Trao đổi với phóng viên Zing.vn, sáng 18/3 bà Nguyễn Thị Mây - Phó hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - nói rằng bà không biết có bao nhiêu trẻ của trường dương tính với kết quả xét nghiệm sán lợn.
Bà càng không biết vì sao số thịt lợn nhiễm sán hạt gạo nổi trên bề mặt dễ nhìn thấy bằng mắt thường nhưng trường vẫn nhận và nấu cho các cháu ăn. Nữ hiệu phó khẳng định không nhận được thông tin chính thức nào về việc trẻ bị nhiễm sán lợn. Bà cũng cho rằng các phụ huynh vì nóng vội nên đưa trẻ lên Hà Nội xét nghiệm, thì "họ cứ đi".
Sau đó, tại cuộc họp giữa các cơ quan ban ngành, địa phương về vụ việc hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn, ông Nguyễn Nhân Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh - khẳng định tỷ lệ nhiễm sán lợn của tỉnh này nằm trong bình quân chung của Việt Nam, tương đương 55 tỉnh, không có gì bất thường.
“Người dân Bắc Ninh không cần đi khám bệnh. Mức nhiễm bệnh dương tính ở Thuận Thành nằm trong khoảng bình quân chung của người dân Việt Nam. Tại sao chúng ta lại cứ ào ạt đi xét nghiệm, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng học tập, không cần thiết. Chúng ta nên chờ cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân”, ông Chiến khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Mây, Phó hiệu trưởng trường Mầm Non Thanh Khương, không nắm được các vấn đề liên quan hàng loạt trẻ ở trường bị nhiễm sán lợn. "Phụ huynh nóng vội nên đi Hà Nội khám, họ cứ đi. Còn lại hôm nay, tỉnh đã hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm cho học sinh”, bà Mây nói. Ảnh: Q.Q. |
Người lớn đừng vô tâm với sức khỏe của trẻ em
Dù đồng ý rằng bệnh sán lợn có thể chữa khỏi, nhiều bạn đọc, cư dân mạng đặt câu hỏi lãnh đạo tỉnh và trường học phát ngôn như thế có vô tâm với sức khỏe của trẻ không?
Tài khoản Nguyễn Quang nêu quan điểm nếu địa phương giải quyết tốt vấn đề (phát sinh từ cuối tháng 2), Sở Y tế Bắc Ninh tổ chức lấy máu xét nghiệm sớm cho trẻ, hàng nghìn phụ huynh đã không phải đội mưa, vượt quãng đường xa đưa con về Hà Nội khám bệnh.
“Người dân Bắc Ninh không cần đi khám bệnh. Mức nhiễm bệnh dương tính ở Thuận Thành nằm trong khoảng bình quân chung của người dân Việt Nam. Tại sao chúng ta lại cứ ào ạt đi xét nghiệm, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng học tập, không cần thiết. Chúng ta nên chờ cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân”.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến
Nhiều người cũng cho rằng vụ việc này diễn ra gần một tháng, chính quyền địa phương đã không giải quyết dứt điểm, dẫn đến câu chuyện thêm phức tạp. Lo cho sức khỏe con cháu mình, người dân phải đưa trẻ đi khám, chữa bệnh là chuyện dễ hiểu.
Chỉ đến khi hàng trăm trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn, chính quyền địa phương mới lên tiếng "không có gì bất thường" và đại diện nhà trường, phòng giáo dục "hát bài ca muôn thuở": Chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Anh Hoàng Đình Cẩn, một người dân tại Bắc Ninh, cho biết anh rất bức xúc khi nghe những câu trả lời của bà hiệu phó trường Mầm non Thanh Khương.
"Một câu trả lời vô cảm, thiếu đạo đức nghề nghiệp. Dù không trực tiếp phụ trách vấn đề này, nhưng ở vị trí hiệu phó, bà không nắm được chút gì về chuyện gây bức xúc diễn ra ở trường mình thì thật khó hiểu. Vậy còn cần hiệu phó làm gì?", anh Cẩn nói.
