô cùng một số cán bộ trường này bị bắt vì tội “Giả mạo trong công tác”, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết bộ chưa cấp phép đào tạo văn bằng 2 cho trường.

Từ năm 2017, ĐH Đông Đô đã đào tạo “chui” văn bằng 2 đối với 17 ngành. Sai phạm này tiếp diễn nhiều năm qua, cho đến khi Bộ Công an điều tra, khởi tố, bắt tạm giam và phát lệnh truy nã cán bộ của trường.

"Sai phạm nhiều năm mà bộ bỏ sót thì đúng là lạ"

Trao đổi với Zing.vn, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - đặt câu hỏi: Tại sao sai phạm nghiêm trọng như vậy lại có thể tiếp diễn trong nhiều năm?

DH dong do dao tao chui anh 1
TS Lê Viết Khuyến cho rằng ĐH Đông Đô sai phạm nhiều năm mà Bộ GD&ĐT không phát hiện "là rất lạ". Ảnh: Quang Đức.

“Nếu sai phạm chỉ diễn ra với một vài sinh viên, thậm chí vài khóa, còn có thể nói do bỏ sót. Nhưng ĐH Đông Đô sai phạm nhiều năm với hàng nghìn sinh viên mà Bộ GD&ĐT để sót thì đúng là lạ. Chuyện này không thể nói không dính dáng gì đến trách nhiệm của bộ”, ông nêu quan điểm.

TS Khuyến cho biết thời ông còn làm ở Bộ GD&ĐT (hơn 12 năm trước), các trường duyệt tốt nghiệp để mua phôi bằng cần trình rõ phôi bằng cho khóa nào, quyết định mở chương trình, quyết định cho chỉ tiêu đào tạo, danh sách lớp đó lúc bắt đầu tuyển cho đến khi tốt nghiệp. Những chuyện đó phải rõ ràng, minh bạch. Nếu không có đầy đủ chứng từ đó, bộ không cấp phôi bằng.

Nếu sai phạm chỉ diễn ra với một vài sinh viên, thậm chí vài khóa, còn có thể nói do bỏ sót. Nhưng ĐH Đông Đô sai phạm nhiều năm với hàng nghìn sinh viên mà Bộ GD&ĐT để sót thì đúng là lạ.

TS Lê Viết Khuyến

Về sau, với chủ trường tăng quyền tự chủ cho các trường, trường tự in phôi bằng. Một số trường, trong đó có ĐH Đông Đô, không được tự in phôi bằng, phải lên bộ mua phôi bằng.

Theo ông Khuyến, lúc này, bộ quản lý không phải tốt nghiệp hay không tốt nghiệp mà thực tế chỉ đóng vai trò nơi cung ứng phôi bằng, tức dịch vụ bán phôi bằng đúng nghĩa, không gắn với quản lý tình hình đào tạo của trường.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn kiểm soát ở khâu tuyển sinh. Khi bộ duyệt cấp chỉ tiêu tuyển sinh, trường phải trình giấy tờ cho phép đào tạo ngành đó. Thông qua khâu này, bộ kiểm soát tình hình hình đào tạo.

Ông Khuyến cho rằng theo quy định, bộ không thả nổi hoàn toàn. Nhưng thực tế, trường cứ lên xin là cho. Sơ hở nằm ở cả khâu này chứ không chỉ ở việc cấp phôi bằng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý còn có hoạt động thanh tra. Ông Khuyến đánh giá việc thanh tra hiện nay "như muối bỏ biển", dẫn đến bỏ sót. Chuyên viên ở bộ cũng được phân công theo dõi, nắm tình hình ở trường, yêu cầu trường cung cấp thông tin, song việc này không thường xuyên.

“Tất cả khâu trên tạo ra kẽ hở nên một số trường, trong đó có ĐH Đông Đô, làm bậy”, ông Khuyến nói và nhận định thêm nếu Bộ GD&ĐT làm đúng chức trách theo quy định thì đã không xảy ra sai phạm nghiêm trọng đến thế.

Cần công khai kết quả xử lý trách nhiệm

Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, quy định về đào tạo văn bằng 2 được nêu rõ trong Quyết định 22 năm 2001. Trường hợp cơ sở giáo dục làm liều nhiều năm mà không bị phát hiện, rõ ràng, khâu quản lý không tốt. Thế nhưng, trong việc thông tin về các vấn đề liên quan ĐH Đông Đô thời gian gần đây, bộ giải trình kiểu "nhỏ giọt".

