Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nếu con trượt đại học, hãy cảm ơn một cơ hội thất bại'

"Các kỳ thi trong trường chỉ là một mảng rất nhỏ. Ngoài kia còn những kỳ thi khốc liệt hơn nhiều, đề thi kín đáo hơn và làm sai có thể trả bằng mạng sống", nhà báo Thu Hà viết.

Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, hàng nghìn học sinh vui mừng nhưng cũng có nhiều em chìm trong dằn vặt, tủi hổ.

Những ngày qua, câu chuyện nam sinh Hà Nội dừng chân trước “cánh cổng thiên đường” vì thiếu 0,05 điểm vào ĐH Y Hà Nội hay việc thí sinh đạt 29,35 trượt ĐH Y Dược TP.HCM khiến nhiều người tiếc nuối.

Đời người vẫn luôn đối mặt nhiều cuộc thi, thế nên thất bại ở cuộc đua đại học không có nghĩa bạn mãi là người thất bại. Trước câu chuyện đỗ - trượt mùa tuyển sinh năm nay, Zing.vn giới thiệu bài viết của nhà báo Thu Hà, người có nhiều năm tiếp xúc, đồng hành với học sinh.

'Thi cử ở Việt Nam là nỗi ám ảnh kinh hoàng'

17 năm làm báo Hoa Học Trò, tôi và đồng nghiệp đã nhận những lá thư, email, cuộc điện thoại đẫm nước mắt. Có những trường hợp còn đau hơn nước mắt, khi cô cậu học trò nhỏ đó không khóc được và tìm tới cái chết. Mùa này, học sinh tự tử nhiều nhất trong năm.

Không biết bố mẹ nào lớn rồi mà vẫn còn ngủ mơ bị đi thi không? Tôi hay mơ đi thi, rồi hoặc là bị trễ giờ, hoặc bị sai quy chế phòng thi, hoặc quên cái gì đó, nhầm cái gì đó...

Có lần mơ làm bài xong, chuông hết giờ, tờ giấy thi bỗng trắng trơn, chữ biến đâu mất sạch... Tôi khóc tức tưởi trên gối, rồi giật mình tỉnh dậy, muốn sụp xuống để cảm ơn vì đã 30, 40 tuổi, không còn phải đi thi nữa.

Tôi nhớ trước ngày thi bố mẹ thường dậy sớm nấu xôi đỗ xanh, phải là đỗ xanh hoặc đỗ đỏ, chứ không xài đỗ đen. Suốt hàng tháng trời, hàng năm trời, ông bà, chú bác đi qua, ai cũng chúc “thi tốt”, “thi đậu”...

Ba mẹ thao thức, đi nhẹ, nói khẽ. Thầy cô lo lắng chuẩn bị, tập huấn, tập dượt. Những công trình xây dựng quanh trường học cũng phải tạm dừng. Thậm chí, cảnh sát chốt các ngã ba, ngã tư để tránh kẹt xe... Tất cả chăm sóc bất thường đó, nó gói bên trong là sự kỳ vọng.

Chúng tôi, những thí sinh luôn cảm nhận được sự kỳ vọng đó. Và nó nặng. Nặng lắm! Tôi sợ thi tới mức không bao giờ coi học trò là tuổi đẹp nhất cuộc đời. Nhiều bạn bè tôi cũng vậy.

Và ba mẹ ơi, có thể con cái của bạn cũng đang như vậy đấy! Hôm nay, nhiều bé sẽ biết tin mình đậu... Và luôn luôn nhiều hơn số đó, là các bé thi trượt. Chúc mừng các mẹ có con thi đậu! Và cũng chúc mừng các mẹ có con thi trượt! Cái gì diễn ra, có nghĩa là nó đã xong!

thi truot dai hoc anh 1
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Tuấn.

Tự do thất bại!

Các con sinh ra trên đời này là để sống. Không phải chỉ để thi! Các kỳ thi ở trong trường chỉ là một mảng rất nhỏ. Ngoài kia còn những kỳ thi khốc liệt hơn nhiều, đề thi kín đáo hơn, làm sai có thể trả bằng mạng sống.

Ví như đề thi 16,5 tỷ của một hoa hậu. Ai dám chắc chắn rằng con mình sẽ vượt qua được đề thi đó? Cô ấy đã có một thời học trò thuận lợi và rạng rỡ, đi du học từ sớm, trời ban cho sắc đẹp, đứng trên đỉnh cao của cuộc thi nhan sắc. Cô ấy học ngành định giá và đã định giá cho mình con số hàng chục tỷ. Còn thiếu gì nữa đâu!

Vị đại gia của vụ đó cũng là học sinh chuyên của một trường có tiếng, du học và khởi nghiệp thành công, tài sản hàng chục tỷ đồng. Cả hai đều đã rất thành công ở tuổi học sinh và sinh viên, và trong khởi nghiệp đầu đời. Còn thiếu gì nữa đâu!

Ước chi trước đó họ thất bại để họ đừng phóng lên phía trước quá nhanh với vận tốc quá lớn. Tất cả thứ đi quá nhanh đều chứa nhiều rủi ro. Đi quá nhanh, nếu lỡ lạc đường thì càng xa đích đến!

Tôi cũng vừa đọc được tin, các trường Ivy League và một số đại học đại cương hàng đầu của Mỹ giờ đây đang phải xây dựng những chương trình chỉ để hỗ trợ sinh viên giỏi nhất trường vượt qua thất bại đầu đời. Họ chỉ tập trung hỗ trợ học sinh giỏi thôi!

Tôi hiểu điều này lắm, vì tôi có một người bạn rất giỏi, thi đâu đậu đó, là niềm hãnh diện cho cả trường, cả dòng họ. Với họ, thất bại là một kinh nghiệm không quen thuộc. Khi nó xảy ra, nó làm họ tê liệt và gục ngã!

Vì vậy, nếu kỳ thi này con trượt, thì bạn ấy đã học được kinh nghiệm thất bại, và sẽ học được cách đứng lên. Thế giới luôn cân bằng, cuộc đời luôn có vay có trả. Thất bại phải tập dày công hơn là thành công nữa đó!

Cuộc đời là liên tiếp những bài thi. Mỗi ngày lại có những bài mới với mỗi người mình gặp lại là những đề mới. Mỗi sự việc, mỗi thử thách cũng đều là những bài thi khó.

Những kỳ thi này chẳng bao giờ trốn được, không thể gian lận. Bạn có rất nhiều bài thi để làm, đừng vì một bài thi trong trường không hoàn hảo rồi coi mình như đồ bỏ đi!

Mark Zuckerberg mới có một bài phát biểu rất hay ở Harvard: “Facebook không phải là thứ đầu tiên tôi xây dựng. JK Rowling cũng bị từ chối 12 lần trước khi viết và xuất bản được Harry Porter. Beyone phải làm cả trăm bài hát mới có Halo. Thành công vĩ đại nhất đến từ sự tự do thất bại”.

Các ba mẹ ạ, hãy thả lỏng đi và hãy cho con mình quyền tự do thất bại!

Nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học

Theo TS Lê Trường Tùng, thí sinh 30 điểm vẫn trượt ngành yêu thích sẽ tạo nên bức tranh tổng thể "buồn cười". Điểm chuẩn đại học lên đến 30,5 là bất hợp lý.


Nhà báo Thu Hà

Bạn có thể quan tâm