Độc giả Trần Chí Bình bình luận trên Zing.vn: "Tôi không biết dùng từ ngữ nào để nói về sự vô cảm của cô hiệu phó Nguyễn Thị Mây. Bây giờ lại trách phụ huynh tự bỏ tiền túi, mất công đưa con lên Hà Nội khám bệnh".
Một độc giả khác cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của bà Mây với cương vị lãnh đạo nhà trường: "Là hiệu phó, trong ban giám hiệu, một trong những người có trách nhiệm cao nhất của trường, bà lại nói không biết thực phẩm bẩn ra sao? Rồi phụ huynh nóng vội cho con đi khám! Nếu đặt trường hợp các cháu học sinh trên là con, cháu ruột của bà hiệu phó, bà tính sao?".
Rất nhiều bình luận tỏ ra bức xúc vì những phát ngôn bị cho là vô cảm. Họ đề nghị: "Đừng vô tâm với sức khỏe của trẻ em như thế".
Đề nghị sớm khởi tố vụ án, làm rõ sai phạm
Sáng 18/3, phụ huynh học sinh tại trường Mầm non Thanh Khương viết đơn đề nghị khởi tố hình sự vụ việc hàng trăm học sinh bị nhiễm sán lợn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều động ngay bác sĩ, lực lượng chuyên môn cùng với thiết bị về Bắc Ninh để xét nghiệm sán lợn cho học sinh các trường học ở huyện Thuận Thành.
Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương làm rõ nguyên nhân của việc nhiễm sán lợn và sớm công khai kết quả. Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Họ tố rằng Công ty Hương Thành nhiều lần biết là thực phẩm bẩn nhưng vẫn cố tình giao cho trường Mầm non xã Thanh Khương và 18 trường khác trong huyện Thuận Thành. Tổng cộng số học sinh sử dụng thực phẩm được cho là 10.000 em.
Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc tại sao đến giờ vụ việc chưa bị khởi tố, dù bà hiệu trưởng đã bị đình chỉ công việc?
Tài khoản Nguyễn Nhung khẳng định đưa thực phẩm bẩn vào trường học là tội ác không thể dung thứ. Ở nước ngoài, những vụ việc tương tự thường bị xử lý rất nặng. Người liên quan có thể ngồi tù.
"Tôi đồng ý với đề nghị của các phụ huynh Bắc Ninh, phải khởi tố vụ án, điều tra làm rõ. Từ ngày 5/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vào cuộc xác minh, công an tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ, nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tin gì?", chị Nguyễn Nhung đặt câu hỏi.
Cuối tháng 2, nhiều phụ huynh "vây" trường Mầm non Thanh Khương, yêu cầu hiệu trưởng trả lời cụ thể về việc món thịt lợn trong bữa ăn của trẻ nghi có sán. Trưa 5/3, trường Mầm non Thanh Khương tiếp tục bị phụ huynh tố dùng thịt gà đông lạnh không đảm bảo an toàn thực phẩm cùng nhiều loại chân gà dùng để nấu cháo cho các cháu đã bốc mùi hôi thối.
Cùng ngày 5/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vào cuộc xác minh. Công an tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ.
Ngày 6/3, bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương "nghiêm túc nhận trách nhiệm", sau đó bị đình chỉ công tác. Phía công ty Hương Thành phủ nhận thịt lợn nhiễm sán.
Hai ngày cuối tuần 16 và 17/3, hàng nghìn phụ huynh ở Thuận Thành đưa con về 2 bệnh viện ở Hà Nội làm xét nghiệm sán lợn. Hàng trăm ca có kết quả dương tính. Sáng 18/3, Bắc Ninh tổ chức lấy máu cho trẻ ở địa phương, gửi về Hà Nội làm xét nghiệm.