Chuyên gia này nêu quan điểm đáng ra, tất cả chuyên viên phụ trách theo dõi trường phải chịu trách nhiệm.

“Tôi nghĩ bộ xử lý nội bộ và sẽ công khai kết quả. Không thể có chuyện không ai chịu trách nhiệm. Sai phạm hàng năm trời, qua nhiều thế hệ chuyên viên, cần làm rõ đúng trách nhiệm”, ông nói.

DH dong do dao tao chui anh 2
Ông Khuyến đề nghị xem xét xử lý đối với các chuyên viên phụ trách theo dõi ĐH Đông Đô và có biện pháp cứng rắn với trường này. Ảnh: VTV.

Về phía ĐH Đông Đô, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học nhận định sai phạm quá rõ và không chỉ nằm ở việc được cấp phép đào tạo hay không. Vấn đề quan trọng hơn, trường không đào tạo nghiêm túc. Kể cả được cấp phép, cách đào tạo của Đông Đô cũng "không thể chấp nhận được".

Ông Khuyến khẳng định đây mới là lỗi lớn nhất, cho thấy trường không đủ tư cách của một cơ sở giáo dục đại học, không xứng đáng đào tạo.

Việc HĐQT trường thả nổi, thậm chí thông đồng với hiệu trưởng để “làm bậy” cho thấy bộ cần xem lại cơ chế. Việc trao quyền tự chủ phải gắn liền trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin, không chỉ với cơ quản quản lý mà còn với học sinh, phụ huynh và xã hội.

Vì vậy, chuyên gia giáo dục này cho rằng vụ việc cần được xử lý nghiêm khắc bằng cách đình chỉ hoạt động đào tạo hoặc giải tán trường. Đương nhiên, quyết định này còn tùy thuộc kết quả điều tra của cơ quan công an và xét xử của tòa án.

Về việc xử lý sinh viên đã hoặc đang theo học văn bằng 2 tại ĐH Đông Đô, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm cần làm rõ những người "chạy" tiền để xử lý nghiêm túc.

Với những người theo học do không biết, tức là nạn nhân, kết quả học tập khó được chấp nhận nhưng cần phân tích, cho học và thi lại ở các hội đồng có quyết định thành lập của Nhà nước. Ông nói thêm trước đây từng có trường hợp tương tự.

“Xử lý vụ việc không đơn giản. Nói trắng ra, chương trình không được cấp phép thì bằng không có giá trị. Nhưng làm đơn giản như vậy lại thiếu cái tình”, ông Khuyến nói.

Theo Tiền Phong, ngày 12/10/2018, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra tại trường ĐH Đông Đô (địa chỉ số 60B, phố Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Biên bản kiểm tra ngành nghề, trình độ và quy mô đào tạo của ĐH Đông Đô nêu rõ chương trình đại học văn bằng 2 chính quy có 323 sinh viên.

Ngày 14/8/2018, Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) có văn bản gửi Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) xin danh sách tổ chức khảo thí và các cơ sở đào tạo của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng cử nhân ĐH (VB2) ngôn ngữ nước ngoài và tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 điểm trở lên…

Ngày 21/8/2018, Cục Quản lý chất lượng có văn bản trả lời Cục nhà trường, trong đó nhấn mạnh: “Tại Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/TT - BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng GD&ĐT, ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài có mã ngành là 72202. Quý Cục tham khảo danh mục các cơ sở giáo dục ĐH có mã ngành 72202 tại cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT”.

Từ công văn hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng, Cục Nhà trường đã đưa ra hướng dẫn về quy trình, nội dung xác định trình độ ngoại ngữ đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2018 và những năm tiếp theo. Hướng dẫn này liệt kê ra danh sách gồm 111 cơ sở đào tạo của Việt Nam được phép đào tạo và cấp văn bằng ĐH ngoại ngữ (văn bằng 2). Danh sách đó có nhiều trường ĐH ngoài công lập, trong đó có cả ĐH Đông Đô.

Thế nhưng, thông tin từ Bộ GD&ĐT gửi báo chí ngày 17/8 cho biết bộ chưa có văn bản cho phép trường ĐH Đông Đô được đào tạo văn bằng 2 vì chưa nhận được văn bản đề nghị của trường về vấn đề này.

'Sai phạm đến mức độ như ĐH Đông Đô cần xem xét giải thể'

“Sai phạm đến mức độ như ĐH Đông Đô, trường cần phải giải tán. Bộ đã có quy định, trường sai phạm phải bị xử lý nghiêm, không phải kiểu xử rồi vẫn tồn tại", TS Hoàng Ngọc Vinh nói.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm