Vụ việc nữ sinh 13 tuổi ở Long An tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ hồi cuối tháng 3 khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Cha của bệnh nhi cho biết con gái anh có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp. Dần dần, bé bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội, từ đó sinh ra hành động tiêu cực.
May mắn thay, bé được gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời để cứu chữa. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết bệnh nhi cần được theo dõi thêm và điều trị tâm lý để tránh trường hợp tái tự tử.
Những lý do rơi vào trầm cảm, dẫn đến tự sát của trẻ vị thành niên thường bị chỉ trích là "chẳng có gì to tát". Ảnh: Antonio Guillem/Shutterstock. |
Cùng thời điểm đó, rạng sáng 22/3, hai nữ sinh 16 tuổi rơi từ sân thượng tòa chung cư quận 12 (TP.HCM) xuống đất tử vong.
Trước đó một tuần, cả hai bỏ nhà đi cho đến khi gia đình phát hiện vụ việc thương tâm này. Hai nữ sinh có quan hệ tình cảm với nhau. Trong điện thoại để lại, gia đình phát hiện tin nhắn có nội dung cả hai muốn tự tử.
Đáng chú ý, đây chỉ là hai trong vô số các trường hợp thanh thiếu niên tự kết liễu mạng sống của mình.
Trung bình mỗi ngày trên thế giới, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tử vong do quyên sinh và có xu hướng tăng lên, theo Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Không ít người đặt ra câu hỏi tại sao giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên, tìm cách tự làm tổn thương bản thân dù lý do “chẳng có gì to tát”, “không đâu vào đâu”.
Một số khác thẳng thừng cho rằng các bạn trẻ sống quá ích kỷ, không biết quý trọng tính mạng của mình trong khi hàng triệu người ngoài xã hội kia đang vật lộn để được tồn tại. Nếu buồn thì phải tìm cách vui lên chứ, sao phải tự tử?
Họ vội vàng đánh giá hành động của những thanh thiếu niên ấy là nông nổi, thiển cận, bất hiếu, vô trách nhiệm. Chẳng mấy ai quan tâm đến nguyên do khiến các bạn trẻ lựa chọn chấm dứt cuộc sống ở ngưỡng cửa cuộc đời.
“Chắc chắn người thân và bạn bè của những thanh niên tự tử sẽ không dễ dàng gì để sống tiếp. Nhưng việc trách cứ người đã khuất có thực sự làm ta nhẹ lòng hơn?”, Bùi Duy Thanh Mai, nhà giáo dục độc lập có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với trẻ em, giáo viên, phụ huynh, nói với Zing.
Sự thay đổi tâm sinh lý, cộng thêm việc thiếu sự thấu hiểu từ gia đình, xã hội đẩy nhiều bạn trẻ vào bệnh trầm cảm. Ảnh: Rex. |
Tự tử không phải ích kỷ
Trước hết, cần phải khẳng định “Tử tự là hành động ích kỷ” là một định kiến tai hại.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, nhà hoạt động xã hội và tác giả sách, cho biết chính định kiến đó khiến người có nguy cơ tự sát cảm giác bị phán xét, lên án, làm họ càng xa lánh người khác, giấu kín tình trạng của mình, không tìm tới trợ giúp.
“Chúng ta cần hiểu rằng khủng hoảng tâm lý, hay tâm bệnh như trầm cảm đều có thể khiến khả năng thu nạp thông tin, đánh giá tình huống, nhận thức về bản thân và thế giới, tìm ra lời giải của người trong cuộc bị ảnh hưởng, suy giảm nặng nề”, ông chia sẻ với Zing.
Theo bệnh viện nhi Stanford Children’s Health thuộc hệ thống Y tế ĐH Stanford (Mỹ), những năm tháng tuổi thiếu niên, hay còn được biết đến là giai đoạn chuyển giao giữa “trẻ con” và “người lớn”, là khoảng thời gian rất căng thẳng.
Các bạn trẻ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi rất lớn, từ thay đổi về thể chất đến tinh thần, suy nghĩ và cảm nhận. Cảm giác bối rối, nhạy cảm, sợ hãi và nghi ngờ hoàn toàn có thể tác động đến hành vi của họ.
Gặp thất bại, bị từ chối, tan vỡ tình đầu hay có biến cố gia đình đều có thể là tác nhân gây ra những cái chết trẻ “bồng bột”. Ngoài ra, áp lực “phải thành công” từ phía gia đình, phải gắng sao cho bằng bạn, bằng bè ngày càng đè nặng lên đôi vai của giới trẻ.
Những cảm xúc tiêu cực như tội lỗi, lãnh đạm, bi quan… cũng từ đó dễ dàng "xâm chiếm" họ - những bạn trẻ ở độ tuổi chưa đủ kinh nghiệm để đối mặt với trạng thái căng thẳng.
Nếu không biết cách xử lý hay tìm được nơi để chia sẻ, nhận được sự hỗ trợ, sang chấn tâm lý tuổi mới lớn có thể trở thành lý do để nhóm đối tượng trên rơi vào trầm cảm, từ đó tìm đến tự tử.
Áp lực “phải thành công” từ phía gia đình cũng trở thành gánh nặng cho các bạn trẻ. Ảnh: New York Times. |
Chia sẻ với Zing, nhà giáo dục độc lập Thanh Mai cho biết: “Rất nhiều bạn trẻ từng trải lòng trong phút quẫn bách với tôi rằng họ ra đi vì ‘bất lực’, ‘sợ làm phiền’ hoặc muốn ngừng lại vì ‘không thể bước tiếp được nữa’, ‘không được chấp nhận’”.
"Họ thường nhận được phản ứng như: 'Mỗi thế thôi mà cũng khóc à?', 'Có tí chuyện mà cứ làm to lên?' hoặc 'Giới trẻ bây giờ mong manh quá, nhạy cảm quá'. Hơn ai hết, những bạn trẻ này cảm thấy chơ vơ và không ai bên họ trong những lúc lao đao ấy”, cô nói thêm.
Theo số liệu của Cục quản lý khám chữa bệnh, năm 2017, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 8-29%, tùy theo địa phương, giới tính. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được phát hiện và điều trị.
Một nghiên cứu của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, về hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh cấp THCS cho thấy: 1/3 em thừa nhận mình từng có hành vi tự hủy hoại bản thân. Gần 5% từng có hành vi tự tử trong suy nghĩ, hành vi tự tử bất thành, hành vi tự tử nhưng được cứu sống.
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý cho biết lứa tuổi thanh thiếu niên khi gặp khúc mắc chưa biết cách xử lý, thường sử dụng một cơ chế phản ứng tự vệ tâm lý, gọi là "tự xâm kích", mức cao nhất là tự tử.
“Bản thân các em không nghĩ tới hậu quả sự việc, mà đơn thuần chỉ muốn giải thoát mình khỏi bế tắc”, bà chia sẻ với Zing.
Làm gì để bớt 'ích kỷ'
Nếu vấn đề sức khỏe tâm thần được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm hơn, có lẽ những cái chết tuổi đôi mươi sẽ được ngăn ngừa kịp thời.
Sự sẻ chia, thấu hiểu từ gia đình có thể kịp thời ngăn ngừa những cái chết tuổi đôi mươi. Ảnh: Sneksy/iStock. |
Theo nhà hoạt động xã hội Hoàng Giang, thanh thiếu niên trước hết cần được lớn lên trong một môi trường yêu thương, tôn trọng, có kết nối tinh thần, tình cảm vững chắc với cha mẹ. Từ đó, họ sẽ có được tinh thần khỏe mạnh để chống chọi với các sự kiện tiêu cực, bất lợi trong cuộc sống.
Ngược lại, gia đình cũng cần có những hiểu biết cơ bản về sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên để kịp thời điều chỉnh và trợ giúp.
“Nhiều bố mẹ sốt sắng chữa chạy khi con mình chỉ hơi bị sốt, nhưng lại triền miên vô cảm trước những vấn đề tinh thần của con. Họ đòi hỏi chúng phải ‘cố lên’, cho tới khi con cái gục ngã, tìm tới cái chết mà vẫn không hay biết, hoặc quay ra đổ lỗi ngược”, ông cho biết.
Mặt khác, nhà trường cần trang bị cho thầy cô giáo và học sinh kiến thức về sức khỏe tinh thần để các em tự nhận ra các vấn đề của mình hoặc của bạn bè mình, từ đó thông báo để người lớn sớm vào cuộc.
Cuối cùng, xã hội cần lắng nghe, an ủi, ghi nhận cảm xúc của những người không may rơi vào khủng hoảng, hoảng loạn, tuyệt vọng và giúp họ kết nối với các chuyên gia tâm lý.