Là người ủng hộ việc cho trẻ nghỉ hè 3 tháng, song chị Phan Thu Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đau đầu khi nghĩ về việc học của con nếu nghỉ quá dài như vậy.
“Bé út nhà tôi học lớp 1. Thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, bé quên gần hết. Lúc sắp đi học trở lại, mẹ vừa dỗ vừa dọa, còn phải nhờ thêm cô giáo mới ‘nhặt’ lại chữ”, chị Thủy giải thích lý do lo lắng.
Nhiều phụ huynh mong muốn trẻ có một mùa hè đúng nghĩa. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nỗi lo trẻ không bằng "con người ta"
Vì tính nhanh quên và không nghe lời bố mẹ của con gái, chị Thu Thủy lường trước nếu từ năm sau, học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng, gia đình sẽ phải khá đau đầu với việc học của con.
Tuy nhiên, chị Thủy đoán con mình nằm trong số ít. Với đa số học sinh, nghỉ hè như vậy là niềm vui lớn.
“Tôi hiểu không thể vì số ít mà tước đi quyền lợi của đa số. Không nói đâu xa, ngay tại nhà tôi, nghỉ hè 3 tháng là thời gian tuyệt vời cho con trai lớn tạm gác lại Hóa học, Vật lý để đá bóng, học bơi”, phụ huynh này chia sẻ.
Vì thế, bà mẹ hai con mong muốn các trường nên sắp xếp thêm khoảng một tuần để phụ đạo học sinh trước năm học mới. Những phụ huynh cảm thấy con mình cần ôn luyện sẽ tự nguyện đăng ký cho trẻ tham gia.
Sợ con quên kiến thức cũng là nỗi lo của chị P.M. (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Phụ huynh này cho rằng nghỉ hè 3 tháng là quá dài. Thay vì nghỉ như vậy, Bộ GD&ĐT có thể cho nghỉ hè hai tháng và kéo dài thời gian nghỉ Tết.
Theo chị P.M., như vậy, con không xa trường, lớp quá lâu, vẫn giữ được đà học, lại có khoảng nghỉ ngơi giữa mỗi học kỳ.
Chị Đào Thị Phương (Hà Tĩnh) cũng cảm thấy chưa thực sự yên tâm khi nghỉ hè 3 tháng khi chương trình học vẫn nặng, cả nhà trường và phụ huynh đều chú trọng thành tích.
Có hai con (lớp 8 và lớp 3), chị Phương cho biết dù thời gian nghỉ hè như trước đây, tức khoảng hơn hai tháng, lúc mới vào học, con vẫn tụt lại khá nhiều so với bạn bè.
Chị thừa nhận một phần nguyên nhân là con lười học, bỏ bê kiến thức nhưng lý do chủ yếu nằm ở việc bạn bè trong lớp dành thời gian trong hè để ôn lại kiến thức và học vượt.
“Gia đình tôi không muốn ép con học thêm trong hè. Nhưng việc thua kém bạn bè khiến con tự ti và càng thêm chán học. Vì thế, nếu mọi người đua nhau cho con học thêm, việc nghỉ hè 3 tháng có ý nghĩa gì đâu”, chị Phương bày tỏ.
Do đó, chị hy vọng nghỉ hè ngắn để con chị không quên hết kiến thức, đồng thời những học sinh khác cũng không học trước nội dung năm sau quá nhiều.
Nhiều giáo viên lo phụ huynh sợ con quên kiến thức mà ép con học thêm quá nhiều, "đánh cắp" mùa hè của trẻ. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Bắt con học thêm, "đánh cắp" mùa hè của trẻ
Tình trạng phụ huynh tận dụng kỳ nghỉ hè để cho con học thêm, nhồi nhét kiến thức cũng là nỗi lo của giáo viên.
Cô Đặng Thị Chung, giáo viên tiểu học ở Thuận An, tỉnh Bình Dương, cho rằng nghỉ lâu, học sinh quên kiến thức là điều đương nhiên. Song theo cô, việc này không hẳn có hại. Trẻ cần quên kiến thức ở trường trong 3 tháng hè để học và nhớ những bài học từ thực tế cuộc sống thông qua các trải nghiệm.
Tôi thấy vui vì 3 tháng hè sẽ là thời gian quý giá và chất lượng nếu bố mẹ thực sự quan tâm con. Ba tháng không phải ‘cày’ sách vở sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng, thể chất.
Giáo viên Đặng Thị Chung
Cô chỉ lo với tâm lý như vậy, phụ huynh “đánh cắp” kỳ nghỉ hè của con, ép trẻ học thêm từ sáng đến tối tại các trung tâm dạy văn hóa thay vì rèn kỹ năng sống.
Cô Chung gợi ý các bố mẹ thay vì lo con quên kiến thức, hãy lên kế hoạch cho chúng hoạt động mùa hè thật ý nghĩa như tập làm việc nhà, học thêm năng khiếu, thể thao, theo đuổi đam mê.
“Ai cũng có tuổi thơ và tuổi thơ càng dữ dội càng cho ta nhiều kỹ năng, kinh nghiệm sống sau này. Con lớn lên, đi học, làm xa nhà, chúng ta cũng yên tâm hơn”, cô giáo tiểu học chia sẻ.
Cô Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cũng lo ngại về tình trạng bố mẹ bắt con đi học thêm nhiều trong dịp hè và gọi đây là vấn nạn.
Nữ giáo viên khẳng định chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ đưa con đến các trung tâm dạy thêm. Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo, giải pháp hợp lý về vấn đề này.
Ngoài ra, theo cô Thảo, sợ nghỉ hè dài, con quên kiến thức là tâm lý chung của nhiều phụ huynh, đặc biệt những người có con học mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, theo dự thảo, trường sẽ có kế hoạch hoạt động hè và mở cửa để học sinh vào sinh hoạt trong thời gian nghỉ.
“Chúng ta nên tính đến nghỉ hè là lúc tổ chức các hoạt động cho học sinh như sinh hoạt các câu lạc bộ kỹ năng, học thuật ở bậc phổ thông. Bậc mầm non, các trường vẫn có thể tổ chức giữ trẻ theo nhu cầu để phụ huynh có nơi trông giữ con”, cô Huyền Thảo đề xuất.
Cô cho rằng việc sinh hoạt câu lạc bộ, đội nhóm cũng là dịp để trẻ có cơ hội ôn tập, rèn luyện kỹ năng. Những trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt như thư viện, sân vận động hay sân trường có thể tổ chức các hoạt động của Đoàn, Đội để học sinh có sân chơi và sinh hoạt.
Vì thế, cả cô Huyền Thảo lẫn cô Đặng Thị Chung đều ủng hộ việc nghỉ hè đủ 3 tháng.
“Tôi thấy vui vì 3 tháng đó sẽ là thời gian quý giá và chất lượng nếu bố mẹ thực sự quan tâm con. Ba tháng không phải ‘cày’ sách vở sẽ giúp con phát triển kỹ năng, thể chất”, cô Chung nói.
Cô cho biết thêm sau thời gian nghỉ vì dịch Covid-19, học sinh có quên bớt kiến thức nhưng bù lại, các em trông khỏe mạnh hơn hẳn.
Chiều 30/6, trong cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục tổ chức dạy trước khi tựu trường, làm ảnh hưởng thời gian nghỉ hè.
Ngày 1/7, Sở GD&ĐT Nghệ An gửi công văn đến các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc sở về việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm trong thời gian học sinh nghỉ hè.